Kiên Giang: Tăng cường quản lý nghề lưới kéo (15-09-2016)

 Kiên Giang là một trong những tỉnh có số lượng tàu làm nghề lưới kéo lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, việc quản lý nghề lưới kéo thời gian qua vẫn tồn tại những khó khăn làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và thiếu tính bền vững. Để phát huy tối đa tiềm năng lợi thế trong lĩnh vực khai thác hải sản, đưa nghề lưới kéo phát triển bền vững, theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm khai thác, ngày 06/9/2016, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 2011/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án quản lý nghề lưới kéo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016-2020”.
Kiên Giang: Tăng cường quản lý nghề lưới kéo

Mục tiêu cơ bản của đề án: quản lý nghề lưới kéo khai thác một cách bền vững về nguồn lợi hải sản và môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cũng như ổn định đời sống cho ngư dân làm nghề lưới kéo. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với nghề lưới kéo nói riêng và các nghề khai thác thủy sản của tỉnh nói chung.

Mục tiêu đến năm 2020, giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của nghề lưới kéo xuống dưới 15% , duy trì thu nhập và việc làm ổn định cho người dân làm nghề lưới kéo. Giảm tỷ lệ cá tạp trong sản phẩm khai thác ngẫu nhiên của nghề lưới kéo xuống dưới 30% (hiện tại là 40-60%). Trong hoạt động khai thác cần giảm thiểu tối đa tác động đến hệ sinh thái biển như: San hô, hệ sinh thái biển,..Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý nghề lưới kéo, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tuần tra, kiểm soát trong hoạt động khai thác thủy sản.

Theo đề án, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT cần phối hợp với các sở, ban ngành hiện các nội dung cơ bản: Sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác lưới kéo ven bờ và vùng lộng; ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu lưới kéo; đào tạo nâng cao trình độ cho lao động, nâng cấp và tổ chức tốt hệ thống hậu cần nghề cá, tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; xây dựng các phương án bảo tồn nguồn lợi thủy sản, cải tiến ngư cụ để giảm thiểu tác động đến tầng đáy và giảm tỷ lệ cá tạp trong khai thác. Xây dựng, thiết lập hệ thống thu thập, xử lý dữ liệu phục vụ quản lý nghề lưới kéo. Tăng cường khung thể chế chính sách nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, quyền hạn và hành động phối hợp giữa các bên liên quan trong việc quản lý nghề lưới kéo.

Để đạt được mục tiêu đề ra, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như:  Rà soát, sửa đổi, bổ dung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách liên quan đến quản lý nghề lưới kéo nhằm phát triển khai thác hiệu quả, an toàn và bền vững. Nghiên cứu xây dựng, cơ chế chính sách hỗ trợ cải thiện công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sản xuất ngư cụ, trang thiết bị. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển tổ đội sản xuất trên biển và các mô hình liên kết chuỗi gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân và cộng đồng ngư dân làm nghề khai thác hải sản.

Chi tiết tham khảo tại: https://tongcucthuysan.gov.vn

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác