Cần có Bộ quy tắc ứng xử bảo tồn biển (24-05-2017)

Một nhóm chuyên gia hàng đầu thế giới về bảo tồn biển đang kêu gọi “Lời thề Hippocrate” (Hippocratic Oath) cho công tác bảo tồn biển, giống như lời tuyên thệ về các chuẩn mực đạo đức của các bác sĩ khi vào nghề.  
Cần có Bộ quy tắc ứng xử bảo tồn biển
Ảnh minh họa

Một bộ quy tắc ứng xử về bảo tồn biển sẽ giúp ngăn chặn những vi phạm nhân quyền có thể xảy ra trong công tác bảo tồn và thúc đẩy việc ra quyết định phù hợp, có trách nhiệm với xã hội khi lập kế hoạch và thực hiện các hành động để bảo vệ đại dương. Các khuyến nghị đã được công bố ngày 15/5 trên tạp chí Chính sách Biển (Marine Policy).

Tác giả chính Nathan Bennett, một nhà nghiên cứu tại Đại học Washington, Đại học British Columbia và Đại học Stanford, cho biết “Lợi ích của việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử là chúng ta đang xem lại các lỗi trước đây và học hỏi, rút kinh nghiệm từ những lỗi này. Chúng tôi đang cố gắng đề xuất một phương pháp tiên tiến và cơ bản để nâng cao mức độ thành công của công tác bảo tồn”.

Một nhóm các nhà khoa học và các nhà thực hành quốc tế từ các trường đại học, các tổ chức chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận đã nhóm họp tại Hội nghị Bảo tồn thế giới (World Conservation Congress) của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế - IUCN (International Union for Conservation of Nature), sự kiện định kỳ về bảo tồn lớn nhất thế giới tổ chức tại Honolulu hồi năm ngoái nhằm thảo luận về sự cần thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử về bảo tồn biển và cùng nhau đưa ra một chương trình khung của bộ quy tắc. Nội dung thảo luận, cùng với việc xem xét lại các chính sách bảo tồn hiện có, được tóm tắt trong một báo cáo mới.

Ông Bennett cho biết “Việc nhóm họp các chuyên gia quốc tế này thực sự là bước đầu tiên trong một quá trình lâu dài. Những gì chúng tôi đang kêu gọi ở đây là nhằm phát triển và áp dụng Bộ quy tắc ứng xử cho toàn cộng đồng bảo tồn biển. Điều này sẽ cần phải có một số cán bộ chủ chốt về bảo tồn biển để xây dựng và hỗ trợ sáng kiến này”.

Có nhiều vi phạm nhân quyền xảy ra như các sản phẩm phụ (byproduct) của các hoạt động bảo tồn ở nhiều nơi trên thế giới. Ví dụ, ở Tanzania, những người dân bản địa ven biển bị buộc phải dời khỏi vùng đất của họ theo nỗ lực của chính quyền để bảo vệ khu vực đó. Ở Nam Phi, những khu vực được chọn cho mục đích bảo tồn biển mà không tham khảo ý kiến của các cộng đồng địa phương được coi là những ví dụ về chính sách hoặc hành động “chiếm đoạt biển” lấy đi nguồn lợi và quyền của các cộng đồng nghề cá quy mô nhỏ.

Các tác giả cho rằng, một phần của vấn đề là việc bảo tồn biển cũng còn tương đối mới mẻ và muốn nhanh chóng đạt được mục tiêu toàn cầu là bảo vệ 10% biển cho đến năm 2020. Sai lầm và sơ suất có thể xảy ra khi thời hạn thực hiện ngắn. Thêm vào đó, biển có một số đặc điểm riêng làm cho việc khảo sát công tác bảo tồn trở nên khó khăn: quyền sở hữu trên biển không được xác định rõ ràng như trên đất liền; khó xác định các thẩm quyền và khó thực thi các quy tắc; và có những khác biệt rõ rệt về quan điểm có tiếp tục khai thác hay bảo vệ nguồn lợi biển.   

Đây có lẽ là kịch bản “Wild West” mới nhất trên thế giới.

Ông Bennett nói: “Ngày nay các đại dương là nơi bận rộn, mỗi người đều đang cố gắng dành quyền lợi của mình với nhiều mục tiêu khác nhau. Đề cập đến các vấn đề xung quanh hình thức ra quyết định, những ai có liên quan và sự rõ ràng của các cơ sở pháp lý để ra quyết định và đặt những thông tin đó trên bàn một cách minh bạch là một số thách thức cơ bản đối với việc làm cho công tác bảo tồn biển được thực hiện một cách tốt nhất”.  

Các tác giả của bài báo đưa ra rất nhiều các nguyên tắc về công bằng xã hội, trách nhiệm giải trình và ra quyết định mà có thể được sử dụng cho bộ quy tắc ứng xử bảo tồn biển. Đó là bao gồm các chủ đề như quyền bản địa, an ninh lương thực và sinh kế, tính chất bao gồm và sự minh bạch. Các tác giả còn liệt kê các dự thảo mục tiêu cho sự phát triển tiếp theo, và họ trích dẫn các ví dụ về kết quả đầu ra tốt và xấu từ các hoạt động bảo tồn.   

Ví dụ, ở British Columbia, quá trình lập kế hoạch biển bao gồm tất cả các bên bị ảnh hưởng. Ở Hawaii, một di tích biển quốc gia kết hợp văn hóa bản địa đồng thời bảo vệ sức khỏe và sự đa dạng của hệ sinh thái đó. Theo Bennett, những bài học từ những ví dụ tích cực này và nhiều ví dụ khác cũng có thể được sử dụng để hướng dẫn xây dựng một bộ quy tắc ứng xử quốc tế.

Các tác giả dự kiến sẽ thảo luận các khuyến nghị tại một số hội nghị quốc tế về biển sắp tới, như: Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc vào tháng 6, Đại hội quốc tế về Bảo tồn biển vào tháng 9 và hội nghị Đại dương của chúng ta vào tháng 10. Họ hy vọng các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các nhà tài trợ khác sẽ cân nhắc xem đưa những gì vào tài liệu này, sau đó sẽ tiến hành soạn thảo bộ quy tắc ứng xử.   

Họ hy vọng tài liệu cuối cùng này sẽ được sử dụng như một công cụ để dạy và hướng dẫn các hoạt động cho các thế hệ tiếp theo thực hiện công tác bảo tồn và những người ủng hộ, và nếu cần thiết sẽ sử dụng như một phương tiện để bắt các nhóm phải chịu trách nhiệm cho các hành động của mình.

Đồng tác giả Patrick Christie, giáo sư của Trường Môi trường và Biển và Trường Nghiên cứu Quốc tế Jackson, Đại học Washington, cho biết: “Thực tiễn bảo tồn biển luôn bao hàm sự đánh đổi. Phân tích này làm rõ rằng xã hội dễ bị tổn thương nhất không thể chịu được những gánh nặng chính của việc bảo tồn. Nếu không xem xét cẩn thận các nguyên tắc của phân tích này thì việc bảo tồn có thể sẽ thất bại lâu dài và có những tác động tiêu cực đến xã hội và môi trường”. 

Vũ Hậu (theo scien)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác