Động vật săn mồi giúp bảo vệ hệ sinh thái biển và carbon xanh. (13-06-2017)

Những động vật săn mồi ở biển giúp lưu trữ carbon trong các hệ sinh thái ven biển bằng cách kìm hãm các quần thể động vật ăn thực vật và các sinh vật cải tạo sinh học. Nếu những động vật săn mồi này bị mất đi, các quần thể nói trên có thể bùng phát, gây ra thiệt hại trên quy mô lớn, dẫn đến lượng carbon được tích trữ trong các loài thực vật biển và trong đất được phóng thích.
Động vật săn mồi giúp bảo vệ hệ sinh thái biển và carbon xanh.
Trisha Atwood là nhà sinh thái học thuộc Đại học bang Utah cho biết những động vật săn mồi ở biển rất quan trọng để duy trì và bảo vệ trữ lượng carbon xanh.

Các báo cáo về các vụ cá mập tấn công người đã nhanh chóng được đưa lên các tiêu đề hàng đầu, làm lan rộng nỗi lo và đẩy mạnh nỗ lực để hạn chế số lượng các loài ăn thịt đáng sợ. Các loài ăn thịt ở biển khác như cua, tôm hùm và các loài cá lớn là những món ăn phổ biến cho con người và dễ bị đánh bắt quá mức. Các động vật săn mồi khác, như hải cẩu và sư tử biển, đang bị đe dọa bởi môi trường sống bị mất đi và bị một số ngư dân xem là những đối thủ không được hoan nghênh.

Tuy nhiên, nhà khoa học Trisha Atwood, thuộc Đại học bang Utah, nói rằng những động vật này, đặc biệt là những con cá ở đỉnh của chuỗi thức ăn, xứng đáng nhận được sự khen ngợi to lớn hơn vì vai trò của chúng trong việc duy trì sự lành mạnh của các hệ sinh thái biển và ven biển cũng như cho một hành tinh bền vững.

Atwood nói: “Trên khắp thế giới, cá mập và các loài ăn thịt ở biển khác đang liên tục bị khai thác một cách không bền vững. Chúng tôi đang nghiên cứu về sự suy giảm của những động vật này có thể có những hậu quả sâu rộng đối với chu trình carbon hay không và gợi ý khả năng của chúng ta chống lại những tác động của biến đổi khí hậu”.

Atwood và các đồng nghiệp đã đưa ra các quan điểm mới về những loài động vật ăn thịt trong một bài viết được công bố vào ngày 28/9/2015. Các tác giả khác là Rod Connolly, Viện Sông ngòi Úc; Euan Ritchie, Graeme Hays và Peter Macreadie ở Đại học Deakin Úc, Catherine Lovelock thuộc Đại học Queensland Úc; Michael Heithaus và James Fourqurean ở Đại học Quốc tế Florida.

Atwood, tác giả chính của bài báo, nói rằng môi trường sống ven biển của thực vật trên thế giới, bao gồm cả đầm lầy ngập mặn, cỏ biển và rừng ngập mặn, chiếm một lượng carbon khổng lồ - được gọi là “carbon xanh” - so với diện tích nhỏ bé của chúng.

“Sự cô lập sinh học trong những môi trường sống này đang nổi lên như là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để lưu trữ carbon dài hạn, nhưng vẫn chưa được hiểu rõ lắm. Có nhiều bằng chứng cho thấy sự xuống cấp về dinh dưỡng, là sự mất cân đối của các loài bậc cao trong chuỗi thức ăn, có thể có những ảnh hưởng tiêu cực sâu rộng đến khả năng cô lập và lưu giữ carbon của các hệ sinh thái này”, Atwood nói.

Atwood cho biết các hệ sinh thái ven biển có thể chứa khoảng 25 tỷ tấn carbon, chiếm khoảng 50% lượng cacbon hấp thụ của thế giới trong đại dương. Bởi vì đại dương là bồn chứa carbon lớn nhất của chúng ta. Việc các hệ sinh thái ven biển cô lập một lượng lớn carbon sẽ làm giảm đáng kể những tác động lên sự biến đổi khí hậu.

Trisha Atwood nói: “Nếu carbon trong các hệ sinh thái thực vật ven biển được giải phóng dưới dạng carbon dioxide, sẽ có một lượng đáng kinh ngạc là 91 tỷ tấn. Kết quả sẽ là thảm họa. Điều này thúc đẩy và làm tồi tệ hơn các tác động của biến đổi khí hậu, như mực nước biển dâng cao, sự nóng lên của nhiệt độ không khí và nước”.

Atwood cho biết những động vật săn mồi ở biển giúp lưu trữ carbon trong các hệ sinh thái ven biển bằng cách kìm hãm các quần thể động vật ăn thực vật và các sinh vật cải tạo sinh học (những sinh vật làm xáo trộn đất). Nếu những động vật săn mồi này bị mất đi, các quần thể động vật ăn thực vật và các sinh vật cải tạo sinh học có thể bùng phát, gây ra thiệt hại trên quy mô lớn, dẫn đến lượng carbon được tích trữ trong các loài thực vật biển và trong đất được phóng thích.

“Sự nguyên vẹn của những quần thể động vật ăn thịt là những yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển trữ lượng carbon xanh. Cần có những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề trên, cùng với các chính sách và quản lý để bảo tồn các động vật này. Các loài ăn thịt ở biển có thể là những người giữ cửa để duy trì khí hậu hiện tại của hành tinh chúng ta”, Atwood cho biết thêm.

Anh Chi (Theo Phys.org)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác