San hô có thể sống sót sau biến đổi khí hậu? (08-09-2017)

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế, trong đó có các nhà khoa học của Australia, đã đưa ra lời khuyên rằng cần phải thực hiện ngay các nghiên cứu để xác định xem liệu san hô có thể thích nghi với tốc độ biến đổi khí hậu nhanh chóng hay không.
San hô có thể sống sót sau biến đổi khí hậu?
Ảnh minh họa

Nhóm chuyên gia về san hô, do Tiến sĩ Gergely Torda dẫn đầu, đến từ Trung tâm Nghiên cứu rạn san hô thuộc Hội đồng nghiên cứu Australia (Coral CoE) tại Đại học James Cook và Viện Khoa học biển Australia (AIMS), đã đưa ra những đề xuất nghiên cứu trong tương lai.

Khi rạn Great Barrier đối mặt với tỷ lệ san hô bị chết nhiều chưa từng thấy do hiện tượng tẩy trắng san hô hàng loạt xảy ra liên tục trong năm 2016 và 2017, sự gia tăng lượng cacbon đioxit và các áp lực tự nhiên và áp lực do con người gây ra, các nhà khoa học đề xuất cần tiến hành ngay các nghiên cứu về các đặc điểm cơ chế chưa được hiểu nhiều mà san hô có thể sử dụng để sống sót trong một thế giới đang ấm lên nhanh chóng. 

Tiến sĩ Torda nói: “Vẫn còn rất nhiều điều để hiểu về san hô. Khi cơ hội thực sự duy nhất của chúng ta về sự sống sót của san hô là làm giảm biến đổi khí hậu, thì có một hy vọng rằng các loài san hô có thể thích ứng với môi trường đang thay đổi”.

Đồng tác giả, Giáo sư  Philip Munday của Coral CoE, cho biết thêm: “Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống kiến thức về việc san hô có thể thích ứng hoặc thích nghi nhanh như thế nào với những thay đổi môi trường, và chúng có thể dùng cơ chế  nào đó để thích nghi”.

Tiến sĩ Jenni Donelson của Coral CoE giải thích: “Ví dụ, các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng cá có thể thích nghi với nhiệt độ nước cao hơn khi một vài thế hệ cá phải chịu cùng nhiệt độ gia tăng, nhưng việc liệu san hô có thể thích nghi được như vậy không, và có thể thích nghi như thế nào vẫn còn là điều chưa được biết.”

Có 8 đề xuất nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Climate Change và xuất phát từ một hội thảo với sự tham dự của nhóm chuyên gia gồm 22 nhà sinh học đến từ 11 cơ quan của 5 quốc gia khác nhau.

Nhóm các nhà khoa học nhất trí rằng cần phải có nghiên cứu sâu hơn để nhận biết cách san hô phản ứng với biến đổi khí hậu như thế nào khi Trái đất phải trải qua biến đổi môi trường với tốc độ chưa từng thấy.

Tiến sĩ Line Bay, chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu của AIMS, nói: “Có đủ quán tính của hệ thống khí hậu mà chúng ta sẽ không thể ngăn chặn được những phiền toái liên quan đến khí hậu làm ảnh hưởng đến rạn san hô trong tương lai gần. Cần phải có các giải pháp để giúp san hô thích ứng và thích nghi với những áp lực khí hậu trong tương lai rất gần trong khi chúng ta nghiên cứu làm thế nào để giảm phát thải, tạm dừng và đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu trong thời gian dài.”

Giáo sư Timothy Ravasi và Tiến sĩ Manuel Aranda - các đồng tác giả - đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah (KAUST) cảnh báo rằng chúng ta đang chạy đua với thời gian. “Rạn Great Barrier đã bị mất rất nhiều san hô trong 2 năm qua. Việc hiểu được các cơ chế có thể cho phép san hô đối phó với sự ấm lên của đại dương là điều ngày càng trở nên quan trọng nếu chúng ta muốn giúp các hệ sinh thái này”.    

Báo cáo tập trung vào các loài san hô đá, san hô tạo rạn - các loài san hô này được ví như là “kỹ sư hệ sinh thái” (ecosystem engineers) của các rạn san hô nhiệt đới. Các loài san hô này xây dựng lên các bộ khung để tạo nơi trú ngụ, cung cấp thức ăn và môi trường sống cho toàn bộ hệ sinh thái này. Khi san hô bị mất đi, tính đa dạng và phong phú của các loài sinh vật rạn khác cũng bị suy giảm, cho đến khi hệ sinh thái này bị hủy diệt.  

Tiến sĩ Torda cho biết: “Dự đoán số phận của các rạn san hô trong điều kiện biến đổi khí hậu tùy thuộc vào hiểu biết của chúng ta về khả năng của các loài san hô có thể gắn kết những phản ứng mang tính thích nghi với những thay đổi môi trường. Báo cáo của chúng tôi đưa ra các mục tiêu nghiên cứu chính và các phương pháp tiếp cận nhằm đạt được mục đích này”. Ông kết luận: “Bây giờ là lúc phải thực hiện, vì cánh cửa cơ hội giải cứu rạn san hô đang nhanh chóng khép lại”.

Vũ Hậu (theo sciencedaily)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác