Tập huấn tăng cường thực thi các quy định về chống khai thác bất hợp pháp IUU (25-04-2022)

Sáng ngày 25/4/2022, tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật phát triển Hệ thống dữ liệu giám sát hành trình tàu cá” do Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) và Tổ chức Global Fishing Watch, Inc (Hoa Kỳ) tài trợ, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau tổ chức lớp “Tập huấn chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” nhằm tăng cường thực thi các quy định về đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần phát triển nghề cá ở Việt Nam một cách bền vững có hiệu quả.
Tập huấn tăng cường thực thi các quy định về chống khai thác bất hợp pháp IUU

Tham dự buổi tập huấn có đại diện lãnh đạo Vụ Khai thác thủy sản, Trung tâm Thông tin thủy sản – Tổng cục Thủy sản, Vụ Pháp Chế - Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD), Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, Ban quản lý Cảng cá, Bộ đội Biên phòng, Công an huyện U Minh, Thanh tra chuyên ngành Thủy sản tỉnh Cà Mau, Tổ hợp tác đồng quản lý nhằm bảo vệ và khai thác khu vực thả rạn nhân tạo tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cùng các ngư dân đại diện cho các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, và ông Nguyễn Việt Triều - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau đã chủ trì lớp tập huấn.

Trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ phát triển Hệ Thống dữ liệu giám sát hành trình tàu cá (VMS)” do Global Fishing Watch tài trợ (2020-2021); thời gian qua, Trung tâm MCD đã hợp tác chặt chẽ với Tổng cục Thủy sản triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản lý cho các cán bộ ngành thủy sản từ Trung ương đến địa phương về giảm thiểu rủi ro IUU qua phân tích dữ liệu giám sát hành trình tàu cá (VMS) và ghi chép nhật ký khai thác thủy sản điện tử, hướng tới thủy sản bền vững tại Việt Nam. Thông qua các lớp tập huấn cho các cán bộ và cơ quan quản lý kỹ thuật cấp quốc gia và địa phương, ngư dân và đại diện các bên liên quan bao gồm các khu vực tư nhân, tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội (Vinatuna, VASEP, Hội Nghề cá).

Tại buổi tập huấn, ông Phạm Ngọc Tuấn đã trao đổi, phổ biến các quy định, quy ước quốc tế trong phân chia vùng biển mà Việt Nam đã ký kết tham gia; phạm vi, ranh giới vùng biển của Việt Nam... Bên cạnh đó, phân tích cho ngư dân những hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản cũng như hậu quả của việc đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong gần 5 năm, kể từ ngày 23/10/2017, Liên minh Châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác thủy sản của Việt Nam do khai thác bất hợp pháp đã ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, uy tín và hoạt động xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam đã bị kiểm soát rất chặt chẽ khi xuất khẩu sang Liên minh EU từ đó đã trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động thu mua sản phẩm thủy sản khai thác của ngư dân và sẽ ảnh hưởng đến đời sống, lợi ích sinh kế lâu dài của ngư dân cũng như tương lai của các thế hệ con em sau này. Luật Thủy sản 2017 cũng đã luật hóa những hành vi vi phạm và quy định chế tài xử lý rất nghiêm minh với mức xử phạt tăng lên rất nhiều lần so với các mức xử phạt trước kia đối với các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp. Để tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, trong thời gian qua, tất cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương và các lực lượng chấp pháp trên biển (Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Thanh tra chuyên ngành…) đã vào cuộc quyết liệt với quyết tâm chấm dứt các hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản; các cơ quan chức năng cũng đã thường xuyên truyên tuyền, hướng dẫn cho ngư dân trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức…. Tuy nhiên, hoạt động khai thác thủy sản thủy sản bất hợp pháp, đặc biệt, là hành vi vi phạm vùng biển của nước ngoài vẫn còn xảy ra, trong đó có tàu cá của tỉnh Cà Mau.

Liên quan đến tăng cường kiểm soát thủy sản khai thác xuất khẩu, ông Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới không những khối Liên minh Châu Âu mà còn có các nước khác như (Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế) sẽ tăng cường kiểm soát các sản phẩm xuất khẩu thủy sản khai thác bất hợp pháp sang thị trường của họ. Riêng phía EC khẳng định, nếu Việt Nam không chấm dứt được các hành vi vi phạm về khai thác thủy sản bất hợp pháp, còn một tàu khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài thì phía EC sẽ không gỡ cảnh báo “thẻ vàng” thậm chí còn nâng lên “thẻ đỏ”, khi đó tất cả các sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu sẽ bị cấm xuất khẩu sang thị trường này; điều này nếu xảy ra thì ảnh hưởng rất lớn trực tiếp đến đời sống của ngư dân của chúng ta, ông Tuấn nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau đánh giá cao sự phối hợp hỗ trợ của Tổng cục Thủy sản, Trung tâm MCD trong việc nâng cao năng lực thực thi về kiểm soát IUU trên địa bàn tỉnh Cà Mau, thông qua các buổi tập huấn sẽ nâng cao nhận thức của ngư dân cũng như nắm bắt được những vướng mắc trong quá trình triển khai các quy định về chống khai thác IUU tại địa phương từ đó có những kiến nghị và giải pháp hoàn thiện các quy định để thực thi một cách có hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề vi phạm trong khai thác thủy sản, đặc biệt là hành vi vi phạm về khai thác thủy sản, ông Triều cho biết có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của người dân chưa thực sự tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Hơn lúc nào hết, ngư dân chúng ta cần nhận thức rõ về hậu quả của việc đánh bất hợp pháp. Việc đánh bắt hợp pháp không những sẽ bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy tố trách nhiệm hình sự mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân, sinh kế lâu dài của ngư dân chúng ta. Nếu tiếp tục vi phạm trong khai thác thủy sản chúng ta đối mặt với việc các sản phẩm thủy sản khai thác của chính ngư dân chúng ta bị cấm xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới, khi đó khiến giá cả của sản phẩm khai thác của ngư dân bị giảm sút và lợi ích kinh tế chính ngư dân của chúng ta bị giảm sút nghiêm trọng.

Để khắc phục triệt để tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tỉnh Cà Mau tăng cường các giải pháp triển khai hiệu quả Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, ghi chép sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU… Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, ngư dân cũng cần nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về khai thác trên biển, không xâm phạm vùng biển nước ngoài để chung tay tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam.

Ứng dụng nhật ký khai thác thủy sản điện tử là xu thế chuyển đổi số

Một trong những khó khăn vướng mắc nhất hiện nay của ngư dân là việc ghi, nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản do đặc thù nghề khai thác thủy sản trên biển ảnh hưởng bởi mưa, gió, quá trình lưu giữ nhật ký khai thác bằng hình thức ghi giấy gặp không ít khó khăn cho ngư dân. Do đó, tại Thông tư số Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT đã bổ sung quy định về Nhật ký khai thác thủy sản bản điện tử. Theo đó, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác bản điện tử theo đúng mẫu quy định được sử dụng làm căn cứ để xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác. Đây được xem là xu thế về chuyển đổi số trong lĩnh vực thủy sản hiện nay.

Trong nội dung tập huấn, Ông Nguyễn Cao Luân, chuyên gia xây dựng phần mềm về truy xuất nguồn gốc điện tử đã giới thiệu và hướng dẫn về những tính năng cũng như lợi ích của việc ứng dụng điện tử về truy xuất nguồn gốc do Tổng cục Thủy sản đã xây dựng và hoàn thiện, tiến tới sử dụng rộng rãi cho ngư dân trên cả nước.

Phát biểu tại buổi tập huấn, bà Thân Thị Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng, cho biết thời gian qua, MCD đã cùng với Tổng cục Thủy sản và các địa phương, người dân triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trong lĩnh vực thủy sản từ lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản thông qua các mô hình đồng quản lý, khai thác thủy sản…nhằm đưa lĩnh vực thủy sản Việt Nam phát triển một cách có bền vững, có hiệu quả mang lại những lợi ích sinh kế ổn định cho người dân. Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, Trung tâm MCD đã phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường thực thi các quy định về đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), trong đó MCD đã hỗ trợ Tổng cục Thủy sản xây dựng, hoàn thiện chương trình nhật ký khai thác điện tử và truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (ECDT). Việc thực hiện ECDT đảm bảo tính minh bạch thông tin về tàu khai thác thủy sản trong truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin với khách hàng. Khi có yêu cầu kiểm tra lại các thông tin về nguồn gốc sản phẩm, quá trình truy xuất diễn ra nhanh chóng thuận tiện giảm thời gian chờ đợi của doanh nghiệp, giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Việc theo dõi nhật ký và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thủy sản là yêu cầu và tuân thủ thực hiện Luật Thủy sản 2017. Ứng dụng điện tử là thêm lựa chọn tốt cho người dân nhưng để thực hiện được thì chúng ta cần sự hợp tác và phối hợp các bên cùng hành động và tư duy, phải cùng nhau tháo gỡ khó khăn và tìm cách hiệu quả về chi phí và nguồn lực và phải có Lộ trình để tiến tới thực hiện được một cách toàn diện.

Tại phần thảo luận, các đại biểu Tổng cục Thủy sản, Chi cục Thủy sản cũng đã tập trung hướng dẫn giải đáp những thắc liên quan đến các quy định xử lý xử phạt về vi phạm trong khai thác thủy sản, các vấn đề liên quan đến quá trình vận hành thiết bị giám sát hành trình và chính sách hỗ trợ lắp đặt, phí duy trì thiết bị giám sát hành trình (VMS)…

Lớp “Tập huấn chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” đã thu hút trên 50 đại biểu tham dự, thông qua lớp tập huấn các đại biểu đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU và phát hiện, ngăn chặn, tố giác hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực khai thác thủy sản để góp phần xây dựng nghề cá của tỉnh Cà Mau nói riêng và nghề cá Việt Nam phát triển bền vững, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác