Tảo luôn làm vững chắc các rạn san hô (03-04-2018)

Rạn san hô Great Barrier và hầu hết các rạn san hô rộng lớn khác trên thế giới phần lớn đều có một loại tảo đỏ sống trên san hô và nhờ loại tảo đỏ này làm cho các rạn vững chắc hơn. Nghiên cứu mới của Anna Weiss – tác giả chính, nghiên cứu sinh của Trường Khoa học Địa chất Jackson thuộc Đại học Texas đã phát hiện ra rằng các rạn san hô cổ xưa cũng được hỗ trợ bởi mối liên kết với tảo đỏ, phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách các rạn san hô thích ứng với biến đổi khí hậu như thế nào.      
Tảo luôn làm vững chắc các rạn san hô
Ảnh minh họa

Weiss cho biết “Các rạn san hô mà chúng ta biết ngày nay là sản phẩm của một mối quan hệ lâu dài giữa san hô và tảo san hô (coralline algae). Vì vậy, nếu chúng  ta muốn bảo tồn các rạn san hô, chúng ta cũng cần quan tâm chú ý đến sức khỏe của các loài tảo sống trên rạn san hô”.

Weiss thực hiện nghiên cứu này cùng với Rowan Martindale, Phó Giáo sư của Khoa khoa học Địa lý Trường Jackson. Nghiên cứu của họ được công bố hồi tháng 8 trên Tạp chí PLOS ONE.

Tảo san hô là một loại tảo đỏ giúp xây dựng các hệ sinh thái rạn san hô bằng nhiều cách khác nhau. Chúng thúc đẩy sự phát triển rạn bằng cách thu hút ấu trùng san hô, chúng là nguồn thức ăn cho các loài động vật trên rạn và giúp ráp nối các bộ xương san hô bị gãy bằng cách phát triển trên những chỗ gãy đó. Vai trò quan trọng nhất của tảo khi nó sống lâu dài trên rạn là trực tiếp làm vững chắc khung xương đá vôi của san hô bằng canxit, chất khoáng rắn tạo nên bộ xương của tảo. Điều này cho phép các rạn san hô duy trì cấu trúc lâu dài, tạo nền móng cho các hệ sinh thái rạn.

Các nhà cổ sinh vật học nghĩ rằng tảo được tìm thấy ở các rạn bị hóa thạch đóng vai trò tương tự như ở các hệ sinh thái rạn hiện nay. Weiss cho biết, nghiên cứu của cô ấy là nghiên cứu đầu tiên kiểm chứng giả định đó bằng cách lượng hóa và đo đạc thống kê rằng tảo có ảnh hưởng quan trọng và lâu dài đến sự đa dạng và cấu trúc rạn.

Nghiên cứu tiến hành phân tích số liệu từ 128 rạn san hô bị hóa thạch có tảo sống trên rạn san hô được trích dẫn trong phần tài liệu nghiên cứu. Tác giả đặc biệt tập trung vào các rạn bị hóa thạch ở thời kỳ cuối Kỷ phấn trắng (Cretaceous) và Đại Tân sinh (Cenozoic), giai đoạn này kéo dài từ 100 triệu năm trước đến hiện tại.

Tác giả nhận ra rằng các rạn được tảo làm cho vững chắc có liên quan chặt chẽ với tính nguyên vẹn về cấu trúc cao hơn và các hệ sinh thái hoạt động nhiều hơn so với các rạn có ít hoặc không có dấu hiệu của tảo – một mối tương quan cũng được phát hiện ở các rạn san hô hiện nay.

Weiss nói rằng “Nghiên cứu các hệ sinh thái và các sự kiện cổ xưa đưa ra thông tin quan trọng về thế giới hiện đại. Công trình nghiên cứu này cho thấy rằng sự tương tác quan trọng giữa các loài san hô và tảo sống trên rạn san hô không phải là điều mới mẻ mà nghiên cứu trở lại hàng triệu năm trước.”

Hiện nay, biến đổi khí hậu đang làm nước biển ấm lên và có tính chất axit cao hơn, gây áp lực cho các rạn san hô trên toàn thế giới. Tác giả cho biết nghiên cứu khác chỉ ra rằng tảo có thể dễ bị tổn thương bởi các tác động của biến đổi khí hậu hơn san hô, phát hiện này chứng minh tầm quan trọng của việc nghiên cứu nhiều hơn về mối quan hệ của tảo với san hô hiện nay và trong quá khứ.

“Chúng ta biết tảo rạn san hô quan trọng như thế nào đối với việc tạo rạn, vì vậy điều này có thể có nghĩa là tảo rạn san hô thực tế đóng vai trò lớn hơn san hô trong việc xác định xem rạn san hô còn sóng sót sau đợt axit hóa đại dương hay không. Nghiên cứu của tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của tảo rạn san hô đối với các rạn san hô và khẳng định ý nghĩa quan trọng này có từ thời cổ xưa”, Weiss cho biết.

Richard Aronson, một chuyên gia về cổ sinh vật học và sinh thái học các quần xã sinh vật biển và là Trưởng phòng khoa học sinh học của Viện Công nghệ Florida, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc quan tâm đến các rạn cổ - và các yếu tố ảnh hưởng đến vòng đời của chúng -để hiểu được các rạn san hô trong tương lai.

Aronson không tham gia nghiên cứu này, cho rằng “Những liên kết này (giữa san hô và tảo) phản ánh những gì chúng ta nhìn thấy ở các rạn san hô đương thời. Bất kể mối quan hệ nhân quả là gì thì điều quan trọng là chúng ta có thể theo dõi sự tăng, giảm và phục hồi của rạn san hô hóa thạch và các mối tương quan về môi trường của những thay đổi đó như một cách dự đoán cái gì có thể hoặc không thể xảy ra với rạn san hô trong thế kỷ tiếp theo khi có sự biến đổi khí hậu nhanh chóng.”

Vũ Hậu (theo Sciencedaily)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác