Cải thiện nghề câu cá Ngừ vây vàng tại Việt Nam (21-11-2019)

Sáng 21/11/2019, Tổng cục Thủy sản đã có buổi làm việc với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam) về dự án “Cải thiện nghề câu cá Ngừ vây vàng” (FIP).
Cải thiện nghề câu cá Ngừ vây vàng tại Việt Nam

Trong 5 năm qua, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đã hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản trong dự án “Cải thiện nghề câu cá Ngừ vây vàng” theo định hướng đạt các Tiêu chuẩn chứng nhận MSC. Một trong những nội dung chính của dự án là vấn đề Việt Nam tham gia và tuân thủ các quy định của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC).  

Theo kế hoạch, tháng 12/2019, Dự án trên sẽ được đánh giá tiến độ và kết quả hoạt động, cụ thể là xác định các hoạt động đã làm được và chưa làm được. Để cập nhật và chuẩn bị cho đợt đánh giá, Tổng cục Thủy sản đã có buổi làm việc với WWF Việt Nam và các bên liên quan với các nội dung thảo luận về: Chiến lược khai thác cá Ngừ tương thích với yêu cầu của WCPFC với các điểm tham chiếu; Các biện pháp kiểm soát cường lực khai thác; Giảm thiểu khai thác không chủ ý các loài quý hiếm; Kế hoạch Hành động liên quan đến cá Mập; Chương trình quan sát viên.

Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo và chuyên viên của các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản (Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác Quốc tế; Vụ Khai thác thủy sản; Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Vụ Pháp chế Thanh tra). Cùng đến tham dự còn có Viện Nghiên cứu Hải sản; Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản; Hiệp hội Cá Ngừ Việt Nam (Vina Tuna); Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và một số đơn vị có liên quan thuộc Tổng cục Thủy sản. Về phía Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam) có Giám đốc Dự án Phát triển bền vững Sea Delight và Điều phối viên Chương trình Biển - WWF Việt Nam.

Dự án FIP - Dự án cải thiện nghề khai thác cá Ngừ vây vàng tại Việt Nam

Với khoảng 2.000 tàu câu cá Ngừ, ước tính tổng sản lượng hàng năm là 14.000 tấn và tổng giá trị xuất khẩu đạt gần 370 triệu USD. Nghề khai thác cá Ngừ vây vàng ở Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi nhu cầu cá Ngừ đang tăng lên của thế giới. WWF đã cùng một số đối tác hỗ trợ nhau cải thiện nghề câu cá Ngừ với mục đích cuối cùng là đạt được chứng nhận của Hội đồng Quản lý Biển (MSC).

Dự án FIP được bắt đầu từ 2013 bằng việc hoàn thành đánh giá sơ bộ MSC. Một kế hoạch hành động cho việc cải thiện nghề khai thác cá Ngừ vây vàng tại Việt Nam cũng đã được hoàn thiện vào đầu năm 2014. Kế hoạch này đã nêu lên sự cần thiết của các hoạt động cải thiện nghề khai thác cá Ngừ với sự tham gia của các bên có trách nhiệm, khung thời gian cũng như các yêu cầu để đạt tiêu chuẩn MSC.

Dự án đã được chính thức bắt đầu vào tháng 4 năm 2014. Các hoạt động đã được theo dõi và kiểm tra hằng năm. WWF Việt Nam là quản lý quốc gia của Dự án FIP. Cùng với WWF, Hiệp hội Cá Ngừ Việt Nam cũng là một thành viên Điều phối của Dự án. Dự án hướng đến 03 mục tiêu cơ bản sau: Đảm bảo sản lượng cá Ngừ không vượt quá các mức bền vững; Dựa vào hệ sinh thái để quản lý nghề cá; Tăng cường hệ thống quản trị nghề cá Ngừ Việt Nam. Qua đó, đạt được các kết quả mong đợi: Hiện trạng nguồn lợi được cải thiện; Hệ thống thông tin, số liệu được củng cố, tăng cường; Có chiến lược quản lý đối với các loài bị khai thác không chủ ý; Thực hiện các biện pháp quản lý cá Mập; Tăng cường các biện pháp quản lý Rùa biển; Có chiến lược quản lý các sinh cảnh; Thực hiện đánh giá hệ sinh thái và đa dạng sinh học cho Việt Nam và Khu vực Biển Đông; Thực hiện hiệu quả Luật Thủy sản 2017; Áp dụng các mục tiêu cụ thể để quản lý nghề cá Ngừ; Tăng cường nghiên cứu về cá Ngừ ở cấp Quốc gia.

