Cuộc chiến chống nạn buôn bán bất hợp pháp rùa biển: cần có tiếp cận toàn cầu và sự tham gia của các cộng đồng địa phương (25-03-2019)

Lệnh cấm toàn cầu về thương mại quốc tế đối với rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển theo Phụ lục 1 của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã có hiệu lực từ năm 1985 nhưng việc buôn bán bất hợp pháp qua biên giới vẫn phát triển mạnh.
Cuộc chiến chống nạn buôn bán bất hợp pháp rùa biển: cần có tiếp cận toàn cầu và sự tham gia của các cộng đồng địa phương
Ảnh minh họa

Qua các vụ bắt giữ gần đây cho thấy việc buôn bán bất hợp pháp rùa biển vẫn còn phổ biến. Tuy nhiên, để định lượng chính xác quy mô buôn bán bất hợp pháp này là rất khó khăn do không có báo cáo đầy đủ và do tính chất ngầm của các hoạt động này. Trong dự thảo báo cáo để trình lên Hội nghị CITES lần thứ 18 (CITES CoP18) sẽ tổ chức vào tháng 5/2019 tại Sri Lanka, CITES đã tổng hợp được 1.453 vụ thu giữ các mẫu vật rùa biển trên toàn cầu trong giai đoạn 2000-2016. Trong các năm gần đây, Tổ chức bảo tồn và quản lý rùa biển khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á (IOSEA) xem xét bổ sung các báo cáo về các vụ bắt giữ qua các năm 2017-2018 trên các phương tiện truyền thông bằng tiếng Anh cho thấy các nhà chức trách địa phương đã tiếp tục ngăn chặn được nhiều đợt chuyên chở số lượng lớn rùa biển ở Trung Quốc, Philippines, Paris và Mexico, trong đó số vụ bắt giữ cao nhất được báo cáo ở các vùng biên giới Trung quốc.

Rùa biển tuổi đời cao, sinh sản muộn, tỷ lệ sống sót của trứng đến khi nở và phát triển thành cá thể trưởng thành chỉ khoảng 1/1.000; chúng có nguy cơ bị khai thác quá mức, bị đe dọa do phát triển cơ sở hạ tầng vùng ven biển, mất hệ sinh thái, ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Tất cả bảy loài rùa biển bắt gặp trên toàn cầu đều được liệt kê trong sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) về các loài bị nguy cấp, trong đó hai loài rùa biển là Đồi mồi và Rùa da được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp.

Các quốc gia ký kết Bản ghi nhớ IOSEA về bảo tồn và quản lý rùa biển khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á đã đồng ý cấm đánh bắt trực tiếp rùa biển trong khi cho phép một số trường hợp ngoại lệ như thu lượm truyền thống của các cộng động địa phương miễn là các hình thức thu hoạch này có tính bền vững (nêu tại Chương trình 1.5 của Kế hoạch bảo tồn và quản lý rùa biển IOSEA). Tuy nhiên, các sản phẩm rùa biển tiếp tục được tiêu thụ và buôn bán bất hợp pháp cả ở trong nước và quốc tế. Ở một số nền văn hóa, người ta cho rằng quà lưu niệm làm từ rùa biển sẽ đem đến may mắn trong khi ở một số nền văn hóa khác thì việc tiêu thụ trứng rùa biển được quảng bá sai lệch vì có lợi ích sức khỏe đặc biệt cho con người. Trong các trường hợp này, các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân địa phương và khách du lịch cần tiếp tục thông báo cho người dân và giảm nhu cầu đối với các sản phẩm này từ rùa biển.

Buôn bán bất hợp pháp quốc tế đặc biệt có vấn đề ở khu vực Đông Nam Á và vùng Tam giác San hô, ở những vùng biển giàu tài nguyên của Indonesia, Malaysia và Philippines. Với thị trường chợ đen mang đến lợi nhuận cao đối với các sản phẩm rùa biển thì Trung Quốc được biết đến là nơi dẫn dắt các nhu cầu tiêu thụ bất hợp pháp này bất chấp những nỗ lực không ngừng của cảnh sát Trung Quốc. Trang tin điện tử Business Insider báo cáo vào cuối tháng 2/2019 về một cuộc trấn áp của cảnh sát về buôn bán bất hợp pháp ở Trung Quốc trong vụ bắt giữ các sản phẩm rùa biển, gồm bút, kính và vòng đeo tay có tổng giá trị khoảng 144.000 đô la Mỹ và bắt giữ 19 nghi phạm. Một báo cáo gần đây về rùa biển của Tổ chức cứu trợ hoang dã WildAid đã tiết lộ rằng ngành du lịch là kênh quan trọng đưa các sản phẩm rùa biển vào Trung Quốc và các nước khác. Mặc dù thông tin bị hạn chế ở một số khu vực ở Ấn Độ Dương song các hoạt động thương mại và thị trường chợ đen vẫn tích cực được báo cáo ở Đông Nam Phi. Việc bắt giữ bất hợp pháp rùa biển ở khu vực này được cho là chủ yếu dành cho thị trường nội địa. Ở một số quốc gia, thịt rùa bất hợp pháp được phục vụ như là loại thực phẩm thay thế giá rẻ hơn cho gia súc và thậm chí là thịt cá. Cùng với tập quán truyền thống sử dụng các sản phẩm rùa biển thì đói nghèo, thất nghiệp và nguồn thu nhập hạn chế chính là những động lực quan trọng dẫn đến việc bắt giữ và buôn bán rùa biển.

Trong những năm gần đây, những kẻ đánh bắt trộm hoặc buôn bán rùa biển có thể phải đối mặt với án tù hoặc xử phạt hành chính với những hình phạt ngày càng nghiêm khắc. Vào tháng 6/2018, một công dân Việt Nam đã bị kết án 4 năm 6 tháng tù vì tội buôn bán bất hợp pháp rùa biển sau khi phát hiện tàng trữ khoảng 7.000 xác cá thể và các bộ phận của rùa biển mà chủ yếu là Đồi Mồi. Mặc dù bản án này thể hiện sự tiến bộ đáng kể trong việc thi hành luật chống tội phạm động vật hoang dã nhưng vẫn còn nhiều chỗ cần cải thiện ở một số quốc gia – nơi tồn tại các hình thức xử phạt hành chính không đủ răn đe đối với các hoạt động bất hợp pháp và ở nơi thiếu sự hài hòa của luật pháp giữa các bang/tỉnh gây ra việc buôn bán nội địa bất hợp pháp.

Khi nói đến động vật hoang dã, việc thực thi pháp luật vẫn còn thách thức vì nhiều lý do. Tỷ lệ phát hiện nạn đánh bắt trộm thấp, năng lực của cán bộ thực thi pháp luật không đủ, kinh phí không đủ và nạn tham nhũng thường dẫn đến việc không truy tố tội phạm. Theo công nhận của IUCN, CITES, IOSEA và CMS (Công ước về các loài di cư) thì cách tiếp cận hiệu quả để cải thiện việc thực thi pháp luật là phải có sự tham gia của các cộng đồng địa phương, tạo ra động lực cho họ để bảo vệ các loài nguy cấp và môi trường sống của các loài này. Nhật báo Độc lập (Independent) đã báo cáo câu chuyện thành công như vậy trên đảo Bali của Indonesia, một điểm nóng trước đây về việc khai thác trực tiếp rùa biển, nơi người dân địa phương và khách du lịch nước ngoài hiện đang làm việc để bảo vệ trứng rùa khỏi những kẻ buôn lậu và các mối đe dọa khác. Trong chương trình dựa vào cộng đồng, các tình nguyện viên tham gia giám sát các địa điểm làm tổ đẻ trứng trên bãi biển. Chỉ riêng trong năm 2017, trứng của 761 tổ đã được giải cứu và đưa đến nơi an toàn của trại giống địa phương và có khoảng 70.000 rùa con mới nở được thả trở lại đại dương.

Trên khắp quần đảo Comoros ở Ấn Độ Dương, nơi có các điểm làm tổ đẻ trứng có tầm quan trọng toàn cầu của loài Vích (rùa xanh), các Tổ chức phi chính phủ (NGOs), các Tổ chức quốc tế và chính phủ cùng tham gia với các cộng đồng địa phương trong sáng kiến bảo tồn rùa biển đồng quản lý. Trên đảo Mayotte, được sự hỗ trợ của Trung tâm nghiên cứu và khám phá rùa biển (CEDTM) và thông qua những nỗ lực của Hiệp hội phát triển kinh tế - xã hội của Itsamia (ADSEI) trên đảo Moheli, các dự án này theo đuổi cách tiếp cận tích hợp để quản lý rùa biển bảo đảm điều hòa cả nhu cầu bảo tồn và nhu cầu của các cộng đồng địa phương thông qua việc cung cấp thu nhập từ du lịch sinh thái và thiết lập chương trình công cộng cho giáo dục và nhận thức về môi trường.

IOSEA nhận định, bảo tồn và quản lý rùa biển dựa vào cộng đồng sẽ trở lên phổ biến ở khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Trong khi nhận thức của công chúng đang dần thay đổi thì việc nghiên cứu sâu hơn nữa về các vấn đề sinh kế thay thế bền vững là cần thiết để vượt qua các động lực kinh tế - xã hội của việc bắt giữ bất hợp pháp rùa biển. Với sự phát triển của nạn buôn người có tổ chức đe dọa vượt xa khả năng của một quốc gia riêng lẻ để chống lại sự khủng hoảng thì sự hợp tác giữa các quốc gia láng giềng ngày càng trở lên quan trọng. Những nỗ lực của IOSEA nhằm tạo điều kiện chia sẻ thông tin, kết nối và hợp tác giữa các chính phủ, NGOs, các cơ quan có liên quan như Công ước CITES và Công ước Ramsa và các mạng lưới, các tổ chức liên chính phủ khác bao gồm INTERPOL, Mạng lưới thực thi động vật hoang dã ASEAN và Hiệp hội quốc tế về chống tội phạm động vật hoang dã có thể tối ưu hóa sức mạnh và nguồn lực trong tương lai.

BVH (Nguồn: IOSEA)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác