Tình hình thực hiện chính sách pháp luật lĩnh vực an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016 (17-02-2017)

Ngày 15/2, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XIV có cuộc làm việc với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công thương về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.
Tình hình thực hiện chính sách pháp luật lĩnh vực an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016
Ảnh minh họa

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã nghe trình bày báo cáo và thảo luận về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn vệ sinh giai đoạn 2011- 2016, những yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý an toàn vệ sinh trong tình hình mới và đề xuất những kiến nghị, giải pháp.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, kết quả giám sát liên tục từ 2011 - 10/2016 cho thấy, ngộ độc thực phẩm vẫn đang là thách thức lớn. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm. Trong giai đoạn 2011 - 2016 nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 40,2%), nguyên nhân do độc tố tự nhiên chiếm 27,9%, do hoá chất chiếm 4,3% và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.

Ngoài ra, qua giám sát tại 13 địa phương, Đoàn giám sát nhận thấy, hầu hết các tỉnh đã có quy hoạch sản xuất, giết mổ, chế biến thực phẩm tuy nhiên quy mô mới ở bước đầu. Quản lý vật tư sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập tồn tại như vấn đề phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, các chế phẩm sinh học sử dụng tràn lan. Quy mô sản xuất, chế biến hay giết mổ nhỏ lẻ, không tập trung, hệ thống các chợ đầu mối, chợ dân sinh không được phân định rõ ràng, vệ sinh không đảm bảo. Tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở vùng nông thôn ngày càng nặng nên khó mà đảm bảo được an toàn trong sản xuất thực phẩm sạch. Những bất cấp, hạn chế trong thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến sức khỏe người dân. Ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra ở nhiều địa phương nhưng lại không bị xử phạt một cách nghiêm khắc.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 phản ảnh thực trạng đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản từng bước được cải thiện trên tất cả các nhóm ngành hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông trong thông tin cảnh báo các sản phẩm, các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá các cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm, các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Phương thức thanh tra, kiểm tra liên ngành, đột xuất được thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm trọng điểm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Trong năm 2016 đã tổ chức kiểm tra 4.270 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phát hiện 585 cơ sở vi phạm quy định (chiếm 14%) và xử phạt 4.265 triệu đồng; kiểm tra 4.532 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, phát hiện 637 cơ sở vi phạm quy định (chiếm 14%) và xử phạt 4.097 triệu đồng. Ngoài ra, đã ngăn chặn hiệu quả lạm dụng chất cấm salbutamol, Vàng Ô trong chăn nuôi.

Về hệ thống văn bản, Bộ Nông nghiệp cho rằng hệ thống văn bản về quản lý an toàn thực phẩm đã được ban hành đầy đủ, tuy nhiên một số văn bản triển khai trong thực tiễn còn khó khăn do thiếu nguồn lực. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu do quy trình xây dựng kéo dài, cơ sở khoa học và nguồn lực xây dựng hạn chế. Việc xử lý dứt điểm một số tồn tại như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; giết mổ không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm... còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Đánh giá các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, đại diện các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế nhận định: Tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, sử dụng phụ gia trong chế biến ngày càng phức tạp; buôn lậu thực phẩm qua biên giới còn diễn biến rất phức tạp; phần lớn thực phẩm tươi sống chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ...

Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2011 đến tháng 9/2016, ngành Công Thương đã kiểm tra, xử lý 55.580 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tổng số tiền thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính là 143,445 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu là hơn 90 tỷ đồng... Một trong những tồn tại được Bộ chỉ ra là công tác hậu kiểm sau khi cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và sau khi xử phạt vi phạm của các đơn vị chức năng rất hạn chế nên chưa kịp thời chấn chỉnh và giải quyết dứt điểm các tồn tại của doanh nghiệp...

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị cần làm rõ vai trò của bộ, ngành, địa phương, nhất là cấp huyện, xã. Trong thời gian tới,  các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, công tác phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện trong lĩnh vực này.

Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016” được thành lập theo Nghị quyết số: 19/2016/QH14 của Quốc Hội ngày 28 tháng 7 năm 2016. Nhiệm vụ của đoàn giám sát là: Rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn từ 2011 đến 31/12/2016; Đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm; Xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các cá nhân liên quan; đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm; đề xuất giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.

            Giáng Hương

Ý kiến bạn đọc

Tin khác