Quảng Ngãi: Lập khu bảo tồn biển Lý Sơn (09-04-2015)

Ngày 7/4/2015, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất cho Sở NN và PTNT Quảng Ngãi lập dự án thành lập khu bảo tồn biển Lý Sơn để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Việc lập khu bảo tồn biển Lý Sơn là nhiệm vụ cấp bách để huyện đảo tiền tiêu này phát triển bền vững, gắn kết bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái biển đảo.
Quảng Ngãi: Lập khu bảo tồn biển Lý Sơn

Lý Sơn là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi cách đất liền khoảng 15 hải lý; có diện tích 10,33 km²; dân số trung bình là 18.346 người; nằm trên con đường biển từ Bắc vào Nam và nằm ngay cửa ngõ của Khu Kinh tế Dung Quất. Vị thế này đã đưa huyện đảo Lý Sơn trở thành đơn vị hành chính tiền tiêu của Tổ quốc; có vai trò đảm bảo an ninh, chủ quyền biển, đảo; có lợi thế để phát triển kinh tế biển.

Vùng biển quanh đảo Lý Sơn có độ đa dạng sinh học cao; với các hệ sinh thái điển hình như: rạn san hô, rong biển, cỏ biển, cá biển… Hệ sinh thái san hô phân bố quanh đảo có tổng số 33 loài thuộc 13 họ, có nhiều loại điển hình như: nhóm san hô tạo rạn, san hô mềm, san hô xanh, san hô đàn ống, san hô sừng,…  Hệ sinh thái cỏ biển quanh đảo có 6 loài; 3 loài thuộc họ thủy tảo, 3 loài thuộc họ cỏ kiệu; phân bố gần như toàn bộ vùng biển nông ven đảo. Hệ sinh thái rong biển quanh đảo có 4 ngành, 24 bộ, 45 họ và 140 loài, cao hơn hẳn so với Cù lao Chàm và Bãi Rạn (Quảng Nam); nhiều loài có giá trị kinh tế cao, với sản lượng lớn như: rong mơ, rong câu rễ tre, rong câu chân vịt, rong đông, rong lục,…. Về quần xã cá biển, có tổng số 102 loài cá thuộc 26 họ; đây là quần xã cá rạn có tính đa dạng sinh học cao so với khu vực lân cận. Tuy nhiên, trong vài thập niên gần đây, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng thuốc nổ và các phương tiện mang tính hủy diệt; khai thác không đúng quy cách, không đúng mùa vụ; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức trong sản xuất nông nghiệp; …đã làm cho diện tích tự nhiên ngày càng bị thu hẹp; hệ sinh thái ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng; môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng. Việc bảo vệ tính đa dạng sinh học trên đảo và vùng biển quanh đảo Lý Sơn là một nhiệm vụ hết sức cần thiết để phát triển đảo Lý Sơn theo hướng bền vững.

Theo đó, khu bảo tồn biển Lý Sơn – Quảng Ngãi nằm trong Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010. Theo đề án, vùng bảo tồn biển đảo Lý Sơn được quy hoạch gần 4.270 ha bao gồm cả vùng biển xung quanh xã An Vĩnh, An Hải (đảo Lớn) và xã An Bình (đảo Bé). Trong đó, khu vực phục hồi san hô khoảng 1.625 ha và 319 ha rong, cỏ, biển. Ngoài ra,  khu bảo tồn còn có các công trình gồm Trụ sở Ban quản lý Khu bảo tồn biển, Trạm thực nghiệm và quan trắc môi trường, nhà trưng bày giáo dục cộng đồng, bốn trạm kiểm soát ven biển, hệ thống phao tiêu. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 37 tỷ đồng.

Khu bảo tồn biển Lý Sơn được thành lập và quản lý hiệu quả sẽ là một công cụ để phát triển huyện đảo Lý Sơn theo hướng bền vững, góp phần phát triển ngành kinh tế thủy sản, phát triển ngành du lịch, nâng cao thu nhập cho cộng đồng ngư dân trên đảo. Bên cạnh đó, việc thành lập khu bảo tồn biển Lý Sơn sẽ hạn chế đến mức thấp nhất sự suy thoái về môi trường; suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trên đảo về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đảo; hình thành các khu dân cư đoàn kết, qua đó, giúp ổn định trật tự, an ninh, an toàn xã hội và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc

Tin khác