Tại buổi làm việc, WWF Việt Nam cho biết, cá Ngừ được tổ chức theo 03 tiêu chí của chứng nhận MSC: (1) Quần  thể cá Ngừ được khai thác bền vững; (2) Hoạt động khai thác không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái (bao gồm: sinh cảnh và các loài bị khai thác không chủ ý); (3) Hệ thống quản lý tốt đảm bảo được 02 tiêu chí (1) và (2); đồng thời, có thể phản xạ nhanh khi có vấn đề đối với 02 tiêu chí (1) và (2). Bộ ba tiêu chí này đã được cụ thể thành 55 mốc cho nghề câu cá Ngừ của Việt Nam. Việc đánh giá sẽ dựa trên việc xem xét tiến độ thực hiện các mốc này. Kết quả đánh giá năm 2016 được tổng hợp và đưa ra khuyến nghị cho FIP từ năm 2017. Từ 2016 đến nay, WWF Việt Nam mới cùng Tổng cục Thủy sản và các bên liên quan thực hiện lại việc đánh giá này. 

Kết quả đánh giá thường niên 2016

Báo cáo thường niên gửi Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC) đã nhấn mạnh: Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp bảo mật, nhưng sau đó phải có một quá trình đánh giá bởi Uỷ ban Kỹ thuật và tuân thủ (TCC) hoặc sử dụng các thủ tục đánh giá Quốc gia chính thức khác.

Về bảo vệ Rùa biển và cá Mập, cần có báo cáo để chứng minh rằng những hành động đã thực hiện; Cần có mô tả về các chương trình và kết quả. Về tiếp cận hệ sinh thái, chưa có báo cáo, đánh giá rủi ro đối với các loài bị khai thác không chủ ý (do Viện Nghiên cứu hải sản thực hiện). Về thất thoát ngư cụ trong quá trình khai thác: Cần có bằng chứng thông tin này trong biểu mẫu Chương trình quan sát viên và Sổ nhật ký khai thác.

Để phục vụ quá trình đánh giá, cần có các báo cáo chứng minh các hoạt động đã được thực hiện, kết quả đạt được, các nghị định, quy định… Các báo cáo Chương trình quan sát viên, Sổ nhật ký khai thác và thu mẫu tại cảng cần được chuẩn bị sẵn để chuyên gia xem xét, đánh giá. Nhìn chung, kết quả đánh giá 2016 cho thấy, Việt Nam chưa có nhiều kết quả đạt được, có những mốc còn chậm tiến độ.

Việt Nam sẽ cần phải báo cáo chi tiết các nội dung sau: Hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu tác động đối với Rùa biển; Bằng chứng về việc ghi chép ngư cụ bị mất trong quá trình khai thác; Báo cáo cập nhật về đánh giá tác động của nghề câu lên hệ sinh thái và các loài bị khai thác không chủ ý; Kế hoạch Hành động cá Mập (có bao gồm danh sách các loài cá Mập bị đe dọa, các đề xuất bao gồm cả hành động không cắt vây cá Mập trên biển); Bằng chứng về sự tương tác giữa Hiệp hội Cá Ngừ Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tổng cục Thuỷ sản trong quá trình tham vấn và ra quyết định.

Yêu cầu của WWF đối với Dự án FIP

Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam) yêu cầu ngành Thủy sản Việt Nam cần xây dựng chiến lược quốc gia về khai thác cá Ngừ (cá Ngừ vây vàng, cá Ngừ mắt to, cá Ngừ sọc dưa); Kiểm soát tỷ lệ khai thác (tổng sản lượng khai thác cho phép, giới hạn số tàu và/hoặc giới hạn số ngày) theo tỉnh và theo nghề. Chiến lược cần bao gồm các chiến lược tách biệt cho cá Ngừ vây vàng và cá Ngừ mắt to, đặc biệt là cần phải nỗ lực để giảm 36% sản lượng cá Ngừ mắt to và duy trì không tăng sản lượng cá Ngừ vây vàng; Tiếp tục quá trình thu thập số liệu cho tất cả các loài.

Bên cạnh đó, xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia về cá Mập, trong đó: Thiết lập các giới hạn (nhằm tránh việc cá Mập bị khai thác như đối tượng chính); tăng cường các giới hạn để giảm sản lượng đánh bắt không chủ ý các loài nguy cấp, bao gồm: Nhám búa, Mập xanh, Nhám đuôi dài (hammerhead, blue and thresher sharks). Thực hiện đánh giá về tác động của nghề cá câu đối với cá Mập mượt và cá Mập chỏm vây trắng; Đồng thời, thiết lập một chiến lược giảm thiểu các loài này.

Đặc biệt, Việt Nam cần tăng cường sự minh bạch trong quá trình ra quyết định. Làm rõ các quy trình ra quyết định các biện pháp và chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể cho nghề cá Ngừ; Đảm bảo rằng các quy trình ra quyết định đáp ứng với các vấn đề nghiêm trọng/ quan trọng (được chỉ ra bởi các nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và tham vấn liên quan) một cách minh bạch, kịp thời và thích ứng; Quá trình ra quyết định sử dụng tiếp cận thận trọng và dựa trên những thông tin có sẵn tốt nhất; Thông tin về hoạt động của nghề cá Ngừ và các hành động quản lý luôn sẵn sàng có khi yêu cầu; Cung cấp các giải thích, giải trình cho việc thực hiện hoặc không thực hiện các hành động (kèm theo các phát hiện và khuyến nghị phù hợp) dựa trên các nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và rà soát.

Thực hiện chiến lược thực thi pháp luật nhằm đảm bảo rằng ngư dân tuân thủ các quy định về kiểm soát khai thác và các yêu cầu quản lý đối với các loài bị khai thác không chủ ý. Cụ thể, đối với Rùa biển, các tàu yêu cầu sử dụng hoặc thực hiện ít nhất một trong ba phương pháp sau để giảm thiểu việc đánh bắt không chủ ý Rùa biển: Chỉ sử dụng lưỡi câu vòng cỡ lớn, có hình tròn hoặc hình bầu dục và được thiết kế, sản xuất đúng nguyên mẫu với mũi vuông góc với thân lưỡi; Các móc này phải có độ lệch không quá 10 độ; Chỉ sử dụng mồi cá nguyên con; và Các biện pháp khác do Cơ quan quản lý phê duyệt. Đối với chim biển, các tàu đánh bắt ở phía bắc 230 vĩ Bắc cần phải áp dụng hoặc thực hiện ít nhất một trong ba phương pháp sau để giảm thiểu tác động tới các loài chim biển: Thả câu ở mạn tàu với một màn chắn chim và các thẻo câu có gắn chì; Thả câu ban đêm với ánh sáng tối thiểu; Dùng dây Tori; Các thẻo câu có gắn chì.

Việc triển khai các hoạt động tại Việt Nam

Tại buổi làm việc, Tổng cục Thủy sản đã thông báo với WWF về việc Việt Nam đã có chủ trương quản lý nghề khai thác cá Ngừ theo hạn ngạch khai thác, triển khai các hoạt động về bảo tồn Rùa biển và các loài quý hiếm. Cụ thể là: Ngày 02/5/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho 28 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương với số lượng là 31.541 giấy phép (trong đó, 29.408 giấy phép cho tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản; 2.133 giấy phép cho tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản). Đối với giấy phép cho tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản, Quyết định đã quy định rõ cho các nghề lưới kéo, lưới vây, lưới rê, câu (trừ cá Ngừ đại dương), câu cá Ngừ đại dương, chụp, lồng bẫy, khác. Quyết định 1481 đã có hiệu lực từ ngày 02/5/2019.

Trước đó, ngày 14/3/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 811/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn Rùa biển Việt Nam (giai đoạn 2016-2025) nhằm bảo tồn, bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể Rùa biển và nơi sinh cư của chúng tại Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan ở Trung ương và địa phương tổ chức thực hiện và báo cáo Bộ (định kỳ và đột xuất) các nhiệm vụ chủ yếu sau: (1) Giảm thiểu các tác nhân gây tử vong cho Rùa biển; (2) Thiết lập, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản, nơi sinh cư của Rùa biển; (3) Xây dựng và hoàn thiện văn bản quản lý nhà nước về bảo tồn, bảo vệ Rùa biển; Nghiên cứu và quan trắc các đặc điểm sinh học, sinh thái học của Rùa biển; (4) Nâng cao nhận thức của cộng đồng và năng lực chuyên môn cho các cán bộ chuyên trách về bảo tồn Rùa biển; (5) Tăng cường hợp tác trong khu vực và quốc tế.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác