Việt Nam: chờ một phán quyết công bằng từ EU (18-04-2018)

Những tiến bộ của Việt Nam trong việc thực thi IUU                          
Việt Nam: chờ một phán quyết công bằng từ EU
Ảnh minh họa

Đại diện Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá cao cam kết của các cấp chính quyền của Việt Nam, đặc biệt là việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Công điện 732, Chỉ thị 45, Quyết định 78 với mục tiêu chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã từng bước hoàn thiện khung pháp lý, hướng tới quản lý nghề khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm và tuân thủ các quy định quốc tế. Tập trung sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là Luật Thủy sản; các quy định quốc tế trong quản lý khai thác hải sản theo khuyến nghị của EC đã cơ bản được nội luật hóa trong Luật Thủy sản 2017. Vì vậy, Luật Thuỷ sản 2017 đã cơ bản tiếp cận các quy định quốc tế trong quản lý khai thác hải sản. Hiện tại, Việt Nam đang tập trung vào xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Thuỷ sản. Theo kế hoạch, các văn bản này sẽ được hoàn thành và có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Thuỷ sản 2017 có hiệu lực (ngày 01/01/2019).

Về phía EC, khẳng định sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, biện pháp chống khai thác IUU và đề nghị Việt Nam chia sẻ dự thảo các văn bản dưới Luật để có thể hỗ trợ kỹ thuật nhằm đưa các quy định quốc tế về quản lý nghề cá vào các văn bản này. Trong khi Luật Thủy sản chưa có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành chỉ thị, công điện, kế hoạch hành động để triển khai ngay các nội dung khuyến nghị mà EC đưa ra.

EC đánh giá cao tinh thần và thái độ của Việt Nam. Đây là những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, kết quả cuối cùng phụ thuộc vào kết quả giám sát thực tế sắp tới (tháng 5/2018) - là thời điểm sau 6 tháng kể từ khi Eu cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam.

Ngày 23/4/2018 là thời hạn cuối cùng để Việt Nam thực hiện khắc phục các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra nhằm gỡ "thẻ vàng" cho Thủy sản Việt Nam. Sau đó, EU sẽ xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận cuối cùng cho việc này. Với những nỗ lực của Việt Nam đã triển khai trong 6 tháng qua, hy vọng Thủy sản Việt Nam sớm gỡ được "thẻ vàng" từ EU.

Trong các ngày 16-22/5/2018, khi EU sang làm việc với Việt Nam, sẽ có câu trả lời chính xác việc “thẻ” đổi sang màu gì.

Những nỗ lực cuối cùng để được gỡ "thẻ vàng" 

Việt Nam tiếp tục áp dụng biện pháp mạnh đối với các tàu cá vi phạm đánh bắt bất hợp pháp: Thu bằng lái của thuyền trưởng; Tước giấy phép khai thác; Nâng mức phạt để đảm bảo tính răn đe.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập tổ công tác liên ngành, phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ tàu cá đánh bắt hải sản, tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, tiến tới loại bỏ khai thác IUU.

Đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác theo quy định để ngăn chặn nguyên liệu khai thác từ hoạt động khai thác bất hợp pháp.

Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền rộng rãi, hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, khiến người dân, cán bộ quản lý nhận thức sâu sắc về chống khai thác IUU.

Nhìn chung, EU đã ghi nhận những kết quả mà Việt Nam đã làm được trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn mà Việt Nam cần có lộ trình khắc phục, xử lý: Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong nước, Việt Nam cần xác định rõ lộ trình gia nhập Hiệp định Quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định Đàn cá di cư xa của Liên Hợp Quốc; Thực thi hiệu quả việc giám sát tàu cá trên biển thông qua việc xác định rõ lộ trình, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; Quản lý đội tàu khai thác phù hợp với hiện trạng nguồn lợi hải sản; Cải tiến hệ thống đăng ký và cấp phép khai thác hải sản; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt để ngăn chặn các hoạt động khai thác bất hợp pháp; Tăng cường tuần tra trên biển để tiến tới chấm dứt hoàn toàn tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài…

Thời hạn 6 tháng xem xét “thẻ vàng” của EU chỉ còn tính bằng ngày, những biện pháp cải thiện đều đã được Việt Nam nỗ lực thực hiện.

Việt Nam đang chờ một phán quyết công bằng từ EU.

 Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác