Quảng Ngãi: thành lập khu bảo tồn biển Lý Sơn (10-08-2015)

Ngày 7-8, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức cuộc họp thông qua dự án thành lập khu bảo tồn biển Lý Sơn.
Quảng Ngãi: thành lập khu bảo tồn biển Lý Sơn

Khu bảo tồn biển có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển, bảo tồn biển còn có ý nghĩa to lớn đối với nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, giải trí và du lịch sinh thái; góp thêm cơ sở pháp lý và cung cấp các công cụ hành chính cho việc đấu tranh bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong vùng Biển Đông mà các nước trong khu vực đang quan tâm. Đến nay, hệ thống cơ chế, chính sách cho bảo tồn Biển về cơ bản đã hình thành tương đối đồng bộ, gồm: Luật Thuỷ sản, Luật bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến 2030, Quy hoạch Hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam….

Khu bảo tồn biển Lý Sơn là Khu bảo tồn biển thứ 10 cùng với các Khu bảo tồn đã được thành lập gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc.  Được thiết kế quy hoạch bao trùm toàn bộ huyện đảo Lý Sơn với tổng diện tích hơn 7.900 ha bao gồm cả phần đất trên đảo và phần biển. Tổng vốn thực hiện dự án hơn 36,4 tỉ đồng, chia làm hai giai đoạn triển khai từ năm 2016 đến 2020. Khu bảo tồn biển Lý Sơn nằm trong danh mục 16 khu bảo tồn biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm mục đích bảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học; bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái, duy trì cải thiện sinh kế; quản lý và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản.

Các nhóm dự án cần triển khai gồm xây dựng hạ tầng; trang thiết bị; phục hồi hệ sinh thái đặc trưng (gồm trồng rừng trên đảo và phục hồi rạng san hô), hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp; xây dựng thương hiệu và chuỗi thị trường cho sản phẩm bào ngư Lý Sơn…Khu bảo tồn biển Lý Sơn là công cụ để phát triển bền vững huyện đảo tiền tiêu. Để làm được điều đó, cần có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng mà người dân trên đảo là chủ thể quyết định. Phải nghĩ đến việc đồng quản lý thủy sản để giảm áp lực cho người dân khi tham gia dự án. Được biết, ở vùng biển ven bờ của Lý Sơn có nhiều gành rạn san hô là nơi cho các loài thủy sản sinh sôi. Đặc biệt, có các loài ốc như ốc u, ốc tai tượng, sò huyết...

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác