Nhận diện Cá mập để thực hiện tốt công tác quản lý (27-02-2019)

Ngày 26/02/2019, Tổng cục Thủy sản (D-Fish) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tổ chức “Hội thảo tập huấn Nhận diện các loài Cá mập thuộc Phụ lục Công ước Cites để phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát”.
Nhận diện Cá mập để thực hiện tốt công tác quản lý

Mục đích chính của Hội thảo là: Nâng cao năng lực thực hiện Công ước Cites về bảo vệ các loài nguy cấp; Thực hiện và thi hành Công ước Cites về buôn bán, thương mại quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó, mục tiêu cụ thể là Nâng cao năng lực Nhận diện các loài Cá mập cho cán bộ thuộc các cơ quan/đơn vị thực hiện công tác quản lý và thực thi pháp luật như Chi cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát môi trường, Bộ độ Biên phòng, Cảnh sát biển và các cán bộ quản lý nhà nước chuyên ngành Thủy sản. Thông qua buổi tập huấn giám sát trực quan vây cá khô, Hội thảo mong muốn có thể giúp cán bộ quản lý Nhận diện chuẩn xác các loài Cá mập được quy định trong Công ước Cites; Nhờ đó, thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát loài động vật cần được bảo vệ này; Góp phần nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo tồn, bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; Góp phần giúp Việt Nam chung tay cùng cộng đồng Quốc tế ngăn chặn các hoạt động khai thác và thương mại thủy sản bất hợp pháp, tăng cường các nỗ lực bảo tồn các loài Cá mập nguy cấp.

Tại hội thảo, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đã tóm tắt các nội dung chính liên quan tới công tác bảo vệ các loài Cá mập thuộc Phụ lục của Công ước Cites và bản Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn các loài Cá mập, Cá đuối tại Việt Nam giai đoạn 2020-2025. Sau đó, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cập nhật các quy định về việc buôn bán, thương mại các loài Cá mập thuộc Phụ lục của Công ước Cites. Ông Stan Shea (Hiệp hội Bloom Hồng Kông) trình bày các hoạt động cũng như kinh nghiệm tổ chức tập huấn Nhận diện các loài Cá mập phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát tại Đài Loan; Đồng thời, báo cáo dữ liệu buôn bán, thương mại Cá mập giữa Hồng Kông và Việt Nam.

Trong cuộc hội thảo lần này, nội dung quan trọng nhất chính là việc các Chuyên gia quốc tế hướng dẫn cho cán bộ Việt Nam cách nhận diện các loài Cá mập trong Danh sách của Cites (thông qua quan sát trực tiếp các mẫu vây cá khô). Bên cạnh đó, chuyên gia Debra Lynn Abercrombie còn trình bày các biện pháp kiểm soát thương mại, với trọng tâm nhận dạng vây cá được liệt kê trong Công ước Cites.

Cá mập là loài cá di cư. Hàng năm, chúng bị con người khai thác bất hợp pháp với khối lượng lớn. Quy mô thương mại các sản phẩm từ Cá mập được xác định lên đến 500 triệu đô là Mỹ. Việc khai thác quá mức và buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm từ các loài Cá mập nguy cấp đã làm tổn hại đến hệ sinh thái biển như rạn san hô, cỏ biển, gây tác động xấu tới nơi cư trú của nhiều loài. Theo các chuyên gia, về mặt sinh học, Cá mập là loài động vật ăn thịt duy nhất đứng đầu chuỗi thức ăn ở biển. Về mặt văn hóa, tại một số quốc đảo, Cá mập được coi là biểu tượng sức mạnh, thể hiện sự uy nghiêm, chính trực. Hình ảnh Cá mập còn xuất hiện trong nhiều bức tranh vẽ hay các tờ tiền in. Cùng với 182 quốc gia khác, Việt Nam đã ký Công ước Cites và đang lập bản Dự thảo ban hành Kế hoạch hành động quốc gia bảo vệ các loài động vật biển quý hiếm nguy cấp, bao gồm Cá mập.

“Hội thảo tập huấn Nhận diện các loài Cá mập thuộc Phụ lục Công ước Cites để phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát” là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực quản lý nghề cá bền vững, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, nâng cao đời sống và phát triển sinh kế bền vững cộng đồng” được tài trợ bởi Quỹ ADM - Hồng Kông (ADM Capital Foundation). Hoạt động của Hội thảo được đánh giá là những nỗ lực hợp tác của cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức phi chính phủ nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả thực thi các quy định pháp luật của Việt Nam và Quốc tế về thương mại động vật hoang dã nguy cấp.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác