Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn các loài cá mập ở Việt Nam giai đoạn 2017-2025 (23-11-2016)

Sáng ngày 22/11/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn các loài cá mập ở Việt Nam giai đoạn 2017-2025. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Viện Nghiên cứu Hải sản, Trường đại học Khoa học tự nhiên, đại diện lãnh đạo một số địa phương ven biển và các đơn vị trong Tổng cục Thủy sản.
Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn các loài cá mập ở Việt Nam giai đoạn 2017-2025

Cần thiết phải có Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn các loài cá mập

Theo báo cáo tại Hội thảo, cá mập có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái biển. Khai thác cá mập là nghề truyền thống của ngư dân tại nhiều quốc gia từ nhiều thế kỷ trước. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, công nghệ hiện đại kết hợp với khả năng tiếp cận các ngư trường khai thác xa hơn đã gây ra sự gia tăng cường lực và sản lượng đánh bắt cá mập, cũng như việc mở rộng của các khu vực đánh bắt.

Trên thế giới, do ý thức được tầm quan trọng của cá mập, trong khoảng từ năm 2000 đến nay đã có nhiều nghiên cứu về sinh học, đánh giá nguồn lợi làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi đối tượng này. Đặc biệt, tổ chức CITES về buôn bán động bật hoang dã đã dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học để đưa ra danh mục các loài bị đe dọa, có nguy cơ để đưa vào danh mục cấm buôn bán hoặc buôn bán có điều kiện. Các tổ chức quốc tế khác như WWF, IUCN, SEAFDEC, FAO, WCPFC của khu vực cũng như quốc tế đều có những chương trình hành động rất cụ thể, các rào cản kỹ thuật nhằm bảo tồn phát triển nguồn lợi cá mập, cá nhám. Tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam châu Á như Thái Lan, Malaysia, Philippin… đều có các chương trình quốc gia về cá mập.

Ở Việt Nam, các loài trong lớp cá sụn có đặc điểm phân bố rộng ở hầu hết các vùng biển từ Bắc, Trung, Nam, từ vùng biển ven bờ đến xa bờ. Chúng có thể bị đánh bắt ngẫu nhiên hoặc chủ ý bởi nhiều loại nghề khác nhau như lưới kéo đáy, lưới vây, lưới rê và đặc biệt là nghề câu cá mập, cá nhám. Mặc dù, nghề khai thác cá sụn, đặc biệt là cá mập để lấy vây đã phát triển từ những năm thập niên 80 nhưng đến nay, nghiên cứu về đối tượng này rất rời rạc và còn rất hạn chế, từ nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái đến nguồn lợi, hiện trạng khai thác, buôn bán, sử dụng và quản lý nghề khai thác.

Việt Nam là thành viên của công ước CITES từ năm 1994, đồng thời là thành viên chính thức hoặc không chính thức của nhiều tổ chức nghề cá, thương mại của khu vực và quốc tế khác như SEAFDEC, WCPFC, WTO.  Nghề cá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, từ giá trị xuất khẩu đến vấn đề ổn định kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên biển. Vì vậy, để có thể hội nhập và phát triển nghề cá, việc quan tâm đến các chính sách về quản lý cũng như biện pháp phòng tránh các rào cản thương mại có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản là việc làm hết sức cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia nhằm bảo tồn các loài cá mập là cần thiết, đáp ứng được các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và từng bước có những biện pháp để bảo tồn các loài cá mập ở vùng biển Việt Nam.

Một số nội dung trong dự thảo Kế hoạch hành động

Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn các loài cá mập tại Việt Nam giai đoạn 2017-2025 có mục tiêu chung là quản lý, bảo tồn hiệu quả và sử dụng bền vững nguồn lợi cá mập tại Việt Nam để duy trì sự đa dạng sinh học, khả năng tồn tại lâu dài của các quần thể cá mập, đảm bảo vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển và đáp ứng yêu cầu của các tổ chức quốc tế, công ước mà Việt Nam tham gia.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Kế hoạch hành động được chia ra các giai đoạn với các nội dung cụ thể như: Giai đoạn 2017-2018, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng được các yêu cầu của tổ chức nghề cá khu vực và cam kết mà Việt Nam tham gia; Tổ chức thực hiện các dự án điều tra, nghiên cứu, thu thập dữ liệu về thành phần loài, đặc điểm sinh học, phân bố của các loài cá mập để đưa ra các chế độ quản lý phù hợp; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các loài cá mập, phục vụ công tác quản lý và bảo tồn; Biên soạn được hai cuốn sách về phân loại cá mập ở vùng biển Việt Nam; Khoảng 50-70% ngư dân tham gia khai thác thủy sản thực hiện việc thả các cá thể cá mập thuộc một số loài trong danh mục nguy cấp, quý, hiếm còn sống và giữ lại toàn bộ cơ thể cá mập đối với những cá thể đã chết… Giai đoạn 2018-2020: Trên 70% ngư dân tham gia khai thác thủy sản thực hiện việc thả các cá thể cá mập thuộc một số loài trong danh mục nguy cấp, quý, hiếm còn sống và giữ lại toàn bộ cơ thể cá mập đối với những cá thể đã chết; Trên 70% ngư dân nắm bắt được thông tin về các loài cá mập nằm trong danh sách đỏ Việt Nam và thuộc các phụ lục của công ước CITES…

Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn các loài cá mập cũng đã chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện mục tiêu, như: tăng cường các biện pháp giảm thiểu các tác động đến các loài cá mập; tăng cường công tác nghiên cứu, giám sát, thu thập dữ liệu các loài cá mập; nâng cao nhận thức của cộng đồng và năng lực cán bộ chuyên trách về bảo tồn các loài cá mập; tăng cường hợp tác trong khu vực và quốc tế…

Các giải pháp thực hiện cũng được Kế hoạch hành động đưa ra, bao gồm các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; khoa học công nghệ; tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức; hợp tác quốc tế…

Những vấn đề thực tiễn khi thực hiện Kế hoạch hành động ở Việt Nam

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản, từ năm 2000-2013, vùng biển Việt Nam có 78 loài cá mập và cá đuối, thuộc 42 giống, 25 họ và 8 bộ khác nhau. Thành phần loài có sự khác nhau ở các vùng biển khác nhau. Số lượng loài bắt gặp trong các chuyến khảo sát trong giai đoạn 2000 đến 2005 cao hơn với giai đoạn gần đây, cho thấy sự suy giảm nguồn lợi này.

Kết quả tham vấn ngư dân và nậu vựa ghi nhận có khoảng 13 loài cá mập được ngư dân khai thác, trong đó hầu hết các loài cá đều bắt gặp ở vùng tuyến khơi. Một số loài khai thác phổ biến gồm cá nhám đuôi dài, cá nhám đá, cá mập da trơn, cá mập thâm, cá mập sọc trắng, cá mập vây đuôi cá chấm, cá nhám thu và cá nhám búa. Trong các loài đã xác định, cá mập trắng lớn và cá mập báo là những loài tấn công người. Tuy nhiên, những loài này chủ yếu khai thác ở tuyến lộng và tuyến khơi.

Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu cá mập chủ yếu là vi cá mập, cước cá mập và thịt cá mập. Thị trường tiêu thụ chính là Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore.

Theo đánh giá của các đại biểu tại Hội thảo, việc thực hiện Kế hoạch hành động bảo tồn các loài cá mập ở Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch hành động nhất thiết phải bám chặt với thực trạng khai thác cá mập ở vùng biển Việt Nam cũng như các quy định của quốc tế. Việc ưu tiên trước mắt và quan trọng là công tác tuyên truyền cho ngư dân, để họ nhận biết được tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài cá mập, đồng thời hiểu rõ được loài nào được phép khai thác và loài nào không được phép khai thác. Bên cạnh đó, công tác điều tra nguồn lợi cá mập cần có phương pháp điều tra, thu mẫu thuyết phục để có cơ sở thông tin đáng tin cậy, qua đó xây dựng được các nội dung hành động chi tiết và thiết thực hơn.

Dự thảo về Kế hoạch hành động bảo tồn các loài cá mập ở Việt Nam sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn chỉnh và sẽ trình Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt, có phạm vi trên toàn quốc, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ, bảo tồn hiệu quả các loài cá mập.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác