Cụ thể, Nghị Quyết gồm 11 điều hướng dẫn áp dụng 10 điều của Bộ luật Hình sự liên quan đến 8 hành vi sau: khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác ở vùng biển nước ngoài; khai thác thủy sản vi phạm quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản nguy cấp, quý hiếm; người nước ngoài đưa tàu cá đánh bắt trái phép tại vùng biển Việt Nam; vi phạm quy định về lắp đặt, quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá làm cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; làm giả hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản và hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản.
Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, phát triển bền vững ngành thủy sản.
Thuyền trưởng hoặc chủ tàu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự để thành viên khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam
Cụ thể, đối với hành vi xuất cảnh đi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam, Nghị quyết quy định thuyền trưởng hoặc chủ tàu (trong trường hợp chủ tàu đồng thời là thuyền trưởng) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh trong trường hợp: (i) Không làm thủ tục xuất cảnh cho tàu cá, thành viên tàu cá và ngư dân theo quy định; (ii) hoặc có làm thủ tục xuất cảnh nhưng sau khi xuất cảnh đã tẩy, sóa số đăng ký tàu cá hoặc viết số đăng ký tàu cá không đúng với thông tin do cơ quan có thẩm quyền cấp để thành viên tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam.
Trường hợp người tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp: (1) Không làm thủ tục về xuất, nhập cảnh theo quy định của pháp luật; (ii) làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh nhưng khai thác thủy sản không đúng khu vực được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chấp thuận hoặc giấy phép khai thác hết hạn.
Trường hợp tổ chức, môi giới cho người khai thác đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam mà biết ngư dân, thành viên tàu cá sẽ trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài theo quy định tại Điều 349 của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Nghị quyết còn hướng dẫn cụ thể về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh; môi giới tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh để đưa tàu cá, ngư dân khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam.
Áp dụng 5 tình tiết định khung của tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản
Với hành vi khai thác thủy sản vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Nghị quyết hướng dẫn áp dụng 5 tình tiết định khung của tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản quy định tại khoản 1 Điều 242 của Bộ luật Hình sự, bao gồm: Phương tiện, ngư cụ bị cấm; khai thác thủy sản trong khu vực cấm; khai thác thủy sản trong khu vực cấm có thời hạn; khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác; phá hoại nơi cu ngự của loài thủy sản.
Việc hướng dẫn các tình tiết nêu trên giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất pháp luật trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đối với hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, Nghị quyết hướng dẫn người nào khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo theo quy định tại Điều 37 của Luật Đa dạng sinh học hoặc Phụ lục I Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự.
Người nước ngoài sử dụng tàu cá đi vào vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản mà không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về nhập cảnh theo Điều 347 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người nước ngoài vào vùng biển của Việt Nam hợp pháp nhưng khai thác thủy sản trái phép hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tương ứng của Bộ luật Hình sự và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Quy định nêu trên nhằm bảo đảm tính công bằng, phù hợp trong xử lý trách nhiệm hình sự về hành vi khai thác thủy sản trái phép như đối với công dân của Việt Nam.
Mặt khác, quy định nêu trên nhằm thực hiện một trong những khuyến nghị của EC đối với Việt Nam là tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và thực hiện tất cả các bước cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế, để ngăn chặn các sản phẩm thủy sản đánh bắt bất hợp pháp được buôn bán và nhập khẩu vào lãnh thổ.
Đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá, Nghị quyết hướng dẫn người nào thực hiện một trong các hành vi tháo gỡ, tàng trữ, vận chuyển từ 2 thiết bị giám sát hành trình của tàu cá khác trở lên; làm vô hiệu hóa máy định vị vệ tinh hoặc thiết bị giám sát hành trình tàu cá; làm tê liệt, gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, ngăn chặn trái phép việc chuyển dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử quy định tại Điều 287 của Bộ luật Hình sự.
Quy định nêu trên được đưa ra trong bối cảnh thời gian gần đây, nhiều tàu cá và ngư dân cố tình tháo gỡ, tắt tín hiệu thiết bị giám sát hành trình nhằm trốn tránh sự theo dõi của các ngành chức năng để thực hiện hành vi khai thác thủy sản trái phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của EC.
Nghị quyết cũng hướng dẫn người nào xuất cảnh trái phép hoặc tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép mà còn làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả để khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 347 hoặc Điều 348 và Điều 341 của Bộ luật Hình sự.
Đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thủy sản, người nào buôn bán thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại mà không có giấy phép xuất nhập khẩu thủy sản hoặc không đúng với nội dung giấy phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 của Bộ luật Hình sự.
Người nào vận chuyển thủy sản qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc vào vùng biển Việt Nam nhưng không có giấy phép, không đúng với nội dung giấy phép, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới theo quy định tại Điều 189 của Bộ luật Hình sự.
Người nào dùng thủ đoạn gian dối như hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ, nguồn gốc thủy sản khai thác trái phép để mua, bán thì bị truy cứu trách nhiệm về tội lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 của Bộ luật Hình sự.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao nội dung nghị quyết số 04 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Theo Thứ trưởng, hiện Việt Nam như vậy hiện nay Việt Nam đã cơ bản có khung khổ pháp lý đầy đủ bao quát gồm (Luật Thủy sản có hiệu lực năm 2019, các nghị định và thông tư) và các quy định hướng dẫn chi tiết các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản.
Nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình mong muốn sau khi nghị quyết này được công bố, các cơ quan báo chí sẽ tiến hành truyền thông rộng rãi để nghị quyết đi vào cuộc sống, "làm sao để người dân thấy được các hành vi vi phạm pháp luật để không vi phạm".
Nghị quyết, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2024.
Văn Thọ