Hội nghị về công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (21-12-2014)

Ngày 16/12/2014, tại Tp. Rạch Giá, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị về công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT…. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn chủ trì hội nghị.
Hội nghị về công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá

Thực hiện Quyết định 346/QĐ-TTg của Thủ tương Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và quyết định 1349/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão (KNĐTTB) cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong thời gian qua, việc đầu tư xây dựng cảng cá đã góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch. Các KNĐTTB kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá đã bước đầu phát huy hiệu quả khi có bão và không có bão, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, giảm thiểu thiệt hại về người và phương tiện tàu thuyền do thiên tai gây ra. Theo Tổng cục Thủy sản, đến nay đã có 83 cảng cá đã được đầu tư và nâng cấp mở rộng, có khả năng đáp ứng cho 1,6 triệu tấn sản phẩm qua cảng hàng năm. Đến năm 2014, đã có 70 KNĐTTB được đầu tư, trong đó 42 khu neo đậu với công suất 31.150 tàu neo đậu đã được hoàn thành, trong đó có 8 khu cấp vùng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ra nhiều bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, quy hoạch cảng cá, KNĐTTB. Công tác tổ chức và quản lý các cảng cá, KNĐTTB chưa có mô hình quản lý chung trong toàn quốc. Việc phân cấp quản lý quản lý cảng cá, bến cá và khu neo đậu tàu thuyền chưa thống nhất giữa các địa phương dẫn đến khó khăn trong công tác điều hành chung, khó thiết lập mối quan hệ giữa các cảng cá trong trao đổi thông tin, trong điều phối hoạt động của tàu ra vào cảng cũng như tổng hợp số liệu định kỳ về sản lượng khai thác cập cảng. Mức đầu tư cho cảng cá, KNĐTTB còn thấp, đặc biệt là khu vực ven biển miền Trung là nơi có tần suất bão cao, số lượng tàu thuyền khai thác lớn. Công tác quy hoạch, thiết kế cảng cá, KNĐTTB chưa theo kịp sự phát triển của đội tàu khai thác thủy sản, chưa gắn với các định hướng phát triển khai thác thủy sản. Tình trạng các cảng cá, KNĐTTB bị quá tải, xuống cấp đã xảy ra ở một số địa phương. Các cảng cá chưa kết hợp được với KNĐTTB thành hệ thống đồng bộ dẫn đến khó khăn trong bố trí vốn đầu tư, trong quản lý và khai thác các cơ sở hạ tầng đã được xây dựng. Mặt khác, một số cảng cá, KNĐTTB đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện thủ tục công bố mở cảng cá, KNĐTTB theo quy định tại Nghị định 80/2012/NĐ-CP.

Các tham luận tại hội nghị đã tập trung đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý cảng cá, KNĐTTB. Đó là ra soát, kết hợp đồng bộ quy hoạch KNĐTTB với quy hoạch cảng cá, bến cá KNĐTTB làm cơ sở đầu tư cảng cá, KNĐTTB, cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá theo một hệ thống thống nhất; Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư, trong đó có hợp tác công tư, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức cùng nhà nước tham gia đầu tư hạ tầng dịch vụ cảng cá, KNĐTTB.

Để hướng đến sự phát triển thủy sản bền vững, tạo cơ sở chuyển từ nghề cá quy mô nhỏ, mang tính tự phát sang nghề cá công nghiệp, hiện đại, việc hình thành các trung tâm nghề cá lớn tại các vùng trọng điểm cần được quan tâm đầu tư trong những năm tới. Căn cứ Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và một số chính sách phát triển thủy sản được nêu tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Tổng cục Thủy sản đã xây dựng tiêu chí hình thành các trung tâm nghề cá lớn. Năm trung tâm nghề cá lớn được xác định là Trung tâm nghề cá Hải Phòng gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ, Trung tâm nghề cá Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa, Trung tâm nghề cá Khánh Hoà gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa, Trung tâm nghề cá Bà Rịa – Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam bộ và Trung tâm nghề cá Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ. Trong thời gian tới, Trung tâm nghề cá Khánh Hòa sẽ được ưu tiên chuẩn bị đầu tư trong năm 2015, các trung tâm còn lại sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020. Nguồn vốn xây dựng các trung tâm nghề cá lớn sẽ được huy động theo hình thức công – tư, trong đó vốn ngân sách sẽ đầu tư các hạng mục hạ tầng cảng cá, các công trình dịch vụ hậu cần thiết yếu và cứu hộ, cứu nạn, chấp pháp. Các công trình, hạng mục phụ trợ sẽ kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

 

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nêu rõ, trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều văn bản quản lý trong lĩnh vực khai thác thủy sản, trong đó có quản lý các cảng cá và KNĐTTB. Các cảng cá được xây dựng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất khai thác thủy sản. Tuy nhiên, công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, nhất là khu vực tuyến đảo và các đảo. Thiết kế cảng cá thiếu đồng bộ, mức đầu tư thấp nhưng lại bị dàn trải nên chưa đem lại hiệu quả cao. Mô hình quản lý cảng cá, KNĐTTB chưa thống nhât trong toàn quốc. Nguồn nhân lực, bộ máy quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. KNĐTTB sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động không có nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Nhiều địa phương chưa thực hiên việc công bố mở đóng cảng cá, KNĐTTB theo quy định. Môi trường khu vực cảng cá bị ô nhiễm. Thứ trưởng chỉ đạo, trong thời gian tới, công tác quy hoạch, quản lý cần gắn với Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đên năm 2020 và Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tổng cục Thủy sản cần có hướng dẫn rà soát lại quy hoạch theo Quyết định 346/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định 1349/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch KNĐTTB cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để điều chỉnh sớm trình phê duyệt trong năm 2015 theo hướng kết hợp cảng cá với KNĐTTB. Cần nâng cao hiệu quả đầu tư và tiến tới thực hiện xã hội hóa để tranh thủ các nguồn vốn. Các địa phương cần rà soát lại danh mục các dự án ưu tiên đầu tư theo Nghị định 67, nhất là các tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Các cơ quan quản lý ngành cần nghiên cứu tham mưu cơ chế xác định lĩnh vực nhà nước đầu tư và kêu gọi đầu tư để có nguồn vốn phát triển. Về các trung tâm nghề cá lớn, các địa phương cần chủ động xây dựng quy hoạch chi tiết làm căn cứ đề xuất dự án đầu tư cho giai đoạn sắp tới. Về công tác quản lý, cần làm rõ vai trò quản lý của các bên tham gia, phân biệt rõ quản lý cảng và thực hiện dịch vụ. Các địa phương cần khẩn trương công bố đóng, mở cảng cá, trong đó có danh sách các KNĐTTB. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ có hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý cảng cá. Ngoài ra, cần xúc tiến nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão để liên kết cập nhật, lưu trữ và chia sẻ thông tin, dữ liệu trong toàn hệ thống.

                                                                                                                              L.T (FICen)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác