Theo đó, quy trình được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân là thuyền trưởng, chủ tàu cá của Hải Phòng có chiều dài lớn nhất 15m trở lên và các đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá được Cục Thủy sản thông báo công khai.
05 bước lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá
Bước 1. Đăng ký lắp đặt thiết bị: Chủ tàu có nhu cầu lắp đặt thiết bị trên tàu cá lựa chọn và cung cấp đầy đủ thông tin về tàu cá, chủ tàu cho đơn vị cung cấp thiết bị. Sau khi ký thỏa thuận mua bán và tiến hành lắp đặt thiết bị, Chủ tàu trả chi phí mua, lắp đặt, bảo dưỡng và dịch vụ khác cho đơn vị cung cấp thiết bị.
Bước 2. Lắp đặt, niêm phong thiết bị: Đơn vị cung cấp thiết bị lắp đặt thiết bị ở vị trí dễ quan sát, bảo đảm thiết bị ở trạng thái hoạt động tốt nhất; Chủ tàu có thể kiểm soát được các trạng thái hoạt động của thiết bị trực tiếp hoặc qua các thiết bị hỗ trợ.
Trường hợp Chủ tàu tự lắp đặt hoặc đơn vị thứ 3 (khác) được thuê lắp đặt thiết bị phải được sự đồng ý của đơn vị cung cấp thiết bị và trình tự theo Quy trình này và Quy trình kỹ thuật của đơn vị cung cấp thiết bị.
Thiết bị GSHT tàu cá phải được đơn vị cung cấp thiết bị kẹp chì cố định trên tàu (như thông báo mẫu kẹp chì thiết bị giám sát tàu cá được Cục Thủy sản công khai) khi kết thúc việc lắp đặt mới, tháo dỡ, sửa chữa, thay thế, bảo hành (nếu có); Lưu lại hình ảnh vị trí lắp đặt, tình trạng niêm phong thiết bị GSHT tàu cá (cung cấp cho cơ quan quản lý khi có yêu cầu).
Sau khi lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá, đơn vị cung cấp thiết bị phải thông báo đến Cục Thủy sản và Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng (qua CCTS) để cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra việc lắp đặt thiết bị trên tàu cá.
Bước 3. Hướng dẫn sử dụng, bảo quản thiết bị: Đơn vị cung cấp thiết bị có trách nhiệm hướng dẫn chủ tàu /thuyền trưởng sử dụng thiết bị GSHT; kèm theo các thông tin: số điện thoại hỗ trợ 24 giờ/24 giờ, địa chỉ liên hệ của đơn vị cung cấp thiết bị GSHT tàu cá …Cung cấp các khuyến cáo liên quan trong quá trình sử dụng thiết bị.
Bước 4. Cập nhật, quản lý thông tin lên Trung tâm dữ liệu GSHT tàu cá của Cục Thủy sản: Đơn vị cung cấp thiết bị GSHT tàu cá có trách nhiệm cập nhật, quản lý thông tin về tàu, chủ tàu, thiết bị GSHT tàu cá và tự động truyền về Trung tâm dữ liệu GSHT tàu cá ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển, đảm bảo thông tin được bảo mật theo quy định và xử lý sự cố tín hiệu thiết bị giám sát tàu cá do đơn vị mình cung cấp.
Bước 5. Báo cáo số liệu tàu cá lắp đặt thiết bị GSHT tàu cá: Đơn vị cung cấp thiết bị GSHT tàu cá báo cáo định kỳ hàng quý, 06 tháng, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT (qua CCTS).
03 bước tháo dỡ, thay thế thiết bị GSHT tàu cá
Bước 1. Thông báo và tiếp nhận thông tin tình trạng thiết bị: Chủ tàu/Thuyền trưởng thông báo tình trạng hoạt động của thiết bị cần tháo dỡ, sửa chữa, thay thế đến đơn vị cung cấp thiết bị và CCTS; không tự ý tháo dỡ thiết bị GSHT.
Đơn vị cung cấp thiết bị tiếp nhận thông tin, đề nghị từ Chủ tàu/Thuyền trưởng thì tiến hành thiết lập kế hoạch tháo dỡ, bảo hành (nếu có), sửa chữa, thay thế thiết bị.
Bước 2. Đơn vị cung cấp thiết bị kiểm tra tình trạng thiết bị: Sau khi kiểm tra tình trạng thiết bị, đơn vị cung cấp gửi Biên bản kiểm tra đến CCTS trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra tình trạng thiết bị. Biên bản kiểm tra làm cơ sở để quản lý hoạt động tàu cá, xử lý vi phạm (nếu có).
Bước 3. Đơn vị cung cấp thiết bị tháo dỡ, sửa chữa, thay thế thiết bị: Tháo dỡ, bảo hành (nếu có), sửa chữa thiết bị theo đúng quy trình của hãng sản xuất, đảm bảo thiết bị hoạt động bình thường sau khi sửa chữa.
Trường hợp thu hồi, thay thế thiết bị, đơn vị cung cấp thiết bị thông báo bằng văn bản đến CCTS để quản lý, xử lý thông tin kịp thời. Kết thúc việc tháo dỡ, sửa chữa, thay thế thiết bị, thực hiện theo các bước lắp đặt mới thiết bị GSHT.
Đối với trường hợp chuyển nhượng sở hữu tàu cá có lắp đặt thiết bị GSHT thì thực hiện theo 2 bước như sau:
Bước 1: Thông báo việc chuyển nhượng sở hữu tàu cá: Chủ tàu/Thuyền trưởng thông báo đến đơn vị cung cấp thiết bị GSHT tàu cá và CCTS các thông tin cần thay đổi, bổ sung về chủ tàu mới.
Trường hợp chuyển sở hữu tàu cá nhưng không kèm theo (không bán) thiết bị GSHT tàu cá, để lắp lại thiết bị lên tàu cá khác: Chủ tàu phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị GSHT tàu cá và CCTS để tháo dỡ, lắp đặt thiết bị.
Bước 2: Cập nhật thông tin lên Trung tâm dữ liệu GSHT tàu cá Cục Thủy sản: Đơn vị cung cấp thiết bị GSHT tàu cá cập nhật và đồng bộ lại thông tin liên quan đến tàu cá. Hướng dẫn chủ tàu mới về việc sử dụng thiết bị GSHT tàu cá.
Chi cục Thủy sản Hải Phòng yêu cầu:
Đơn vị cung cấp thiết bị GSHT tàu cá có trách nhiệm cập nhật, quản lý thông tin về tàu, chủ tàu, thiết bị giám sát tàu cá; lắp đặt, hướng dẫn lắp đặt thiết bị, bảo hành, sửa chữa, thay thế thiết bị; quản lý việc cấp phát dây niêm phong/kẹp chì và thực hiện kẹp chì cố định thiết bị GSHT tàu cá và các dịch vụ khác do đơn vị mình cung cấp theo quy định.
Chủ tàu cá/thuyền trưởng quyết định lựa chọn đơn vị cung cấp thiết bị GSHT tàu cá; có trách nhiệm cung cấp chính xác thông tin về tàu, chủ tàu…; chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng thiết bị GSHT tàu cá, đảm bảo giữ nguyên hiện trạng niêm phong/kẹp chì của thiết bị trên tàu và trả các khoản phí theo quy định; nếu có thay đổi thông tin về tàu, chủ tàu... hoặc thay đổi thiết bị GSHT tàu cá (mua, bán, sang tên chuyển nhượng, cải hoán, thay đổi thiết bị...) phải thông báo ngay cho đơn vị cung cấp thiết bị GSHT tàu cá để kịp thời cập nhật, đồng thời thông báo cho CCTS.
Hải Điệp