Thiết bị giám sát tàu cá Zuni: Giải pháp hữu hiệu cho quản lý, an toàn tàu cá và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản Việt Nam (14-06-2018)

Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đã chính thức phạt thẻ vàng với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam do chưa tuân thủ các quy định về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Việc này đã tác động rất lớn đến hoạt động thương mại và đánh bắt hải sản vì Châu Âu là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam và luôn chiếm trên 17% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 3 năm vừa qua.
Thiết bị giám sát tàu cá Zuni: Giải pháp hữu hiệu cho quản lý, an toàn tàu cá và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản Việt Nam
Hình 1. Thiết bị Giám sát tàu cá – ZuniVN01

Để khắc phục vấn đề thẻ vàng của Châu Âu, ngày 16/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam; nhằm thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước.

Trong quyết định này, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp cơ chế, chính sách để thực hiện và một trong những cơ chính sách là nâng cấp hệ thống thông tin quản lý tàu cá và phân cấp cho địa phương, phân quyền quản lý, giám sát, kiểm soát khai thác IUU tại địa phương và cộng đồng. Ngoài ra, Uỷ ban Châu Âu (EC) cũng khuyến nghị Việt Nam cần phải tập trung cải thiện hệ thống thông tin quản lý tàu cá xa bờ. Theo đó, thiết bị giám sát tàu cá lắp đặt trên tàu phải hoạt động liên tục 24/24 và tự động gửi tín hiệu về bờ ít nhất 2 giờ/ lần.

Hiện nay, đã có nhiều tổ chức, công ty trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, và thử nghiệm các thiết bị giám sát tàu cá tại Việt Nam. Phần lớn các công ty trong số đó đến từ các quốc gia Châu Âu, họ mang theo những công nghệ quản lý tàu cá tiên tiến đã được sử dụng hiệu quả tại các quốc gia này. Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị giám sát tàu cá thử nghiệm tại Việt Nam đều gặp phải khó khăn như:

Thứ nhất, thiết bị phải cập nhập thông tin tàu (vị trí, hướng đi, tốc độ) về bờ một cách liên tục và nhanh chóng. Để làm được điều này, yêu cầu bắt buộc thiết bị phải sử dụng đường truyền vệ tinh trong việc truyền dẫn dữ liệu. Tuy vậy, vấn đề gặp phải đó là mức phí vệ tinh hàng tháng phải trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ (khoảng từ 350.000-1.200.000đ, tùy theo đơn vị cung cấp). Nếu để Nhà nước trả khoản phí này thì ngân sách chi trả hàng năm là một số tiền rất lớn. Vì vậy hệ thống quản lý ngoài đáp ứng yêu cầu của Nhà nước còn phải tập trung đáp ứng các nhu cầu của các tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là chủ tàu. Để họ có thể tự trả khoản phí vệ tinh hàng tháng hoặc chia sẻ cùng với đơn vị thu mua hải sản.

Thứ hai, thiết bị phải phù hợp với đặc trưng riêng của tàu cá Việt Nam. Tàu cá của chúng ta phần lớn là những tàu cỡ nhỏ, hệ thống trang thiết bị hàng hải trên tàu không đồng bộ và hệ thống nguồn cấp điện chủ yếu sử dụng bình ắc quy để lưu trữ điện năng. Đây là một trở ngại lớn nhất khi lắp đặt và sử dụng các thiết bị hàng hải trên tàu nếu như nhập nguyên các thiết bị từ Châu Âu. Đặc biệt hơn, trong những trường hợp tàu gặp sự cố cần phải gửi thông báo và cập nhập tình hình liên tục về bờ thì hầu hết các trang thiết bị lắp đặt trên tàu đều không hoạt động được do nguồn điện bị mất hoặc có thể hoạt động nhưng do thuyền trưởng, thuyền viên không biết cách xử lý trong tình huống khẩn cấp.

Thứ ba, thiết bị phải là công cụ hỗ trợ đắc lực trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, thiết bị giám sát tàu cá phải cập nhập liên tục trạng thái của tàu bị nạn về trạm bờ (vị trí, tốc độ, hướng đi). Khoảng thời gian cập nhập tín hiệu ngắn và liên tục sẽ giúp đơn vị hỗ trợ dễ dàng tìm kiếm và ứng cứu một cách kịp thời. Tuy nhiên, tàu thuyền đánh cá tại Việt Nam chủ yếu là tàu vỏ gỗ, kết cấu không vững chắc như tàu vỏ sắt nên khi gặp sự cố tàu thường bị chìm rất nhanh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ thuyền viên mất tích trên các tàu bị nạn thường rất cao. Vì vậy, thiết bị giám sát tàu cá cần phải được nghiên cứu và chế tạo để đảm bảo có thể sử dụng ngay cả trong trường hợp tàu bị chìm.

Hiệu quả tuyệt vời.

Ngoài một số thiết bị đã được lắp đặt trước đây bằng nguồn NSNN hoặc ngư dân tự bỏ tiền, hiện nay, ngư dân tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và một số tỉnh thành ven biển khác đã tự bỏ tiền ra mua thiết bị giám sát tàu cá để lắp đặt trên tàu của mình và đóng phí vệ tinh hàng tháng cho nhà cung cấp. Đây là một bước ngoặt lớn trong công cuộc phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm mà Chính phủ Việt Nam đang cố gắng hoàn thiện nhằm sớm thoát khỏi thẻ vàng của EC. Để góp phần vào việc nghiên cứu, ứng dụng thiết bị giám sát tàu cá, từ tháng 10/2015, các nhà khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ khai thác Thủy sản – trường Đại học Nha Trang và Công ty Zunibal đã phối hợp nghiên cứu, chế tạo và sản xuất thiết bị Giám sát tàu cá có tên ZuniVN-01 dành riêng cho thị trường Việt Nam với các tính năng đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu của Nhà nước, chủ tàu và các đơn vị liên quan.

Thiết bị Giám sát tàu cá - ZuniVN-01 với các tính năng đặc trưng như:

  • Thiết bị hoạt động như một “hộp đen” trên tàu, tự động cập nhập thông tin tàu thuyền và thiết bị rồi gửi về bờ thông qua vệ tinh sau mỗi 60 phút;
  • Cơ quan quản lý, chủ tàu và các đơn vị liên quan khác có thể theo dõi và quản lý tàu thuyền cùng lúc bằng các thiết bị thường ngày như: máy tính bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh;
  • Không nhất thiết phải có nhiều trạm bờ và đặc biệt có thể giúp cho các cơ quan có thẩm quyền có thể truy cập qua trang thông tin điện tử để kiểm tra, xác nhận thông tin về tàu cá, hỗ trợ hữu ích, nhanh nhất cho việc xác nhận, chứng nhận sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác;
  • Thiết bị tự hoạt động mà không cần sử dụng thêm nguồn điện từ bên ngoài;
  • Khi gặp sự cố, thuyền trưởng hoặc thuyền viên chỉ cần xoay nút khẩn cấp trên thiết bị. Thiết bị tự động gửi thông báo khẩn cấp đến cơ quan nhà nước và chủ tàu, đồng thời chuyển sang chế độ cập nhập trạng thái tàu và gửi về bờ sau mỗi 15 phút;
  • Thiết bị có khả năng chống nước hoàn toàn, có thể tự nổi và hỗ trợ thuyền viên bị nạn trong trường hợp tàu chìm;
  • Ngoài ra, thiết bị còn sử dụng khóa từ giúp hạn chế tối đa thuyền trưởng, thuyền viên tắt thiết bị nếu không được sự đồng ý của chủ tàu.

Hình 2. Phần mềm quản lý tàu - Zuni

Theo ông Dương Xuân Trung, chủ đội tàu lưới kéo tại Kiên Giang cho biết “Tôi cùng với những người chủ của đội tàu nghề giã cào (lưới kéo – PV) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Vũng Tàu đã tìm kiếm những sản phẩm giám sát tàu cá mà có khả năng quản lý tàu bằng điện thoại từ các năm trước nhưng tìm mãi không ra, nếu có thì toàn ở nước ngoài, tôi không thể nhập và sử dụng nếu không có giấy phép. Vì vậy, hàng ngày chúng tôi phải sử dụng máy Icom (máy bộ đàm tầm xa – PV) để liên lạc với thuyền trưởng, yêu cầu họ báo cáo tình hình khai thác và tọa độ tàu, và dặn không được khai thác tại vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi rất khó để biết các thông tin mà thuyền trưởng cung cấp có chính xác hay không. Ngoài ra, nhiều trường hợp tàu của chúng tôi đang đánh bắt ở vùng biển Việt Nam nhưng vẫn bị Kiểm ngư bên Indonesia bắt và kéo về. Họ tịch thu các máy định vị nên chúng tôi không có một bằng chứng nào để cung cấp cho Chính phủ nhằm lấy lại tàu. Từ đầu năm 2018, tình cờ tôi biết được thông tin thiết bị giám sát tàu cá của công ty Zunibal bán tại Việt Nam, tôi và các bạn bè đã tự bỏ tiền mua và lắp đặt trên tàu của mình. Từ đó đến nay, tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều vì hàng ngày tôi chỉ cần mở điện thoại lên là có thể xem vị trí và đường đi của tàu. Ngoài ra, tôi còn biết tàu tôi đang neo, đang kéo lưới hay đang chạy nữa. Nếu tàu có vấn đề hoặc thuyền trưởng cho tàu ra ngoài hải phận, thiết bị sẽ báo về ngay điện thoại của tôi, giúp tôi dễ dàng quản lý tàu của mình hơn…”

Hình 3. Thiết bị giám sát tàu cá ZuniVN-01 được lắp trên tàu KG90595TS, ảnh do ông Dương Xuân Trung cung cấp

Ghi nhận của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau trong báo cáo số 63/BC-UBND gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tình hình sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Báo cáo đã phân tích hiện trạng sử dụng thiết bị giám sát tàu cá trên địa bàn của tỉnh Cà Mau trong những tháng đầu năm 2018. Theo đó, thiết bị Zunibal được UBND tỉnh Cà Mau đánh giá rất cao so với các thiết bị khác “thiết bị nhỏ gọn, dễ sử dụng, chống nước; thiết bị có thể gửi thông tin vị trí tàu thuyền 60 phút/ lần trong điều kiện tàu cá hoạt động bình thường, 15 phút/ lần trong trường hợp tàu cá gặp sự cố (xoay nút SOS); sử dụng công nghệ khóa từ để tắt/mở (điều này giúp cho thiết bị hoạt động liên tục và người đi trên tàu không thể tự tắt thiết bị được, nếu không có khóa từ kèm theo); cho phép phân cấp đơn vị chia sẻ thông tin; theo đó, mức quản lý cao nhất thuộc về Tổng cục Thủy sản, tiếp đến là Chi cục Thủy sản, các đơn vị liên quan; phần mềm quản lý dễ dàng sử dụng; xác định chính xác vị trí, đường đi của tàu và cảnh báo tàu thuyền; lưu trữ và truy xuất được hành trình tàu; chủ tàu và cơ quan quản lý theo dõi được vị trí của tàu, liên lạc với thuyền trưởng được thông qua điện thoại hoặc máy tính có kết nối Internet.”. Báo cáo còn đưa ra kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến về về đánh giá sự tương thích của thiết bị Zunibal để các địa phương (trong đó có Cà Mau) kịp thời triển khai kế hoạch thực hiện lắp đặt thiết bị cho tàu cá, đáp ứng yêu cầu Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Hình 4. Một số tính năng quan trọng của thiết bị giám sát tàu cá Zuni.
 

Hình 5. Một số mô tả về chức năng, thông số của thiết bị giám sát tàu cá Zuni.

Trần Đức Phú

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác