Đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản (18-04-2018)

Sáng nay ngày 17/4/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các Bộ, ngành, chuyên gia và các đơn vị liên quan trong lĩnh vực thủy sản về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hướng dẫn quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định tại Luật Thủy sản 2017.
Đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Để triển khai thực hiện một cách hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan đang khẩn trương hoàn thiện các Dự thảo lấy ý kiến của các Bộ, ban, ngành các chuyên gia cũng như các đơn vị liên quan trong lĩnh vực thủy sản về các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản năm 2017. Trong đó, Dự thảo hướng dẫn thực hiện quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được các Bộ, ban, ngành các chuyên gia đặc biệt quan tâm. Đây cũng là một trong những điểm mới trong Luật Thủy sản năm 2017 đã được quy định (tại Điều 10 – Luật Thủy sản năm 2017).

Theo đó, quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản với mục tiêu nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là giải pháp hữu hiệu giảm xung đột lợi ích trong cộng đồng và góp phần đưa ngành thủy sản phát triển một cách bền vững.

Các đại biểu tham dự cho rằng, đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản có vai trò hết sức quan trọng trong bảo vệ nguồn lợi hiện nay. Trong thời gian qua, đã có những mô hình trong đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại một số tỉnh thành đã phát huy hiệu quả và thành công. Tuy nhiên việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn do chưa được quy định các điều kiện cũng như cách thức thực hiện chưa cụ thể. Vấn đề là cần có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, cần ban hành các cơ chế chính sách, phân quyền quản lý là một trong những vấn đề quan trọng nhất để có cơ sở triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, cần có sự đồng thuận và tham gia tích cực của ngư dân là những người trực tiếp giám sát cũng là người hưởng lợi trực tiếp từ nguồn lợi có được từ công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi. Ngoài ra, cần có cơ chế chia sẽ lợi ích phải rõ ràng, minh bạch, công khai.

Để hướng dẫn thực hiện có hiệu quả các quy định liên quan đến đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hướng dẫn quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các đại biểu và các chuyên gia đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về: Nội dung thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Tiêu chí xác định khu vực được giao thực hiện đồng quản lý; Quy định về tổ chức thực hiện và các điều kiện quy định tham gia trong tổ đồng quản lý; Quy định về xử lý vi phạm trongtrong đồng quản lý; Phân quyền quản lý cũng như chia sẻ lợi ích….

Liên quan đến tổ chức thực hiện, Ông Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, tổ đồng quản lý cần được thành lập và tổ chức thực hiện đồng bộ ở các địa phương, quản lý toàn bộ vùng biển ven bờ. Bên cạnh đó, tổ đồng quản lý cần có sự tham gia của các chi cục Thủy sản; Bộ đội Biên phòng; Chi hội nghề cá và chính quyền tại địa phương.

Một số đại biểu cho rằng cần đưa ra các tiêu chí xác định khu vực được giao thực hiện đồng quản lý phù hợp với luật pháp cũng như phù hợp với thực tế để triển khai có hiệu quả. Ngoài ra, tiêu chí xác định khu vực được giao thực hiện đồng quản lý cần tiếp cận theo hệ sinh thái.

Tại cuộc họp lấy ý kiến, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Lê Trần Nguyên Hùng cho rằng vấn đề về quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quản lý khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được các nước trên thế giới triển khai. Đối với Việt Nam, trong những năm qua, các đơn vị đã phối hợp với các tổ chức quốc tế, các chuyên gia triển khai thí điểm tại một số địa phương và mang lại hiệu quả cao. Trong quá trình nghiên cứu và xây dựng Luật Thủy sản 2017, các đơn vị cũng đã nghiên cứu và vận dụng các kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cũng như đúc rút từ thực tiễn triển khai một số dự án, mô hình tại Việt Nam để áp dụng. Tuy nhiên, đây là một trong những điểm mới trong quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, do đó, cần tiếp tục thảo luận và lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia cũng như các đơn vị liên quan để tổng hợp hoàn thiện các quy định và để triển khai một cách hiệu quả.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác