Triển khai thực hiện cấp bách nhóm giải pháp tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu (24-06-2019)

Sáng 21/6, tại Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU) do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm trưởng ban đã họp phiên thứ nhất để triển khai các giải pháp cấp bắch nhằm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu (EC) đối với hải sản khai thác của Việt Nam.
Triển khai thực hiện cấp bách nhóm giải pháp tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Liên minh Châu Âu

Dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Uỷ ban nhân dân của 28 tỉnh/thành phố ven biển trực thuộc Trung ương là thành viên của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu vì Việt Nam thực hiện chưa tốt quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). Nếu không giải quyết được các vấn đề về chống khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”.  Trường hợp bị áp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.

Nỗ lực gỡ “thẻ vàng”

Phát biểu tại cuộc họp, Ông Nguyễn Ngọc Oai, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngay sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố ven biển đã tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp để khắc phục khuyến nghị của EC.

Ngoài việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chống khai thác IUU, Bộ NN-PTNT và Bộ Quốc phòng đã ký kết các quy chế phối hợp để tăng cường thực thi pháp luật trên biển.

Qua đó tăng cường sự hiện diện của các lực lượng thực thi pháp luật như Kiểm ngư, Hải quân, Cảnh sát biển tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn, tranh chấp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực để xử lý tàu cá vi phạm; hỗ trợ kịp thời tàu các bị nước ngoài bắt giữ, xử lý trái phép.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra, phát hiện một số vụ tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, không còn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển các nước quốc đảo Thái Bình Dương.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hiện nay chúng ta đang triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển cho 31.500 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Hệ thống giám sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh Movimar.

Tuy nhiên, trong năm 2018, số vụ vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài tiếp tục tăng so với 2017 (năm 2018 xảy ra 85 vụ/137 tàu/1162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài) và trong 5 tháng đầu năm 2019 tiếp tục diễn biến phức tạp (đã xảy ra 41 vụ/69 tàu/271 ngư dân vi phạm).

Nhằm phát triển nghề cá bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã rất nỗ lực để chấn chỉnh tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU; Quyết định số 78/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chống khai thác IUU đến năm 2025… với các biện pháp cấp bách và lâu dài.

Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý, cơ bản luật hóa các quy định quốc tế để chống khai thác IUU (Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Thủy sản đã được hoàn thiện, gồm 2 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng và 8 Thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT).

Các cơ quan liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển, cộng đồng người dân, doanh nghiệp đã tích cực vào cuộc để chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, xét về tổng thể các giải pháp, hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và cách thức tổ chức triển khai thực hiện trong thực hiện chống khai thác IUU thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo khuyến nghị của EC.

Đặc biệt là tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn ra phổ biển, chưa có dấu hiệu chấm dứt; công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chưa tốt; việc xử lý các hành vi khai thác bất hợp pháp chưa nghiêm, chưa triệt để; nguồn lực cho hoạt động chống khai thác IUU chưa được đầu tư đúng mức…

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động chống khai thác IUU, ngày 20/5/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 596/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia).

Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU họp lần đầu tiên nhằm đánh giá kết quả, tiến độ triển khai thực hiện chống khai thác IUU cũng như bàn giải pháp tháo gỡ những tồn tại, khó khăn tại các địa phương, ngăn chặn, loại bỏ hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh 4 tháng nữa đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu EC dự kiến sẽ sang Việt Nam kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị của EC sau 2 năm bị cảnh cáo "Thẻ vàng". Trong lần kiểm tra này, đoàn thanh tra sẽ kiểm tra 4 nhóm khuyến nghị mà EC đã yêu cầu nước ta phải thực hiện là Khung pháp lý; Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; Thực thi pháp luật và Truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại hạn chế chậm khắc phục trong công tác chống khai thác IUU của các bộ, ban, ngành có liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp &PTNT, các bộ ngành, địa phương. Mục tiêu chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm biển nước ngoài, trong đó giao Bộ Quốc phòng là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp. Đồng thời, đẩy mạnh việc trang bị thiết bị định vị, giám sát cho 31.000 tàu cá trên cả nước đến năm 2020. Khẩn trương triển khai vận hành, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu tàu cá giữa các cơ quan, đơn vị để quản lý tàu cá và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

Nếu không giải quyết được 4 nhóm kiến nghị lớn của EC, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng "Thẻ đỏ". Đồng nghĩa tất cả sản phẩm "thủy sản từ khai thác" của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.

Kinh nghiệm của các nước trong chống khai thác IUU

Cũng theo thông tin tại cuộc họp, từ năm 2012 đến 2017, đã có 25 nước đã bị EC cảnh báo thẻ, trong đó, có 19 nước bị cảnh báo “Thẻ vàng” và 06 nước bị áp dụng biện pháp “Thẻ đỏ”. Từ đó đến nay, đã có 14 nước gỡ được thẻ, trong đó có Thái Lan và Phi-lip-pin. Đây là hai quốc gia Đông Nam Á có vị trí địa lý, trình độ khai thác thủy sản cũng như vùng biển khai thác có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm để thoát cảnh báo thẻ vàng của Liên minh Châu Âu.

Đối với Thái Lan, kinh nghiệm cho thấy, ngay sau khi bị cảnh báo “Thẻ vàng” vào năm 2015, Chính phủ đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và được áp dụng cơ chế đặc thù, rút gọn để sửa đổi Luật Thủy sản, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và duy trì họp hàng tháng, khi cần thiết tổ chức họp hàng tuần. Thái Lan đã chi ra 125 triệu USD để triển khai các hoạt động chống khai thác IUU, tổ chức thêm 10 đầu mối và bổ sung thêm khoảng gần 6 nghìn cán bộ để kiểm soát nghề cá. Thái Lan cũng đã thành lập 31 trung tâm Kiểm soát tàu cá ra vào cảng ở 22 tỉnh ven biển để tăng cường công tác thanh tra kiểm tra đối với 6 nghìn tàu cá thuộc diện kiểm soát và sau 4 năm Thái Lan đã gỡ được cảnh báo thẻ vàng vào đầu năm 2019.

Đối với Phi-lip-pin, các giải pháp để chống khai thác IUU tương tự như Thái Lan, nhưng có phần quyết liệt hơn qua việc cải tổ bộ máy quản lý thủy sản và chi khoảng 10 triệu EURO. Phi-lip-pin đã ban hành một Đạo luật riêng có tên “ Luật Ngăn ngừa, Giảm thiểu và Xóa bỏ Khai thác IUU” hay còn gọi Đạo luật 2015 với các quy định quốc tế về quản lý nghề cá bền vững và chống khai thác IUU với mức xử phạt cao nhất tương đương với 40 tỷ đồng Việt Nam,vì vậy sau 11 tháng Phi-lip-pin đã gỡ được cảnh báo “ Thẻ vàng”.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác