Nhiều thuyền viên bị rơi xuống biển mất tích trong tuần qua (26-05-2017)

Trong tuần qua, liên tục các tàu cá khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển xảy ra tình trạng thuyền viên bị rơi xuống biển mất tích. Hậu quả là 5 thuyền viên bị rơi xuống biển và hiện chưa tìm thấy.          
Nhiều thuyền viên bị rơi xuống biển mất tích trong tuần qua
Ảnh minh họa

          Khoảng 06 giờ 20 phút, ngày 20/5/2017, tàu KG 90669TS hành trình từ trạm Biên phòng Kênh Dài, đồn Tây Yên (BCH Biên Phòng Kiên Giang) đi đánh bắt, khi đến tọa độ 09°09'00N 104°30'40E, cách Hòn Chuối, Cà mau khoảng 12 hải lý về hướng Bắc thì ngư dân Nguyễn Thanh Tú (sinh năm 1969, trú tại: Phước Tân, xã Mong Thọ B, Châu Thành, Kiên Giang) rơi xuống biển, mất tích. Tàu KG 90669 TS đã tổ chức tìm kiếm nhưng chưa có kết quả. Cùng ngày, 01 thuyền viên làm việc trên tàu cá QB 93526TS cũng bị rơi xuống biển mất tích.

          Trong ngày 22/5/2017, tài công Lê Văn Dũng (45 tuổi) làm việc trên tàu KH 92179 TS và thuyền viên Nguyễn Văn Vũ , sinh năm 1988 làm việc trên tàu BV 98399 TS bị rơi xuống biển, mất tích.

          Ngày 24/5/2017 ngư dân Tô Văn Cường sinh năm 1983, ở Tân Thanh, Giá Rai, Bạc Liêu xin đi nhờ tàu cá CM 92345TS (của bà Ngô Thị Diệp, sinh năm 1964, ở khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời hành nghề dịch vụ hậu cần, do ông Nguyễn Vũ Hải, sinh năm 1985, ở Khánh Hải, Trần Văn Thời, Cà Mau làm thuyền trưởng) để ra biển làm thuê trên tàu cá BT 93377TS. Trong khi tàu cá CM 92345TS đang hoạt động tại vị trí có tọa độ 07°05'00N 104°20'00E (cách Hòn Khoai 88 hải lý về hướng Tây Nam) thì phát hiện ngư dân Tô Văn Cường không còn trên tàu. Tàu cá CM 92345TS và BT 93377TS đã tổ chức tìm kiếm nhưng không thấy ngư dân Cường.

          Liên tục các vụ thuyền viên bị rơi xuống biển mất tích trong thời gian gần đây đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khai thác thủy sản. Việc các tàu cá chưa đủ điều kiện an toàn nhưng vẫn ra khơi đã khiến không ít vụ tai nạn thương tâm trên biển xảy ra. Nhiều ngư dân chưa ý thức được rằng, lao động đi biển là loại lao động căng thẳng, nặng nhọc và thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro.

          Kết quả tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Kiểm ngư và Chi cục Thủy sản các tỉnh cho thấy việc vi phạm các quy định về an toàn hàng hải của ngư dân trên biển khá phổ biến. Bà con ngư dân thường thiếu các giấy tờ thủ tục cần phải có trước khi đi biển như giấy phép khai thác thủy sản, giấy đăng kiểm để bảo đảm con tàu có an toàn và được phép đi biển hay không. Đặc biệt, tình trạng tàu thuyền ra khơi chưa đủ phao cứu sinh cho các thuyền viên trên tàu, hệ thống về cứu hỏa không hoạt động, bình chữa cháy vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

          Nguyên nhân của tình trạng trên cho thấy, ngoài sự chủ quan của ngư dân thì còn có trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong bờ trước mỗi chuyến đi biển của bà con.

          Để góp phần thực hiện tốt hơn công tác đảm bảo an toàn tàu cá và ngư dân khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển, cần có sự chung tay góp sức của các cơ quan chức năng và của chính những ngư dân đi biển. Các cơ quan chức năng khi cấp phép cho tàu xuất bến phải kiểm tra kỹ lưỡng các thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải, kiên quyết từ chối việc cấp phép nếu tàu cá thiếu các trang thiết bị an toàn. Đối với thuyền viên, phải chấp hành các quy định về an toàn cho người và tàu cá, tuân thủ mệnh lệnh của thuyền trưởng và các quy định khác của pháp luật. Thuyền viên có quyền từ chối làm việc trên tàu cá nếu tàu cá đó không đủ đảm bảo an toàn. Có như vậy mới góp phần giảm tới mức thấp nhất thiệt hại đối với tàu cá trên biển và hạn chế tối đa những vụ tai nạn thương tâm như trên.   

Thu Cúc – TT Thông tin Kiểm ngư

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác