Nghiên cứu về mức độ thiệt hại thực sự của lưới kéo (21-07-2017)

Theo kết quả của một nghiên cứu quốc tế mới về các tác động của các hệ thống lưới kéo khác nhau, các cộng đồng sinh vật đáy có thể mất hơn 6 năm để khôi phục lại thiệt hại từ một lần thả lưới của một tàu đánh cá bằng lưới kéo thủy lực.
Nghiên cứu về mức độ thiệt hại thực sự của lưới kéo
Ảnh minh họa

Một sự hợp tác quốc tế của các nhà khoa học tiến hành một phân tích tổng hợp trên toàn cầu gồm 70 nghiên cứu so sánh và thực nghiệm về tác động của việc khai thác bằng lưới kéo tầng đáy để ước tính tỷ lệ suy giảm và phục hồi sinh học đáy biển sau khi khai thác. Các nhà nghiên cứu đã có thể định lượng được mối quan hệ giữa việc suy giảm các động vật đáy biển và tác động của thiết bị đánh cá vào đáy biển.

Người chủ trì nghiên cứu, Giáo sư Jan Hiddink thuộc trường Đại học Bangor cho biết: “Chúng tôi phát hiện thấy những lưới kéo đơn tầng đáy xuyên qua đáy biển trung bình 2,4 cm và gây ra sự suy giảm của sinh vật biển, loại bỏ 6% quần thể sinh vật mỗi lần thả lưới. Ngược lại, chúng tôi nhận thấy rằng tàu đánh lưới kéo thủy lực xuyên qua đáy biển trung bình 16,1 cm và gây ra thiệt hại lớn nhất, loại bỏ 41% quần thể sinh vật mỗi lần thả lưới”

Tuỳ thuộc vào loại ngư cụ, độ sâu thâm nhập và các biến số môi trường như độ sâu nước và thành phần trầm tích, thời gian phục hồi của quần thể sinh vật đáy biển dao động từ 1,9 đến 6,4 năm.

Việc khai thác bằng lưới kéo đóng góp 20% sản lượng thủy sản đánh bắt trên toàn cầu, do đó nó là một phương tiện thiết yếu để cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người.

Lưới kéo tầng đáy được sử dụng để bắt các loài thủy sản và động vật có vỏ sống trên hoặc gần đáy biển. Mặc dù có tầm quan trọng như vậy, nó gây ra các thay đổi tự nhiên và sinh học đối với các môi trường sống đáy biển, và có thể tạo ra những thay đổi về cấu trúc và chức năng trong hệ sinh thái biển. Việc hiểu được hậu quả của việc khai thác bằng lưới kéo đến hệ sinh thái là rất quan trọng để chúng ta có thể giảm các tác động tiêu cực đến đáy biển thông qua các biện pháp quản lý phù hợp.

Giáo sư Ray Hilborn của Đại học Washington, Seattle, người đã chủ trì sự cộng tác với các giáo sư Michel Kaiser (Bangor) và Simon Jennings (Hội đồng quốc tế về thăm dò bờ biển, Đan Mạch), cho biết: “Những phát hiện này bổ sung căn cứ khoa học cần thiết giúp đưa ra các chiến lược chính sách và quản lý đối với các hoạt động khai thác bền vững bằng cách cho phép chúng ta đánh giá sự cân bằng giữa sản xuất thủy sản tạo nguồn thực phẩm và thiệt hại môi trường do các kỹ thuật khai thác gây ra”.

“Chúng ta cần phải xem những kết quả này theo từng hoạt động; Trong khi lưới kéo đơn tầng đáy có ảnh hưởng ít nhất tính theo mỗi lần thả lưới, nó là loại ngư cụ được sử dụng rộng rãi nhất trong tất cả các loại ngư cụ khai thác tầng đáy và do đó ảnh hưởng của nó lan rộng hơn nhiều so với các ngư cụ chuyên dụng hơn như tàu đánh lưới kéo thủy lực”.

Giáo sư Kaiser nói thêm: “Các nhà bán lẻ và nhà chế biến thủy sản đặc biệt quan tâm đến nhận thức của công chúng về việc đánh bắt bằng lưới kéo đáy, do đó nghiên cứu này đã đạt được tiến bộ rất quan trọng trong việc giúp chúng ta hiểu được những gì có thể được coi là mức chấp nhận được của hoạt động đánh bắt bằng lưới kéo trong các môi trường sống đáy biển khác nhau, và điều chỉnh đến mức bền vững khi cần thiết”.

Tiến sĩ David Agnew, Giám đốc Khoa học và Tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Biển cho biết: “Nghiên cứu này đã nâng cao đáng kể sự hiểu biết của chúng ta về làm thế nào để đánh giá tác động của khai thác thủy sản bằng lưới kéo đáy. Tôi mong muốn những kết quả này được sử dụng trong dự án nghiên cứu trong tương lai của chúng tôi với trường đại học Bangor và rộng hơn để hỗ trợ các nghề cá bởi các nghề cá đang nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn đánh bắt bền vững của Hội đồng Quản lý Biển”.

HNN (Theo thefishsite)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác