Lượng khí thải CO2 trong đánh bắt sẽ cao hơn ước tính (30-01-2019)

Một nghiên cứu mới được công bố bởi một nhóm các nhà nghiên cứu của dự án Sea Around Us cho thấy lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ nhiên liệu bị đốt cháy bởi các tàu đánh cá cao hơn 30% so với báo cáo trước đây.
Lượng khí thải CO2 trong đánh bắt sẽ cao hơn ước tính
Ảnh minh họa

Nhóm các nhà khoa học gồm các nhà nghiên cứu từ Sea Around Us tại Đại học British Columbia Columbia (UBC) và Sea Around Us - Ấn Độ Dương, Đại học Tây Úc (UWA), và phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Chính sách Biển.

Nghiên cứu cho thấy chỉ trong năm 2016, đã có 207 triệu tấn CO2 được đưa vào khí quyển bởi các tàu đánh cá trên biển, gần như cùng một lượng CO2 phát ra từ 51 nhà máy nhiệt điện than trong cùng một khung thời gian.

Bà Krista Greer, người chủ trì nghiên cứu tại Viện Đại dương và Nghề cá của UBC cho biết: “Ngành công nghiệp đánh bắt phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và vai trò của nó đối với khí thải nhà kính toàn cầu phần lớn đã bị bỏ qua từ góc độ chính sách hoặc quản lý”.

Bà cho biết: “Cho đến nay, nghiên cứu toàn diện nhất về phát thải carbon dioxide từ đánh bắt cho thấy trong năm 2011, ngành thủy sản đã giải phóng 112 triệu tấn CO2 mỗi năm từ quá trình đốt cháy nhiên liệu trong quá trình đánh bắt”.

Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng nghề cá chỉ đóng góp 0,29% lượng khí thải CO2 toàn cầu, trong khi nghiên cứu mới chỉ ra rằng đóng góp của nghề cá gần gấp đôi con số đó, chủ yếu là do nghiên cứu của UBC-UWA xem xét sự khác biệt trong sử dụng nhiên liệu, dựa trên sản lượng đánh bắt và lượng nhiên liệu được sử dụng để đánh bắt 30 triệu tấn cá không được báo cáo trong năm 2016.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng cơ sở dữ liệu về sản lượng đánh bắt và kết quả đánh bắt toàn cầu của Sea Around Us, cho phép họ tính toán lượng carbon dioxide phát ra từ mỗi thuyền hoạt động trong các ngành đánh bắt khác nhau của mỗi quốc gia, cũng như lượng CO2 thải ra trên mỗi tấn cá của những thuyền này, còn được gọi là cường độ phát thải.

Bà Greer giải thích: “Chúng tôi thấy rằng cường độ phát thải toàn cầu trung bình trong năm 2016 là 1,88 tấn carbon dioxide, so với 1,5 tấn vào năm 1950. Điều này đã diễn ra mặc dù thực tế là sản lượng khai thác biển đã giảm từ giữa những năm 1990. Cường độ phát thải của các đội tàu quy mô nhỏ, thủ công đã tăng mạnh nhất trong khoảng thời gian này về độ lớn, nhưng lĩnh vực đánh bắt tiếp tục là đóng góp lớn nhất cho khí thải nói chung”.

Trong phân tích này, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng cường độ phát thải bắt đầu tăng lên vào những năm 1980.

Ông Dirk Zeller, đồng tác giả của nghiên cứu và Giám đốc của Sea Around Us - Ấn Độ Dương và Đại học Tây Úc cho biết: “Các nghề cá quy mô nhỏ bắt kịp với ngành đánh bắt công nghiệp về vấn đề này bởi vì ngư dân thủ công bắt đầu lắp đặt động cơ chạy bằng xăng trên thuyền của họ. Điều này có nghĩa là cần phải nghĩ đến các chiến lược giảm phát thải, chẳng hạn như chuyển sang sử dụng động cơ diesel nhỏ trong nghề cá quy mô nhỏ”.

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng nghề cá công nghiệp cũng cần giảm sản lượng đánh bắt của họ, hiện gấp 3-4 lần mức cần thiết để được bền vững. Điều này sẽ cho phép giảm lượng khí thải CO2 của các đội tàu công nghiệp và cũng thúc đẩy sự phục hồi của các quần thể cá đang suy giảm.

HNN (Theo fis.com)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác