Thanh Hoá: Phát triển Tổ đoàn kết trên biển, nâng cao hiệu quả khai thác (17-10-2023)

Mới đây, tỉnh Thanh Hoá vừa phê duyệt “Phương án củng cố, phát triển Tổ đoàn kết sản xuất trên biển, giai đoạn 2023-2030”.
Thanh Hoá: Phát triển Tổ đoàn kết trên biển, nâng cao hiệu quả khai thác
Ảnh minh họa

Mục đích chính là củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ đoàn kết sản xuất trên biển gắn với sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững; hình thành các hợp tác, liên doanh, liên kết trong khai thác - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thủy sản, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro trên biển, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển...

Đến năm 2025, tỉnh Thanh Hoá phấn đấu đạt 100% tàu cá đang hoạt động vùng khơi tham gia Tổ đoàn kết sản xuất trên biển và duy trì hoạt động của các Tổ đoàn kết sản xuất vùng lộng hiện có. 50% chủ tàu/thuyền trưởng tham gia Tổ đoàn kết sản xuất vùng khơi được nâng cao năng lực, kiến thức về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, bảo vệ chủ quyền biển đảo; kỹ năng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 5% các Tổ đoàn kết sản xuất vùng khơi tham gia mô hình Tổ đoàn kết liên kết sản xuất trên biển. 100% các tàu tham gia Tổ đoàn kết sản xuất được chia sẻ thông tin về dự báo ngư trường, diễn biến thời tiết, tiêu thụ sản phẩm; giúp đỡ, hỗ trợ trong hoạt động khai thác, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Đến năm 2030, duy trì hoạt động của các Tổ đoàn kết sản xuất trên biển vùng khơi; phấn đấu 100% tàu cá đang hoạt động vùng lộng tham gia Tổ đoàn kết sản xuất trên biển. 80% chủ tàu/thuyền trưởng tham gia Tổ đoàn kết sản xuất vùng khơi; 50% chủ tàu/thuyền trưởng tham gia Tổ đoàn kết sản xuất vùng lộng được nâng cao năng lực, kiến thức về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, bảo vệ chủ quyền biển đảo; kỹ năng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, nhân rộng mô hình Tổ đoàn kết liên kết sản xuất trên biển theo các hình thức mô hình tàu mẹ - tàu con hoặc mô hình luân phiên vận chuyển sản phẩm về bờ (theo nghề: lưới vây, lưới chụp, lưới rê, câu, lồng bẫy, lưới kéo, dịch vụ hậu cần) cho 15% các Tổ đoàn kết sản xuất vùng khơi.

Mô hình tàu mẹ - tàu con

Là các Tổ đoàn kết đã được thành lập, có ít nhất từ 05 tàu cá trở lên, hoạt động trong cùng ngư trường, trong đó có sự tham gia của 01 tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản (tàu mẹ); tàu cá khai thác (tàu con) thuộc mô hình được “tàu mẹ” thu mua sản phẩm và cung ứng nhiên, nguyên liệu, lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết bổ sung khi có yêu cầu.

Về phương thức hoạt động, các tàu cá hợp tác với nhau theo hình thức tổ chức khai thác, thu mua trên biển theo hướng khép kín. Các tàu liên lạc thông qua thiết bị thông tin liên lạc tầm trung, tầm xa; tìm kiếm, xác định vị trí các tàu cá trong mô hình bằng rada hàng hải và định vị vệ tinh tích hợp nhận dạng (AIS).

Mô hình luân phiên vận chuyển sản phẩm về bờ

Là các Tổ đoàn kết đã được thành lập, có ít nhất 05 tàu cá khai thác thủy sản trở lên; hoạt động trong cùng ngư trường; các thành viên trong mô hình luân phiên vận chuyển sản phẩm khai thác về bờ và cung ứng bổ sung nhiên liệu, vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết cho các tàu thành viên trong mô hình đang khai thác trên biển.

Tổ đoàn kết này hoạt động theo nội quy, quy chế đã được thống nhất giữa các thành viên trong tổ theo nguyên tắc dân chủ, định kỳ các thành viên luân phiên thực hiện thu gom sản phẩm từ các tàu khác, vận chuyển giao cho đại diện chủ tàu nhận và tiêu thụ sản phẩm; khi ra ngư trường khai thác, thực hiện cung ứng bổ sung nhiên liệu, vật tư, nhu yếu phẩm cho các tàu thành viên.

Trong quá trình khai thác trên biển, các tàu sẽ thường xuyên thông tin về ngư trường, tình hình hoạt động cho thành viên biết; trường hợp khi tàu thành viên có nhu cầu về bờ (khai thác được khối lượng sản phẩm lớn hoặc có việc đột xuất) thì bàn bạc, thống nhất với các tàu trong tổ và được ưu tiên vận chuyển sản phẩm về bờ.

Về phương thức liên lạc: Thông qua thiết bị thông tin liên lạc tầm trung, tầm xa; tìm kiếm, xác định vị trí các tàu cá trong mô hình bằng định vị vệ tinh tích hợp nhận dạng (AIS) hoặc rada hàng hải.

Nhân rộng các mô hình Tổ đoàn kết sản xuất hiệu quả

Theo “Phương án củng cố, phát triển Tổ đoàn kết sản xuất trên biển giai đoạn 2023-2030”, hàng năm, tỉnh Thanh Hoá sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả của các mô hình. Đối với những mô hình được đánh giá là có hiệu quả, căn cứ vào nhu cầu của các Tổ đoàn kết và tình hình thực tế của địa phương, tổ chức nhân rộng các mô hình Tổ đoàn kết.

Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ trang thiết bị, công nghệ về khai thác, bảo quản sản phẩm; Tập huấn, nâng cao năng lực cho thuyền viên tàu cá về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, bảo vệ chủ quyền biển đảo; kỹ năng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuyển giao mô hình cho các Tổ đoàn kết.

Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với chính quyền địa phương ven biển cũng sẽ hỗ trợ củng cố và phát triển các Tổ đoàn kết trên biển; đẩy mạnh tuyên truyền mục đích nghĩa và hiệu quả của việc tham gia Tổ đoàn kết trên biển để chủ tàu cá, ngư dân tích cực tham gia Tổ đoàn kết trên biển nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa còn tổ chức tuyên truyền, giáo dục giúp ngư dân tham gia Tổ đoàn kết nhận thức sâu sắc hơn các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế biển (trọng tâm là phát triển kinh tế thủy sản) cũng như các quy định về chống khai thác IUU; các quy định của luật biển quốc tế; các cam kết, thỏa thuận song phương và đa phương của Việt Nam với các nước có chung lợi ích… Qua đó, giúp ngư dân khai thác bền vững, an toàn, đúng quy định của pháp luật.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ đoàn kết

Để nâng cao chất lượng hoạt động, các Tổ đoàn kết sẽ xây dựng kế hoạch, phương án hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tập trung rà soát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hoạt động từ hoạt động đơn lẻ sang liên doanh, liên kết gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm thủy sản khai thác

Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất theo theo tiêu chuẩn an toàn và kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ ổn định. Tăng cường liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp chế biến thủy sản làm nòng cốt, các thành phần trong chuỗi liên kết gồm tổ, đội, ngư dân trực tiếp khai thác, cơ sở thu mua tại cảng cá thành các chuỗi liên kết (từ cung ứng vật tư đến khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản) đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các thành phần trong chuỗi, tạo thuận lợi trong truy xuất nguồn gốc hải sản.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường

Ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm nhằm giảm tổn thất sau khai thác, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; Từng bước cơ giới hóa, hiện đại hóa đội tàu khai thác; Áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, tự động hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ đoàn kết.

Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân; hỗ trợ đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi nghề; hỗ trợ rủi ro trong sản xuất thủy sản; cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; và thực hiện các chính sách của Tỉnh về đóng mới hầm bảo quản bằng vật liệu mới đối với tàu cá hoạt động vùng khơi.

Huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển các Tổ đoàn kết; hỗ trợ để Tổ đoàn kết vay vốn tín dụng và tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức tín dụng để nâng cấp tàu cá, phát triển nghề khai thác, tổ chức sản xuất; kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư, lập quỹ cho các Tổ đoàn kết.

Trong giai đoạn từ nay đến 2030, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển/ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thanh Hóa sẽ nỗ lực tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, nhất là (i) luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế/khu vực mà Việt Nam là thành viên; (ii) các quy định, chủ trương, chính sách pháp luật của Trung ương và tỉnh đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, đặc biệt là các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác