50 công ty cam kết chống lại việc đánh bắt cá ngừ bất hợp pháp (07-06-2017)

50 công ty đánh bắt cá lớn, các nhà bán lẻ và các doanh nghiệp liên kết đã ký Tuyên bố về Truy xuất nguồn gốc cá ngừ đến năm 2020 với cam kết ngăn chặn cá ngừ bất hợp pháp ra thị trường và liên quan đến lao động cưỡng bức trên biển.
50 công ty cam kết chống lại việc đánh bắt cá ngừ bất hợp pháp
Ảnh minh họa

Hiệp định đã được đưa ra trong Ngày Môi trường Thế giới tại Hội nghị Đại dương toàn cầu đầu tiên của Liên hợp quốc. Sáng kiến ​​này do Diễn đàn Kinh tế Thế giới làm chủ và được hỗ trợ bởi các nhà hoạch định chính sách, 18 tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm Sáng kiến ​​Đại dương Benioff (Đại học California, Santa Barbara), Quỹ David và Lucile Packard, Hội đồng Quản lý Biển, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên The Nature Conservancy, và OceanElders, cũng như Chủ tịch của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Để giúp đưa ra các kết quả trong tuyên bố, Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ huy động một liên minh dữ liệu về đại dương Ocean Data Alliance, một sự hợp tác về mã nguồn mở giữa các công ty công nghệ hàng đầu, các chính phủ và các viện nghiên cứu.

Sáng kiến ​​này dựa trên số liệu thống kê của FAO, trong đó chỉ ra rằng một phần ba nguồn lợi thủy sản của thế giới bị đánh bắt quá mức, và cũng bị đánh bắt bất hợp pháp, gây thiệt hại khoảng 24 tỷ USD mỗi năm cho các nền kinh tế của các cộng đồng khai thác thủy sản.

Cá ngừ là một trong những nhóm thủy sản bị đánh bắt quá mức và có nguy cơ. Nhiều loài là “những loài quan trọng”, có nghĩa là đánh bắt quá mức có thể có tác động đáng kể đến sức khoẻ đại dương. Quần thể cá ngừ vây xanh đã suy giảm hơn 90% và sẽ mất nhiều thập kỷ để phục hồi hoàn toàn.

Ông Dominic Waughray, Giám đốc Quan hệ đối tác Công tư, Ủy viên Ban chấp hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết: “Tuyên bố về Truy xuất nguồn gốc cá ngừ đến năm 2020 là một cam kết chưa từng có để ngăn chặn cá ngừ bất hợp pháp ra thị trường. Sự hợp tác giữa các bên liên quan kết hợp với các cải cách của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư như công nghệ viễn thám tiên tiến, thế hệ mới nhất của vệ tinh và công nghệ máy tính mới tạo cơ hội thực sự cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững”.

Về phần mình, Bà Meg Caldwell, Phó Giám đốc của David và Lucile Packard Foundation, cho biết những phân tích gần đây cho thấy rằng sản lượng đánh bắt IUU có thể nhiều hơn 50% so với sản lượng đánh bắt chính thức. Tin tốt là có những giải pháp cho việc quản lý tài nguyên biển dựa trên bằng chứng và có trách nhiệm.

Hội nghị Đại dương Liên Hợp Quốc đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi Luật Biển được thông qua năm 1982, rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự họp để thảo luận về tương lai của các đại dương trên thế giới, bao gồm ảnh hưởng của nó đối với tăng trưởng kinh tế, sự bền vững của môi trường, sức khoẻ con người và việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

HNN (Theo fis.com)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác