“Kết nối biển Đông” giúp ngư dân mua thiết bị liên lạc (08-10-2013)

Tối 7/10, tại Hà Nội, chương trình giao lưu nghệ thuật “Kết nối biển Đông” đã diễn ra, nhằm tuyên truyền, phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong cuộc vận động, quyên góp ủng hộ ngư dân phòng chống thiên tai và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
“Kết nối biển Đông” giúp ngư dân mua thiết bị liên lạc

Đây là một trong những hoạt động đồng hành cùng chiến dịch “Kết nối biển Đông” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại chương trình, ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, với vị trí trung tâm các tuyến hàng hải quan trọng. Biển Đông là nguồn tài nguyên đặc biệt quý giá đối với nước ta.

Những năm gần đây, thiên tai ở nước ta có nhiều diễn biến bất thường. Hàng năm nước ta chịu ảnh hưởng của hàng chục cơn bão lớn nhỏ, gây nhiều thiệt hại, đặc biệt là với các ngư dân trên biển. Điển hình, gần đây, cơn bão số 10 với đổ bộ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đối với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế”.

Bên cạnh đó, thời gian qua qua đã xảy ra một loạt vụ việc trên Biển Đông khiến cho tình hình khu vực trở nên phức tạp. Mỗi tàu thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam khi ra khơi đánh bắt thường xuyên chịu những mối đe dọa, cản trở hoạt động, tấn công, tranh chấp ngư trường từ tàu thuyền đánh cá nước ngoài. Điều đó không những tạo ra mối e ngại cho ngư dân khi ra khơi mà còn là vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tuy nhiên, trang thiết bị thông tin liên lạc của tàu cá Việt Nam còn thiếu thốn do chi phí đắt đỏ. Theo số liệu thống kê, số lượng tàu cá hiện nay của nước ta có khoảng 130.000 tàu, song, tính đến thời điểm tháng 8/2013, chỉ có 9.400 tàu đã được trang bị thiết bị thông tin liên lạc, chiếm chưa đến 10% tổng số. Tàu cá Việt Nam vẫn đang chịu nhiều nguy cơ, chủ yếu là do hệ thống thông tin liên lạc của các tàu cá còn yếu, không nắm được tình hình thời tiết hoặc tình hình tranh chấp nên dễ gặp phải rủi ro, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Việc trang bị cho ngư dân và các tàu cá có bộ thiết bị liên lạc được đánh giá là một nhiệm vụ vô cùng bức thiết, vừa giúp bảo vệ cho ngư dân tránh nguy hiểm vừa là để góp phần củng cố, đảm bảo chủ quyền biển đảo cho nước nhà.

Giao lưu trong chương trình còn có sự góp mặt của nhiều ngư dân đến từ Lý Sơn, Quảng Ngãi. Câu chuyện của người góa phụ trẻ tuổi, chị Dương Thị Thu An (Lý Sơn, Quảng Ngãi), 22 tuổi, chồng mất tích khi đi biển khiến khán giả rưng rưng xúc động. Nghẹn ngào không nói nên lời, chị Thu An kể: “Nghe tin chồng mất, tôi ngất xỉu không biết gì nữa. Trước khi anh ấy đi, tôi đã cảm thấy bất an và ngăn cản anh ấy đi nhưng không được”. Mong ước bình dị của chị chỉ là: “Mong chồng của những người phụ nữ như tôi, người cha của những đứa con được trở về”.

Có lẽ, bất cứ người phụ nữ nào, mỗi lần chồng đi biển cũng mang cảm giác lo lắng như chị, và ở quê chị, không ít người phụ nữ mất chồng, những đứa con mất cha, ngày nào cũng mong ngóng chồng trở về.

Vượt biển ra khơi cũng là một phần thể hiện tình yêu của mình đối với biển đảo quê hương của Tổ Quốc. Thế nhưng đối mặt với sóng gió biển khơi mà không có thiết bị liên lạc thì như đánh cược tính mạng, tài sản của mình với biển khơi. Biết vậy, nhưng nhiều ngư dân vẫn chấp nhận chôn chân hoặc liều mình ra khơi khi tàu không có thiết bị liên lạc bởi số tiền mua một bộ thiết bị từ 30 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, bằng vốn liếng của vài chuyến đi biển.

Ngư dân Nguyễn Lợi (Lý Sơn, Quảng Ngãi) chia sẻ: “Thiết bị đắt đỏ nên tôi không có tiền để mua. Tôi mong cộng đồng chung tay giúp đỡ để tôi có thể mua thiết bị thông tin, tiếp tục ra khơi”.

Ngư dân Bùi Văn Phải (Lý Sơn - Quảng Ngãi) vừa được trao huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm, khi bị tàu lạ tấn công, anh Phải nhanh tay cuộn lá cờ ở nóc cabin vào trong ngực để lá cờ không bị cháy. Hành động của anh thể hiện tinh thần yêu nước, đấu tranh vì chủ quyền đất nước. Hiện nay, mặc dù con tàu của anh đã được sửa chữa nhưng vẫn chưa có thiết bị thông tin liên lạc nên vẫn chưa thể ra khơi.

Anh Phải tâm sự: “Bước chân ra biển, ai cũng mong có được thành quả mang về. Và sợ nhất là gặp phải thiên tai, mất liên lạc với đất liền hay khi bị tàu Trung Quốc tấn công. Tôi mong những ngư dân như tôi có đầy đủ những thiết bị thông tin để tiếp tục ra khơi, bám biển”.

Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Thông qua chương trình, chúng tôi muốn nhân dân hiểu thêm về cuộc sống gian khổ của ngư dân khi đương đầu với sóng dữ, hiểu rõ hơn tâm tình, tấm lòng của những ngư dân. Qua đó, chúng tôi kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chia sẻ, ủng hộ ngư dân, tiếp thêm tiền của để trang bị thêm cho ngư dân thiết bị thông tin liên lạc, phục vụ công tác thông tin liên lạc để những tàu cá sẵn sàng đương đầu với những thử thách”.

Các nhà hảo tâm có thể ủng hộ chiến dịch qua 3 hình thức: tại Lễ Phát động chiến dịch, nhắn tin qua cổng 1400 hoặc trực tiếp qua tài khoản của Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam. Nguồn thu từ chiến dịch sẽ dùng để trang bị cho ngư dân thiết bị thông tin liên lạc phục vụ công tác thông tin liên lạc phòng chống thiên tai và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chiến dịch “Kết nối biển Đông” diễn ra từ 15/9 đến 14/10/2013 nhằm vận động sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài để mua thiết bị thông tin liên lạc hỗ trợ ngư dân, giúp ngư dân sớm nắm bắt được thông tin, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó với thiên tai, góp phần cỗ vũ ngư dân bám biển, phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Để ủng hộ cho chương trình, ngoài việc nhắn tin qua Cổng Thông tin điện tử Nhân đạo quốc gia (nội dung: Đầu số nhắn tin 1400; giá trị ủng hộ 10 nghìn đồng/tin nhắn; cú pháp thực hiện là BD hoặc BIENDONG gửi 1400), chương trình tích còn nhận sự trợ giúp từ những tấm lòng qua hình thức ủng hộ trực tuyến qua gần 30 ngân hàng lớn nhỏ trên cả nước và qua Ví điện tử VTC Pay.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có thể ủng hộ trực tiếp bằng hiện vật như các trang thiết bị vô tuyến sóng ngắn Icom, thiết bị thông tin, liên lạc lắp đặt cho tàu thuyền đánh cá trên biển.

Tất cả số tiền, hiện vật quyên góp được sẽ giúp hàng trăm nghìn tàu cá trên Việt Nam có thể có thông tin liên lạc, giúp xây dựng và lắp đặt các trạm thu phát sóng trên khắp cả nước, nâng cao chất lượng cứu hộ trên biển của Việt Nam và quan trọng là góp phần lớn vào việc đảm bảo chủ quyền nước nhà trước những căng thẳng đang diễn ra trên biển Đông.

                                                                                                                            Theo VOV 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác