Theo đó, phân cấp cho UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế có hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nhiệm vụ quản lý, tổ chức đăng ký tàu cá, cấp phép khai thác thủy sản, đăng ký thuyền viên tàu cá và hướng dẫn đánh dấu tàu cá, kiểm tra trang thiết bị an toàn đối với tàu cá khai thác thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét của các tổ chức, cá nhân tại địa phương.
Các nội dung phân cấp quản lý tàu cá
Một là, Tổ chức cấp, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, cấp giấy chứng nhận xoá đăng ký tàu cá, sổ danh bạ thuyền viên và hướng dẫn đánh dấu tàu cá; cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản; kiểm tra trang thiết bị an toàn đối với tàu cá được phân cấp theo quy định. Hai là, Tổ chức quản lý, lưu trữ hồ sơ tàu cá thuộc diện được phân cấp. Ba là, Quản lý, giám sát các hoạt động nghề cá trên địa bàn, hoạt động của các tàu cá theo phân cấp. Bốn là, Thu và quản lý lệ phí theo quy định hiện hành của Nhà nước. Năm là, Tổ chức việc neo đậu tàu cá được phân cấp theo đúng phạm vi khu vực quy định. Và sáu là, Cấp số đăng ký tàu cá theo đúng quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện các quy định liên quan nội dung công tác quản lý tàu cá, các biện pháp quản lý tàu cá được phân cấp. Đồng thời, tổ chức kiểm tra các địa phương tình hình thực hiện sau khi phân cấp, để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Đặc biệt, chỉ đạo Chi cục Thủy sản triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Chi cục Thủy sản
Phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế các thị xã, thành phố Huế; UBND các xã, phường, thị trấn có hoạt động khai thác thủy sản tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, quy định pháp luật lĩnh vực thủy sản.
Hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác đăng ký tàu cá, cấp phép khai thác thủy sản, đăng ký thuyền viên tàu cá, kiểm tra trang thiết bị an toàn tàu cá phân cấp, đánh dấu tàu cá; thu thập, tổng hợp, báo cáo số liệu; cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản. Tổ chức và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra, kiểm soát và xử lý theo quy định các hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản trên các vùng nước tự nhiên.
Rà soát, bàn giao hồ sơ tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét về cho các huyện, thị xã, thành phố quản lý theo đúng quy định phân cấp. Tổng hợp, báo cáo hàng tháng, quý, 6 tháng và năm hoặc đột xuất cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan chuyên môn cấp trên về tàu cá theo đúng quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có hoạt động khai thác thủy sản
Phổ biến, tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, các văn bản hướng dẫn có liên quan, quán triệt chủ trương của UBND tỉnh về quản lý tàu thuyền có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét và các hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ, vùng nội địa đến các xã, phường, thị trấn; đồng thời, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tình hình quản lý và các hoạt động khai thác ven bờ, nội địa của tàu thuyền có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét trên địa bàn.
Thực hiện quản lý tàu cá theo phân cấp; tổ chức đăng ký tàu cá, cấp phép khai thác thủy sản, đăng ký thuyền viên tàu cá, kiểm tra trang thiết bị an toàn tàu cá, đánh dấu tàu cá được phân cấp theo quy định.
Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/ Phòng Kinh tế thực hiện chế độ báo cáo tình hình đăng ký, cấp phép khai thác thủy sản tàu cá hàng tháng (vào ngày 20 hàng tháng theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này) về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Thủy sản) hoặc UBND tỉnh và các báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có hoạt động khai thác thủy sản quản lý chặt chẽ tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét; vận động, hướng dẫn xây dựng và triển khai các mô hình đồng quản lý nghề cá.
Thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; cấp giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá, sổ danh bạ thuyền viên tàu cá theo quy định. Kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản đối với các tàu cá phân cấp theo quy định pháp luật.
UBND xã, phường, thị trấn có hoạt động khai thác thủy sản
Phối hợp với với cơ quan, đơn vị liên quan và các đoàn thể ở địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định về quản lý tàu cá theo phân cấp, không để phát sinh mới tàu cá không đúng quy định.
Thống kê, phục vụ công tác quản lý tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Luật Thủy sản 2017. Phối hợp vận động, hướng dẫn xây dựng và triển khai các mô hình đồng quản lý nghề cá, tổ tự quản khai thác hải sản ven bờ
Kịp thời thông tin với Chi cục Thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế các trường hợp phát sinh mới tàu cá không đúng quy định. Và định kỳ hàng tháng (ngày 20), tổng hợp, báo cáo số liệu tàu cá với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế theo quy định.
Đặc biệt đối với việc báo cáo tình hình đăng ký, cấp phép tàu cá, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các địa phương (xã, phường, thị trấn...) hàng tháng thực hiện báo cáo chi tiết số tàu hoạt động nghề lưới vây, lưới rê, câu, hậu cần khai thác nguồn lợi thủy sản… với 02 nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét và có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét.
Ngọc Thúy - FICen