Tuyên truyền, hướng dẫn Kỹ thuật thả giống phóng sinh (23-09-2019)

Ngày 21/9/2019, tại Lễ thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản ở xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), Tổng cục Thủy sản và Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau đã tổ chức tuyên truyền cho các tăng ni, phật tử và người dân Cà Mau, hướng dẫn thực hành thả giống phóng sinh đúng kỹ thuật và đúng quy định của pháp luật.
Tuyên truyền, hướng dẫn Kỹ thuật thả giống phóng sinh

Trong những năm qua, hoạt động thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản được xem là nét văn hóa đẹp của người dân Việt Nam, tuy nhiên, hoạt động phóng sinh này cũng có những tồn tại, hạn chế nhất định: (1) Phóng sinh loài ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại vào môi trường tự nhiên (rùa tai đỏ, ốc bươu vàng, cá tỳ bà) gây cạnh tranh thức ăn, nơi cư trú, tấn công loài bản địa và là trung gian truyền bệnh, lai tạp với loài bản địa làm mất nguồn gen thuần chủng; (2) Phóng sinh loài thủy sản vào môi trường nước không phù hợp làm cho loài được thả không sống được (như: thả cá nước ngọt xuống biển hoặc thả cá vào các thủy vực đang bị ô nhiễm); (3) Phóng sinh loài thủy sản có chất lượng thấp (thủy sản bị bệnh, sắp chết) gây lan truyền bệnh và ô nhiễm môi trường; (4) Phóng sinh nhiều loài thủy sản với số lượng lớn vào ao, hồ nhỏ (thả mật độ cao làm thủy sản chậm sinh trưởng, thậm chí có thể chết vì thiếu ôxy); (5) Phóng sinh các loài thủy sản với tỷ lệ không phù hợp gây mất cân bằng sinh thái tự nhiên (như: thả cá rô phi quá nhiều ở thủy vực tự nhiên, tạo nên sự cạnh tranh về nơi ở và thức ăn với các loài bản địa); (6) Phương pháp vận chuyển và phóng sinh loài thủy sản không đúng, thời điểm thả không phù hợp có thể gây chết hoặc làm giảm sức sống của loài thủy sản (như: vận chuyển mật độ quá cao, phương tiện và kỹ thuật vận chuyển không đảm bảo, thả cá từ trên cao xuống mặt nước, thời điểm thả quá nóng hoặc quá lạnh). 

Những quan điểm đúng đắn trong thực hành thả giống phóng sinh

Để việc phóng sinh được thực hiện đúng cách theo quan điểm của Phật giáo và mang lại hiệu quả cho công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản (thả giống phóng sinh đúng kỹ thuật và đúng quy định của pháp luật) thì việc phóng sinh phải phát xuất từ tấm lòng thiện nguyện, không tư lợi; phóng sinh bằng cái tâm, chẳng cần mọi người biết đến; không phóng sinh theo phong trào, chạy theo chữ danh để được khen ngợi, được tiếng tăm.

Phóng sinh là tự do, không phân biệt số lượng ít nhiều, lớn nhỏ, đắt rẻ; không chọn ngày giờ tốt xấu; không chờ dịp này dịp khác. Sau khi mua con vật để phóng sinh thì thả ngay (càng sớm càng tốt) để chúng về với môi trường tự nhiên, tự do thoải mái. Khi phóng sinh, cần quan tâm đến môi trường sống của loài được thả (sao cho thả đúng về môi trường sống tự nhiên), không thả vào môi trường khó sinh tồn hay làm hại các sinh vật khác. Bên cạnh đó, phóng sinh với số lượng phù hợp, đảm bảo chất lượng và đảm bảo vận chuyển, thả đúng cách để đạt được tỷ lệ sống cao nhất. Không phóng sinh các loài thủy sản ngoại lai xâm hại (hoặc có nguy cơ xâm hại) theo quy định của pháp luật. Khuyến khích thả các loài thủy sản bản địa, nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao nhằm bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo đảm cân bằng sinh thái trong các thủy vực tự nhiên. 

Quan điểm thực hành phóng sinh đúng, có ý nghĩa theo Phật giáo và không đi ngược với những quy định trong bảo vệ môi trường thiên nhiên cũng như đa dạng sinh học là: Người dân đi phóng sinh luôn mong muốn con vật mình thả ra được khỏe mạnh, lớn lên và phát triển trong môi trường sống tự nhiên, không gây tác động xấu tới môi trường sinh thái.

Thả giống phóng sinh đúng kỹ thuật và đúng quy định của pháp luật

Trên tinh thần của Phật giáo, gắn với những quy định của pháp luật, Tổng cục Thủy sản và Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau đã tuyên truyền, hướng dẫn các tăng ni, phật tử và người dân thực hành thả giống phóng sinh đúng kỹ thuật và đúng quy định của pháp luật. Cụ thể là: Nêu rõ tên và mô tả chi tiết, rõ ràng những loài thủy sản không được phép phóng sinh (tên, hình dạng, đặc điểm sinh học); Các loài thủy sản không nên phóng sinh; Các loài thủy sản thả phóng sinh góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản (nhất là những loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và được pháp luật quy định bảo vệ).

Về thời gian, địa điểm thả giống phóng sinh: Hoạt động phóng sinh có thể thực hiện quanh năm nhưng cần chọn thời điểm thả lúc thời tiết mát, tránh thả giữa trưa hè oi bức hoặc mùa đông giá lạnh có thể gây sốc đối với loài thủy sản phóng sinh; Phóng sinh thủy sản vào các thủy vực có điều kiện phù hợp với đặc điểm sinh học của loài, các thủy vực rộng lớn, không khép kín, không bị ô nhiễm. Với các hoạt động phóng sinh có tổ chức, quy mô lớn, nên phóng sinh loài thủy sản vào những nơi mà chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thủy sản ở địa phương khuyến khích (như: các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản).

Về số lượng, nguồn gốc, chất lượng các loài thủy sản: Không nên thả với số lượng quá lớn tại một thời điểm, trong cùng một thủy vực, khiến loài được thả phải sống trong môi trường chật hẹp, thiếu oxy làm giảm sức khỏe và khả năng sống. Loài thủy sản được thả phải khỏe mạnh (hoạt động bình thường, phản xạ nhanh với tiếng động và không có dấu hiệu bị bệnh). Trường hợp phóng sinh số lượng ít, có thể mua thủy sản tại chợ; Phóng sinh có tổ chức, số lượng lớn, nên mua tại các Trung tâm giống thủy sản hoặc Trại sản xuất giống thủy sản có giấy phép hoạt động.

Có nhiều cách để vận chuyển thủy sản: Trường hợp phóng sinh quy mô nhỏ với số lượng cá thể ít, nơi thả phóng sinh gần thì có thể vận chuyển loài thủy sản đến nơi thả phóng sinh bằng túi ny lông nhỏ, chậu, thùng chứa nước. Trong trường hợp phóng sinh với quy mô lớn, cần chuẩn bị phương tiện vận chuyển đảm bảo để loài thủy sản có sức khỏe tốt khi được thả phóng sinh: Vận chuyển cá bằng thuyền thông thủy, ghe đục; Vận chuyển tôm bằng sọt lót ny lông, thùng chở bằng xe đạp, xe máy, thuyền thông thủy (ghe đục), túi ny lông có bơm ôxy. Vận chuyển các loài trai, ốc: Nếu khoảng cách gần, thời gian ngắn thì không cần giữ chúng trong môi trường nước mà chỉ cần giữ cho phương tiện vận chuyển ẩm, mát như phủ bèo lên các loài trai, ốc. Những hình thức vận chuyển trên phụ thuộc vào đối tượng loài, kích cỡ, thời gian vận chuyển, nhiệt độ môi trường để lựa chọn cho phù hợp. 

Ngoài các kỹ thuật nêu trên, Tổng cục Thủy sản và Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau còn tuyên truyền, hướng dẫn chi tiết cách thả phóng sinh và những vấn đề an toàn giao thông đường thủy trong hoạt động phóng sinh. Ngoài ra, trong “Tài liệu hướng dẫn phóng sinh các loài thủy sản”, ban soạn thảo còn in Danh sách, địa chỉ và số điện thoại của Cơ quan quản lý thủy sản ở địa phương để các tăng ni, phật tử, người dân có thể liên hệ khi cần giải đáp. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học cho hôm nay và thế hệ mai sau. 

Ngọc Thúy – FICen

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác