Khánh Hòa: Cần đầu tư hệ thống bảo quản hải sản sau khai thác  (10-01-2013)

Những năm qua, tuy sản lượng khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt cao, nhưng sản lượng đưa vào chế biến xuất khẩu được chỉ chiếm 40 - 50%, mà nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng hải sản sau khai thác không cao.
Khánh Hòa: Cần đầu tư hệ thống bảo quản hải sản sau khai thác

Khánh Hòa có nguồn lợi hải sản phong phú với nhiều loài cá, giáp xác, thân mềm, rong biển giá trị cao. Riêng cá biển có hơn 600 loài, trong đó hơn 50 loài có giá trị kinh tế cao như: cá thu, cá ngừ, cá nhám... Trữ lượng cá biển ở Khánh Hòa khoảng 116 nghìn tấn, hàng năm cho phép khai thác hơn 70 nghìn tấn.

Chỉ tính riêng năm 2012, tổng sản lượng hải sản khai thác đạt 83 nghìn tấn, tăng 10,5% so với năm 2011. Tuy nhiên, sản lượng hải sản đưa vào chế biến, xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt 40 nghìn tấn. Sở dĩ lượng hải sản đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu chỉ chiếm 50% so với sản lượng khai thác được là do chất lượng hải sản sau thu hoạch không cao.

Theo ông Nguyễn Văn Của - ngư dân xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh), từ trước đến nay, ngư dân thường bảo quản hải sản khai thác theo cách truyền thống là ướp nước đá. Do nhiệt độ, hầm bảo quản không đảm bảo kỹ thuật nên chất lượng sản phẩm sau khai thác giảm sút.

“Do thiếu kinh phí nên tàu chúng tôi chưa thể trang bị hầm bảo quản, chỉ ướp theo phương pháp truyền thống. Các chuyến biển thường kéo dài hơn 20 ngày, khi gặp thời tiết xấu, chất lượng cá càng bị xuống cấp trầm trọng, hơn 60% lượng cá khi đưa vào bờ bị thương lái chê chất lượng kém. Cá không đạt tiêu chuẩn nên việc tiêu thụ cũng khó khăn, giá bán thấp”, ông Của cho biết.

Ông Lê Tấn Bản - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: “Sản lượng thủy sản xuất khẩu của Khánh Hòa vẫn thấp hơn nhiều so với tiềm năng. Nếu có giải pháp bảo quản tốt sản phẩm thủy sản sau khai thác, thu hoạch thì sản lượng, giá trị thủy sản xuất khẩu sẽ tăng cao”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 10 nghìn tàu, thuyền đánh bắt thủy, hải sản, trong đó chỉ có gần 1.100 tàu thuyền có công suất 90CV trở lên. Các tàu, thuyền được trang bị tương đối đầy đủ phương tiện, thiết bị khai thác.

Tuy nhiên, do ngư dân thiếu kinh phí nên hầu hết các tàu chưa được trang bị thiết bị bảo quản sản phẩm tiên tiến. Điều này khiến cho chất lượng thủy sản sau khai thác chưa đảm bảo, hiệu quả của các chuyến đi biển giảm sút, chỉ có khoảng 40 - 50% sản lượng thủy sản khai thác đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ý kiến các chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản sau khai thác, tránh lãng phí tài nguyên, đảm bảo hiệu quả của mỗi chuyến biển, tăng lợi nhuận cho ngư dân, ngoài các yếu tố về dự báo ngư trường, ứng dụng trang thiết bị, kỹ thuật khai thác hiện đại thì việc bảo quản tốt sản phẩm thủy sản sau khai thác, giảm thời gian bảo quản, nhất là các tàu thuyền khai thác xa bờ... rất quan trọng.

Đối với các tàu nhỏ, khai thác tuyến lộng, mỗi chuyến biển chỉ kéo dài khoảng 1 tuần cũng cần trang bị các hầm bảo quản theo hình thức bơm form và ốp inox vách hầm bảo quản, dùng đá xay để bảo quản sản phẩm. Trong khi đó, các tàu khai thác xa bờ có thời gian bám biển hơn 20 ngày/chuyến cần thực hiện việc bảo quản hải sản bằng các công nghệ mới như: băng lỏng, lạnh thấm hoặc công nghệ đóng tàu bảo quản sản phẩm bằng vật liệu cách nhiệt P.U.M...

Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Đức (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Công ty chúng tôi đã lắp đặt hệ thống bảo quản hải sản bằng công nghệ lạnh thấm cho tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân nhiều tỉnh, thành trong cả nước với giá từ 350 đến 400 triệu đồng/hệ thống.

Ngoài ra, vật liệu P.U.M để cách nhiệt trên tàu cá cũng được Công ty cung cấp đến ngư dân. Loại vật liệu này có nhiều ưu điểm như: cách nhiệt để đá lâu tan, bám chặt vỏ tàu để bảo vệ gỗ, tăng tuổi thọ cho tàu cá...”.

Theo ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, hiện nay, tồn tại lớn nhất trong khai thác xa bờ là công nghệ bảo quản sau thu hoạch trên tàu vỏ gỗ của ngư dân quá thô sơ. Tuy đã có nhiều nghiên cứu cải tiến cách bảo quản nhưng đến nay vẫn chưa mang lại kết quả khả thi do không thể thay đổi kết cấu các hầm chứa trên tàu vỏ gỗ. Hiện nay, việc sử dụng băng lỏng (hỗn hợp của tinh thể nước đá và nước) bơm trực tiếp vào các lớp cá cần bảo quản sẽ hiệu quả hơn so với cách bảo quản truyền thống...

Khó khăn lớn nhất của ngư dân trong việc đầu tư hệ thống bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác chính là vốn. Để hỗ trợ ngư dân đầu tư hệ thống bảo quản sản phẩm trên tàu cá nhằm giảm tổn thất sau khai thác, Thủ tướng đã có Quyết định 63 và Quyết định 65.

Theo đó, ngư dân sẽ được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để trang bị hệ thống bảo quản thủy sản sau thu hoạch, khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện chủ trương này, nhất là việc thế chấp để vay vốn từ ngân hàng. Để giải quyết khó khăn nói trên, giữa ngành Nông nghiệp và Ngân hàng cần có những giải pháp tháo gỡ để kịp thời hỗ trợ ngư dân.

Theo Báo Khánh Hoà 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác