Trợ cấp đánh bắt gây ảnh hưởng đến ngư dân nghề cá thủ công trên toàn thế giới (09-06-2017)

Một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học British Columbia (UBC) xác định rằng các nghề cá quy mô lớn nhận được trợ cấp gấp bốn lần so với các nghề cá quy mô nhỏ, với tới 60% các khoản trợ cấp này thúc đẩy tình trạng đánh bắt quá mức.
Trợ cấp đánh bắt gây ảnh hưởng đến ngư dân nghề cá thủ công trên toàn thế giới
Ảnh minh họa

Các nhà khoa học này chỉ ra rằng mặc dù các nghề cá quy mô nhỏ sử dụng hơn 22 triệu người trên toàn cầu và trực tiếp hỗ trợ an ninh lương thực, nhưng trong con số ước tính trợ cấp nghề cá toàn cầu là 35 tỷ USD trong năm 2009, chỉ có 16% được phân bổ cho ngành đánh bắt cá quy mô nhỏ.

Rashid Sumaila, tác giả chính của nghiên cứu này thuộc Viện Đại dương và Thủy sản của UBC, đồng thời là Giám đốc của Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Thủy sản Canada cho biết: “Các nghề cá quy mô nhỏ cung cấp thức ăn và việc làm cho hàng triệu người trên toàn thế giới, và do đó đóng góp vào phúc lợi của nhiều cộng đồng ven biển địa phương”.

Theo nghiên cứu, khoản trợ cấp lớn nhất đó là trợ cấp nhiên liệu 96% được cấp cho các nghề cá quy mô lớn thông qua các khoản trợ giá dầu diesel.

Do chi phí mua và bảo dưỡng động cơ chạy bằng dầu diesel cao nên hầu hết các tàu cá quy mô nhỏ chạy bằng xăng không được trợ cấp nhiều.

Anna Schuhbauer, tác giả chính và nghiên cứu sinh của Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Thủy sản Canada, Viện Đại dương và Thủy sản của UBC cho biết: “Những khoản trợ cấp nhiên liệu này thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu không hiệu quả và giúp các ngư dân đánh bắt quy mô lớn tiếp tục hoạt động, ngay cả khi chi phí hoạt động vượt quá tổng doanh thu thu được từ đánh bắt thủy sản”.

Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng các khoản trợ cấp cho phát triển cảng và đóng thuyền, đổi mới và hiện đại hóa cũng tạo cho ngành khai thác thủy sản quy mô lớn một lợi thế lớn so với các đối tác quy mô nhỏ của họ, những người chỉ nhận được một phần nhỏ các khoản trợ cấp đó.

Mặt khác, Ông Sumaila cảnh báo rằng các khoản trợ cấp đối với các hiệp định về tiếp cận nước ngoài đã làm xấu đi tình hình của nhiều nghề cá ở các nước đang phát triển và chỉ ra sự trợ giúp của Quỹ Ngư nghiệp Ủy ban Châu Âu mà ông cho là không nên được sử dụng để trang trải chi phí cho các hiệp định về khai thác thuỷ sản, mà nên tập trung vào việc nâng cao năng lực giám sát và thực thi của các nước để thúc đẩy các hoạt động đánh bắt bền vững.

Ông Sumaila cho biết: “Cần phải nỗ lực trong cả nghề cá quy mô lớn và quy mô nhỏ để chuyển đổi các khoản trợ cấp (có hại) thúc đẩy khai thác thủy sản thành các khoản trợ cấp có lợi, tập trung vào sự bền vững và phục hồi hệ sinh thái. Hành động như vậy sẽ mang lại lợi ích cho nghề cá toàn cầu trong dài hạn, làm cho chúng mang tính khả thi hơn về kinh tế và là một cách sử dụng tiền đóng thuế theo cách có lợi”.

Các kết quả nghiên cứu sẽ được trình bày tại một sự kiện bên lề Hội nghị Đại dương Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày 5-9/6/2017.

HNN (Theo fis.com)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác