Việt Nam hướng đến Hoàn thiện và Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành Thủy sản (29-05-2020)

Ngày 20 tháng 5 năm 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 665/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phạm vi quy hoạch là các tỉnh, thành phố ven biển.
Việt Nam hướng đến Hoàn thiện và Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành Thủy sản
Ảnh minh họa

Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là căn cứ để hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành Thủy sản, xây dựng các Trung tâm nghề cá lớn; tăng cường công tác quản lý nghề cá; đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân; đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần, neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; giảm tổn thất sau thu hoạch; góp phần chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); hình thành đầu mối giao thương trong nước và quốc tế.

Quy hoạch đã được lập trên cơ sở: Tuân thủ pháp luật về quy hoạch, thủy sản và pháp luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế (mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên); đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Phù hợp chiến lược phát triển thủy sản và quy hoạch khác có liên quan; trên cơ sở tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên; chú trọng kết hợp việc xây dựng cảng cá với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế; tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế trong đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Các mục tiêu cụ thể của bản Quy hoạch

(1) Đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bố, sử dụng không gian tác động đến hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; (2) Đánh giá hiện trạng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ trước; (3) Dự báo nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác thủy sản đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả, phát triển bền vững, phù hợp xu thế hội nhập quốc tế; kết hợp nhiệm vụ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo; (4) Nghiên cứu các phương án phát triển; lựa chọn phương án có tính khả thi cao làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá làm nhiệm vụ dịch vụ hậu cần phục vụ phát triển bền vững kết hợp nhiệm vụ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo; (5) Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, chương trình dự án đầu tư phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; (6) Đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; tổ chức thực hiện quy hoạch; (7) Xây dựng hệ thống bản đồ “Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá

Theo đó, bản quy hoạch được thực hiện trên cơ sở những phân tích, đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bố, sử dụng không gian đối với hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Phân tích xu thế phát triển kinh tế - xã hội, môi trường pháp lý trong và ngoài nước, khoa học, công nghệ, quản lý vận hành và các kịch bản phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trong thời kỳ quy hoạch. Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng của hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (sự liên kết, đồng bộ của hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên phạm vi cả nước; sự liên kết giữa hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của các ngành, lĩnh vực khác có liên quan trong phạm vi vùng lãnh thổ).

Bên cạnh đó, xác định các yêu cầu phát triển cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; những cơ hội và thách thức phát triển của hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (xác định yêu cầu, nhu cầu phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên cơ sở các định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành Thủy sản, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan trong thời kỳ quy hoạch; phân tích, đánh giá các cơ hội và thách thức trong phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ quy hoạch). Đồng thời, xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trong thời kỳ quy hoạch (xác định quan điểm phát triển xét về lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, quốc phòng an ninh; xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và định hướng phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trong thời kỳ quy hoạch).

Từ đó, lên phương án phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên toàn quốc, vùng lãnh thổ: Phân bố và tổ chức không gian phát triển kết cấu hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão (quy mô, mạng lưới luồng, tuyến); Xác định loại hình, vai trò, vị trí, quy mô, công suất, định hướng khai thác sử dụng, và các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, công nghệ gắn với phân cấp, phân loại theo quy định của pháp luật chuyên ngành đối với từng công trình trong hệ thống kết cấu hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; Có phương án kết nối giữa hệ thống kết cấu hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện lực, thông tin liên lạc, phòng, chống thiên tai và các hệ thống kết cấu hạ tầng khác; và có các giải pháp về quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn đối với hệ thống kết cấu hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão.

Định hướng bố trí sử dụng đất (bao gồm cả mặt nước) cho phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn sinh thái, cảnh quan, di tích đã xếp hạng quốc gia có liên quan đến việc phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành và thứ tự ưu tiên thực hiện (trong đó, xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trong thời kỳ quy hoạch; luận chứng xây dựng danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án quan trọng của ngành về phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá); dự kiến tổng mức đầu tư; đề xuất thứ tự ưu tiên thực hiện và phương án phân kỳ đầu tư; xây dựng hệ thống sơ đồ, bản đồ.

Trong bản quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (với phạm vi quy hoạch là các tỉnh, thành phố ven biển) sẽ có một số Bản đồ in/ Bản đồ số sau: Bản đồ thể hiện sơ đồ vị trí địa lý và mối quan hệ của kết cấu hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với khu vực và quốc tế; Bản đồ tổng thể hiện trạng kết cấu hạ tầng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Bản đồ hiện trạng sử dụng đất, vùng nước các khu vực trọng điểm của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Bản đồ định hướng sử dụng đất, vùng nước tại các khu vực trọng điểm của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; Bản đồ định hướng phát triển kết cấu hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bản đồ không gian tổng thể các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác