Thứ trưởng Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám làm việc tại Thừa Thiên Huế (21-09-2014)

Chiều ngày 17/9/2014, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cùng đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thứ Thiên Huế về phát triển khai thác, nuôi trồng thủy hải sản và việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 67). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu và đại diện các sở, ban, ngành đã tiếp và làm việc với đoàn.
Thứ trưởng Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám làm việc tại Thừa Thiên Huế

             Hiện nay, Thừa Thiên Huế có 1.943 tàu khai thác thủy sản, trong đó có 265 tàu công suất trên 90CV và hơn 3.500 thuyền máy khai thác vùng sông, đầm phá. Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng đầm phá, tỉnh đã thành lập 12 khu bảo vệ thủy sản, cấp 45 phép khai thác thủy sản trên thủy vực đầm phá cho 47 chi hội Nghề cá. Về phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, ngoài 4 công trình chính phục vụ nghề cá là Cảng cá Thuận An, Cảng cá Tư Hiền, Khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải và Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai (hiện đang xây dựng) còn 25 âu thuyền tại các xã bãi ngang ven biển và đầm phá. Đến nay các cảng cá và khu neo đậu đều quá tải do tình trạng bồi lấp, riêng cảng Thuận An đã quá tải tới 2,5 lần, không đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ hậu cần cho nghề cá.

Triển khai thực hiện Nghị định 67, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương vùng ven biển tổ chức tuyên truyền phổ biến chủ trương này cho ngư dân. Đồng thời, rà soát đánh giá cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá, các cơ sở đóng, sửa chữa tàu, thuyền, vùng nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản xúc tiến thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị định 67.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê trường Lưu cho biết, do thiếu nguồn vốn nên việc phát triển nghề cá của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá đã xuống cấp và quá tải, trong khi nguồn ngân sách tỉnh đầu tư cho việc sửa chữa, nâng cấp hạn chế nên chưa phát huy được hiệu quả. Tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT ưu tiên bố trí nguồn vốn để nâng cấp Cảng cá Thuận An, Tư Hiền Khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải. Tỉnh đề xuất đưa vào kế hoạch năm 2015 dự án Khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Về cơ sở đóng, sửa tàu cá vỏ sắt, đề nghị Bộ tham mưu, trình Chính phủ có những phương án hỗ trợ ngư dân.

            Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá, Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng về nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm trên cát, nhưng hiện nay việc nuôi còn bấp bênh và thiếu cơ sở sản xuất giống. Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần rà soát lại quy hoạch các vùng nuôi tôm để làm căn cứ cho việc phát triển sản xuất tôm giống, cơ sở chế biến thủy sản và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nuôi trồng, chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cần chọn một số sản phẩm thủy sản cạnh tranh của địa phương để hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị và đảm bảo tính bền vững. Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị tỉnh cần rà soát cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá, để có danh mục ưu tiên đầu tư. Tỉnh cần sớm báo cáo cụ thể việc xây dựng, nâng cấp cảng cá Thuận An để Bộ Nông nghiệp và PTNT có kế hoạch đưa vào đầu tư trong năm 2015. Về triển khai Nghị định 67, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để tập trung chỉ đạo, tuyên truyền và xây dựng kế hoạch thực hiện. Danh sách các chủ đầu tư, hộ ngư dân đăng ký đóng tàu mới đánh bắt xa bờ cần được công khai, minh bạch. Đống thời tỉnh cần làm điểm tại một huyện để rút kinh nghiệm triển khai và lựa chọn phương án đóng tàu vỏ sắt, vỏ gỗ hay compoxit. Thứ trưởng yêu cầu các ngành Nông nghiệp, Tài chính, Ngân hàng trên địa bàn cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân hưởng các chính sách theo Nghị định 67.

                                                                                                                                                                FICen (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác