Nâng cao ý thức trách nhiệm của tăng ni, phật tử trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản (03-03-2017)

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tăng ni, phật tử và người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua hoạt động thả giống phóng sinh, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học đồng thời ngăn chặn, giảm thiểu sự phát tán những loài thủy sản ngoại lai xâm hại ra môi trường; chủ động cung cấp và vận động tăng ni, phật tử, người dân thả phóng sinh những giống thủy sản hữu ích cho môi trường sinh thái và đời sống xã hội, Tổng cục Thủy sản đã có buổi làm việc với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về kế hoạch triển khai Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2017.
Nâng cao ý thức trách nhiệm của tăng ni, phật tử trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và đã đầu tư kinh phí cho nghiên cứu, phát triển nguồn lực, hình thành hệ thống bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản từ Trung ương đến địa phương. Luật Thủy sản quy định về công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm từng bước ngăn chặn sự suy giảm, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Hàng năm, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được các địa phương trên cả nước triển khai đồng bộ, tập trung vào ngày 1/4 (ngày truyền thống ngành Thủy sản), góp phần quan trọng trong việc khôi phục lại nguồn lợi thủy sản, gia tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, đặc biệt là phục hồi và tái tạo lại các loài thủy sản quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Bên cạnh hoạt động thả giống tái tạo của các đơn vị chuyên môn, hoạt động thả giống các loài thủy sản đã được người dân Việt Nam thực hiện từ bao đời nay dưới hình thức phóng sinh các loài thủy sản, hoạt động này là một nét văn hóa tâm linh từ bao đời của người Việt, biểu hiện rõ nhất là tục phóng sinh loài cá chép vào ngày 23/12 Âm lịch; ngày lễ Vu lan (15/7 Âm lịch). Những năm gần đây, hoạt động thả giống phóng sinh do các cá nhân thực hiện diễn ra thường xuyên với số lượng và quy mô phóng sinh các loài thủy sản rất lớn đã góp phần không nhỏ bổ sung nguồn lợi thủy sản vào các thủy vực tự nhiên, khôi phục lại quần đàn các loài cá có giá trị kinh tế, khoa học. Tuy nhiên, hoạt động này cũng nảy sinh nhiều bất cập như: phóng sinh với đối tượng không chọn lọc, bao gồm cả cá cảnh các giống nhập nội chưa được khảo nghiệm như rùa tai đỏ khiến các loài thuỷ sinh ngoại lai xâm hại đã phát triển mạnh, lấn át các loài bản địa.

Để hoạt động phóng sinh thực sự có ý nghĩa về mặt công đức cũng như hiệu quả về tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường trong phạm vi toàn quốc, Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xây dựng Bản ghi nhớ hợp trong lĩnh vực phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bản ghi nhớ hợp tác này đã được hai bên ký kết tại Tổng cục Thủy sản ngày 04/01/2016. Nhằm triển khai có hiệu quả bản ghi nhớ hợp tác, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác năm 2017 với những hoạt động cụ thể: Xây dựng các tài liệu tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của phóng sinh đối với tái tạo nguồn lợi thủy sản; Xây dựng Sổ tay hướng dẫn hoạt động phóng sinh các loài thủy sản; Tuyên truyền bảo vệ rùa biển - loài thủy sản quý hiếm; Tổ chức tuyên truyền, giáo dục các tăng ni, phật tử tại các địa phương trong cả nước; Tổ chức các hoạt động thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản; Triển khai xây dựng mô hình thực hiện có hiệu quả bản ghi nhớ Hợp tác.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc

Tin khác