Một năm triển khai khắc phục sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung (14-04-2017)

Sự cố môi trường biển bắt đầu xảy ra từ tháng 4/2016 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống của khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm, 146 xã/phường/thị trấn thuộc 22 huyện của 04 tỉnh miền Trung.
Một năm triển khai khắc phục sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung
Ảnh minh họa

Ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành trung ương, các địa phương đã vào cuộc quyết liệt để sớm tìm nguyên nhân xảy ra sự cố; chỉ đạo khôi phục sản xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Công tác xác định và kê khai thiệt hại được tiến hành khẩn trương, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; xây dựng định mức bồi thường; xây dựng đề án nhằm thiết lập hệ thống giám sát môi trường; phục hồi, tái tạo các hệ sinh thái thủy sinh, nguồn lợi thủy sản; chính sách khôi phục và phát triển sản xuất, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cử đội tàu Kiểm ngư để hỗ trợ ngư dân khai thác và tăng cường kiểm tra, giám sát tại vùng biển 20 hải lý trở vào bờ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, trong quá trình triển khai khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển, Bộ Nông nghiệp và PTNT thường xuyên báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đến nay việc khắc phục sự cố môi trường đã cơ bản ổn định. Người dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao những chủ trương của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong việc giải quyết sự cố môi trường. Tình hình sản xuất - đời sống của người dân dần được khôi phục, người dân đã bắt đầu nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ.

Khẩn trương xác định nguyên nhân, khắc phục sự cố môi trường

Ngày 29/4/2016 tại Quảng Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành và 04 tỉnh để bàn các giải pháp ứng phó với sự cố môi trường. Tiếp đó, ngày 01/5/2016 tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp có sự tham gia của các Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam, các Bộ ngành liên quan và lãnh đạo 04 tỉnh triển khai các giải pháp khắc phục sự cố môi trường biển. Thủ tướng Chính phủ đã kết luận, vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc 04 tỉnh chưa an toàn và cho chủ trương hỗ trợ gạo và tiền cấp bách cho người dân 04 tỉnh.

Sau 14 cuộc họp để bàn các giải pháp xử lý sự cố môi trường, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân do Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng ban và Bộ Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định như Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 09/5/2016 về việc Hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng do hải sản chết bất thường, Quyết định 1138/QĐ-TTg ngày 25/6/2016 về việc Sửa đổi bổ sung Điều 1 của Quyết định số 722/QĐ-TTg, Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 về việc ban hành Định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng bị thiệt hại, Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 09/3/2017 về sửa đổi, bổ sung Điều 1 và khoản 1 Điều 2 của Quyết định số 1880/QĐ-TTg. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp kinh phí đợt I là 3.000 tỷ đồng và đợt II là 1.680 tỷ đồng. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”.

Hướng dẫn khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân

Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, các Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cử các đoàn công tác đến hiện trường khảo sát, lấy mẫu hải sản, nước, trầm tích để phân tích, đánh giá xác định nguyên nhân gây sự cố môi trường biển. Đến ngày 30/6/2016, Chính phủ đã công bố nguyên nhân gây sự cố môi trường biển. Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã buộc phải xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, cam kết bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố môi trường.

Ngay sau khi sự cố môi trường xảy ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các văn bản hướng dẫn xử lý cá chết, khôi phục sản xuất. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản mặn lợ, sản xuất muối bình thường, khuyến cáo người dân chưa khai thác hải sản tại 03 vùng biển (Hòn Sơn Dương, Hà Tĩnh; Cửa Nhật Lệ, Quảng Bình; Hòn Sơn Chà, Thừa Thiên Huế) và không khai thác hải sản tầng đáy (nghề lưới kéo, nghề rê đáy, nghề lặn).

Trong quý IV năm 2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã giao lực lượng Kiểm ngư hỗ trợ và phối hợp với 4 tỉnh tăng cường tuần tra, giám sát và vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào bờ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Hoạt động này nhằm mục đích bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản tầng đáy, nhất là hệ sinh thái thủy sinh vừa mới bị tổn thương và khu vực có thủy sản còn non, đồng thời giúp cho người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm hải sản khai thác trong vùng biển 4 tỉnh. Công tác tuần tra, giám sát sẽ tiếp tục được triển khai trong 6 tháng đầu năm 2017.

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành lấy mẫu nước biển, trầm tích đáy biển và mẫu hải sản khai thác để giám sát an toàn thực phẩm thủy sản, làm cơ sở cho việc chỉ đạo sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản và sản xuất muối trên địa bàn 04 tỉnh. Ngày 03/3/2017, Tổng cục thủy sản đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 411/TCTS-NTTS gửi Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tăng cường công tác chỉ đạo nuôi trồng thủy sản ven biển tại 04 tỉnh miền Trung.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các công văn hướng dẫn kê khai xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển. Ủy ban nhân dân các tỉnh đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, thành lập các Hội đồng từ tỉnh đến cấp xã kê khai, xác định thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc tính toán giá trị thiệt hại và báo cáo tổng mức thiệt hại gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1880/QĐ-TTg  ngày 29/9/2016 ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho 04 tỉnh.

Sau khi có Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có các văn bản hướng dẫn và đề xuất các định mức/đơn giá chưa có trong Quyết định 1880/QĐ-TTg hoặc định mức/đơn giá chưa phù hợp. Bộ đã có văn bản hướng dẫn bổ sung phương pháp tính thiệt hại và xác định định mức bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển bao gồm các đối tượng: chủ cơ sở ương dưỡng giống ốc hương, giống cá mặn, lợ; nuôi ốc hương, trồng rong câu, nuôi thủy sản mặn, lợ xen ghép khác; chủ tàu và người lao động trên tàu khai thác hải sản trong đầm phá; chủ cơ sở thu mua tạm trữ hàng thủy sản; người lao động có tính chất đơn giản, không thường xuyên, có thu nhập chính thuộc nhóm đối tượng quy định tại điểm c mục 1, điểm c mục 2, điểm c mục 4; mục 5 mục 6 và điểm b mục 7 của Điều 1 Quyết định 1880/QĐ-TTg. Đồng thời Bộ đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và PTNT 4 tỉnh về việc xây dựng phương pháp xác định thiệt hại và đề xuất định mức thiệt hại đối với các cửa hàng ăn uống phục vụ khách du lịch ven biển.

Xây dựng đề án tổng thể khôi phục sản xuất

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 186/VPCP-TB ngày 20/7/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh xây dựng Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 12/QĐ-TTg, ngày 06/01/2017.

Đề án được triển khai trên phạm vị 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường biển. Nội dung chính của Đề án là hỗ trợ khẩn cấp cho người dân; xác định thiệt hại và bồi thường, hỗ trợ người dân; thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chính sách khôi phục sản xuất; triển khai các dự án phục hồi tái tạo hệ sinh thái thủy sinh, nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường tại 04 tỉnh.

Kết quả thực hiện các chính sách, bồi thường thiệt hại

Khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã tập trung nguồn lực để triển khai công tác kê khai và áp định mức để tính bồi thường thiệt hại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành. Các địa phương đã tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Chính phủ, các Bộ ngành về giải quyết sự cố môi trường biển, hướng dẫn kê khai, áp định mức bồi thường tính toán giá trị thiệt hại và nhận được sự đồng thuận của người dân. Một số địa phương đã tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp huyện, xã đặc biệt là cán bộ thôn/xóm để nâng cao nhận thức, thống nhất thực hiện kê khai, xác định thiệt hại. Công tác hướng dẫn kê khai thiệt hại được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy trình, đúng thẩm quyền. Danh sách các đối tượng bị thiệt hại được niêm yết công khai tại trụ sở thôn/xóm, xã/phường/thị trấn để nhân dân kiểm tra, giám sát và đối chiếu.

Về thực hiện chính sách hỗ trợ khẩn cấp, theo báo cáo của Bộ Tài chính, triển khai Quyết định số 772/QĐ-TTg và Quyết định số 1138/QĐ-TTg đã hỗ trợ khẩn cấp hơn 282 tỷ đồng. Trong đó, số lượng gạo xuất cấp không thu tiền cho 4 tỉnh hơn 19 nghìn tấn gạo, tương đương khoảng 181 tỷ đồng; hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền đối với hỗ trợ giống, hỗ trợ 1 lần, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ tiền điện từ dự trữ hàng tồn kho và hỗ trợ 70% giá trị hàng hải sản tiêu hủy với tổng kinh phí hơn 101 tỷ đồng.

Thực hiện chi trả tiền bồi thường thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp kinh phí cho 04 tỉnh 4.680 tỷ đồng (đợt I là 3.000 tỷ đồng  và đợt II là 1.680 tỷ đồng). Căn cứ tiến độ giải ngân của từng địa phương, Bộ Tài chính đã cấp cho các địa phương 4.230 tỷ đồng trên tổng số 4.680 tỷ đồng  để chi trả cho người dân bị thiệt hại. Tính đến ngày 20/3/2017, tổng số tiền các Phòng Tài chính- Kế hoạch các huyện rút tiền từ Kho bạc nhà nước để chi trả cho người dân là 3.668,4 tỷ đồng, đạt 86,7% tổng mức đã được cấp, trong đó Hà Tĩnh đạt 85,9%, Quảng Bình đạt 97,9%, Quảng Trị đạt 81,7% và Thừa Thiên Huế đạt 58,7%.

Đối với hàng hải sản tồn kho, theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 30/10/2016 tại 04 tỉnh còn 5.369 tấn hải sản đông lạnh lưu kho. Kết quả xét nghiệm cho thấy có 4.402,2 tấn (chiếm 82%) đảm bảo an toàn thực phẩm và 966,2 tấn (chiếm 18%) không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngày 14/12/2016, Bộ Công Thương đã có Công văn số 12039/BCT-TTTN hướng dẫn các địa phương xác định giá thu mua hải sản đông lạnh lưu kho để làm căn cứ bồi thường hỗ trợ. Các tỉnh đã triển khai xác định đơn giá và ban hành quyết định ban hành giá thu mua thủy sản bình quân tháng 10 năm 2016 tại địa phương, làm cơ sở tính đơn giá bồi thường, hỗ trợ lượng hàng hải sản lưu kho đã được xác định đảm bảo an toàn thực phẩm. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Công văn số 1218/BTC-NSNN, ngày 24/01/2017, hướng dẫn hóa đơn chứng từ để xác định giá thu mua hải sản lưu kho trước ngày 30/8/2016 làm cơ sở bồi thường hỗ trợ theo Quyết định 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến ngày 06/3/2017, các địa phương đã xử lý hàng hải sản tồn kho, tiêu hủy và chi trả tiền bồi thường. Hà Tĩnh đã tiêu hủy 320,5 tấn, Quảng Bình tiêu hủy 606,6 tấn, Quảng Trị tiêu hủy 161,9 tấn và Thừa Thiên - Huế tiêu hủy 19,8 tấn. Quảng Bình đã thực hiện chi trả hơn 14 tỷ đồng, Quảng Trị chi trả hơn 21 tỷ đồng và Thừa Thiên - Huế chi trả được gần 1,5 tỷ đồng. Riêng Hà Tĩnh chưa thực hiện được việc chi trả, do không xác định được đơn giá (giá kê khai của người dân cao hơn với mức giá ngày 30/10/2016).

Hiện nay, Bộ Công Thương và các địa phương báo cáo còn lưu kho hàng hải sản khô, sản phẩm sứa, mắm hải sản, bột cá, nước mắm… và đề nghị có chính sách giải quyết đối với các sản phẩm này.

Một số nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, các Bộ ngành và các địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Về chi trả bồi thường thiệt hại, khẩn trương hoàn thành thực hiện chi trả 4.680 tỷ đồng tiền tạm cấp để bồi thường thiệt hại và hỗ trợ người dân trong quý I năm 2017. Hoàn thiện các thủ tục thẩm tra, thẩm định và tổ chức chi trả bồi thường thiệt hại cho các đối tượng bị thiệt hại đã quy định tại Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 09/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng mức thiệt hại và phân bổ kinh phí bồi thường thiệt hại cho các tỉnh. Văn phòng Chính phủ và các Bộ Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan tổ chức 04 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại. Tổng hợp những khó khăn vướng mắc của các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường công tác thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về tập trung giải quyết sớm bồi thường thiệt hại cho người dân, các chính sách hỗ trợ người dân khôi phục, phát triển sản xuất và chất lượng môi trường biển, chất lượng sản phẩm thủy sản an toàn để nhân dân yên tâm sử dụng.

            Về triển khai Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện nhiệm vụ/dự án đã được giao.

Bộ Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới tàu cá (công suất từ 90CV đến dưới 400CV), xây dựng và triển khai Dự án khôi phục, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản.

Bộ Y tế hướng dẫn hỗ trợ bảo hiểm y tế, đảm bảo y tế cho người dân, giám sát an toàn thực phẩm hải sản. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên đại học. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn hỗ trợ các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; xúc tiến, quảng bá hoạt động du lịch tại 04 tỉnh. Bộ Công Thương hướng dẫn xử lý dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ tiêu thụ hàng hải sản lưu kho. Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác truyền thông về triển khai thực hiện Đề án, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đảm bảo trật tự an ninh xã hội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quan trắc, cảnh báo môi trường biển, công bố môi trường biển an toàn; xây dựng và triển khai Dự án xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường biển 04 tỉnh miền Trung. Bộ Tài chính hướng dẫn, phân bổ kinh phí bồi thường, xây dựng định mức thiệt hại; hướng dẫn và thẩm định kinh phí thực hiện các nhiệm vụ/dự án theo Quyết định 12/QĐ-TTg. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định các ngân hàng thương mại cho   vay vốn và hướng dẫn thực hiện chính sách xử lý nợ, cấp bù lãi suất tín dụng khôi phục sản xuất. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay khôi phục sản xuất.

Các địa phương đẩy nhanh thực hiện bồi thường thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định đời sống và khôi phục sản xuất; phối hợp chuẩn bị các điều kiện để triển khai các chính sách hỗ trợ và các nhiệm vụ/dự án của Đề án.

Về công tác giám sát khắc phục sự cố môi trường, quan trắc cảnh báo môi trường, công bố chất lượng nước biển, lấy mẫu giám sát hải sản tầng đáy, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giám sát chặt chẽ, kịp thời đôn đốc FHS hoàn thành việc khắc phục các vi phạm đúng tiến độ đề ra. Đánh giá tác động môi trường, có biện pháp xử lý không cho phép đường ống thải ngầm ra biển của FHS theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục hướng dẫn các địa phương lấy mẫu quan trắc, giám sát và công bố kết quả đánh giá chất lượng môi trường nước biển tại 04 tỉnh và giám sát môi trường đối với hoạt động của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Bộ Y tế xây dựng và triển khai kế hoạch lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm hải sản đặc biệt là hải sản tầng đáy trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào bờ tại vùng biển 04 tỉnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai việc lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm thủy sản, mẫu nước và trầm tích phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất khai thác, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối.

Về chỉ đạo khôi phục sản xuất, Bộ Nông nghiệp và PTNT tập trung chỉ đạo quyết liệt để phát triển khai thác hải sản, nuôi trồng, chế biến thủy sản, sản xuất muối để nhanh chóng ổn định sản xuất. Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Tiếp tục thực hiện lấy mẫu xét nghiệm chất lượng hải sản khai thác, nuôi trồng ở 04 tỉnh vùng bị ảnh hưởng, tập trung lấy mẫu, xét nghiệm hải sản tầng đáy trong khu vực từ 20 hải lý trở vào bờ; công bố kịp thời và đầy đủ chất lượng hải sản an toàn thực phẩm tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Lực lượng Kiểm ngư tiếp tục tham gia hỗ trợ và phối hợp với 04 tỉnh tăng cường tuần tra, giám sát và vận động ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào bờ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

Các địa phương triển khai Công văn số 7268/BNN-TCTS ngày 29/8/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, giám sát an toàn thực phẩm và sản xuất muối tại các tỉnh Bắc miền Trung, tuyên truyền, khuyến cáo, giám sát ngư dân không sử dụng các nghề khai thác hải sản tầng đáy để khôi phục, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tiến Thắng – L.Trì

                                         

 

         

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác