Giao quyền quản lý nguồn lợi thủy sản cho Tổ chức cộng đồng (21-03-2019)

Ngày 08/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017; Trong đó, quy định việc giao quyền quản lý nguồn lợi thủy sản cho Tổ chức cộng đồng
Giao quyền quản lý nguồn lợi thủy sản cho Tổ chức cộng đồng
Ảnh minh họa

Công nhận và giao quyền quản lý cho Tổ chức cộng đồng  

Hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền quản lý nguồn lợi thủy sản cho Tổ chức cộng đồng bao gồm: (1) Đơn đề nghị (theo Mẫu số 01.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định); (2) Phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản (BV&KT NLTS) tại khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý (theo Mẫu số 02.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định); (3) Quy chế hoạt động của Tổ chức cộng đồng (theo Mẫu số 03.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định); (4) Thông tin về Tổ chức cộng đồng (theo Mẫu số 04.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định); (5) Bản chính biên bản họp Tổ chức cộng đồng (theo Mẫu số 05.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định).

Việc công nhận và giao quyền quản lý cho Tổ chức cộng đồng được thực hiện theo trình tự sau: Đại diện Tổ chức cộng đồng gửi hồ sơ đến Cơ quan có thẩm quyền (theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Thủy sản). Trong thời hạn 03 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ), Cơ quan có thẩm quyền thông báo Phương án BV&KT NLTS trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và khu dân cư nơi dự kiến thực hiện đồng quản lý; Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo, Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế (nếu cần), ban hành “Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho Tổ chức cộng đồng”. Trường hợp không công nhận và không giao quyền quản lý cho Tổ chức cộng đồng, Cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Công tác Thẩm định hồ sơ nhằm kiểm tra xem Tổ chức cộng đồng có đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Thủy sản; Sự phù hợp của Phương án BV&KT NLTS tại khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý; Quy chế hoạt động của Tổ chức cộng đồng đã được ít nhất 2/3 số thành viên Tổ chức cộng đồng biểu quyết thông qua với quy định của pháp luật về thủy sản, pháp luật có liên quan và điều kiện thực tế tại địa phương.

Sửa đổi, bổ sung “Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho Tổ chức cộng đồng”

Hồ sơ cho các trường hợp đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung “Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho Tổ chức cộng đồng”gồm: (1) Đơn đề nghị (theo Mẫu số 07.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định); (2) Thông tin về Tổ chức cộng đồng (theo Mẫu số 04.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định) đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung tên tổ chức và tên người đại diện của Tổ chức cộng đồng; (3) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và dự thảo Phương án BV&KT NLTS mới đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung Phương án BV&KT NLTS; vị trí, ranh giới khu vực địa lý được giao; phạm vi quyền được giao; (4) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và dự thảo Quy chế mới đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Tổ chức cộng đồng; (5) Bản chính Biên bản họp của Tổ chức cộng đồng về các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung (theo Mẫu số 05.BT Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định).

 Đối với trường hợp thay đổi tên Tổ chức cộng đồng, người đại diện Tổ chức cộng đồng, Quy chế hoạt động của Tổ chức cộng đồng: Đại diện Tổ chức cộng đồng gửi hồ sơ đến Cơ quan có thẩm quyền (theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Thủy sản). Trong thời hạn 07 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ), Cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung. Trường hợp không ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung, Cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do. Nghị định cũng đã quy định chi tiết với các trường hợp Sửa đổi, bổ sung vị trí, ranh giới khu vực địa lý được giao, phạm vi quyền được giao, phương án BV&KT NLTS. Quyết định sửa đổi, bổ sung nội dung “Quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho Tổ chức cộng đồng” được thực hiện theo Mẫu số 08.BT Phụ lục I (ban hành kèm theo Nghị định).

Tổ chức cộng đồng có trách nhiệm báo cáo Cơ quan có thẩm quyền (theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Thủy sản) và Cơ quan quản lý nhà nước về Thủy sản cấp tỉnh về hoạt động của Tổ chức cộng đồng (định kỳ trước ngày 10 tháng 11 hằng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu). Trong đó, các nội dung chủ yếu gồm: Tên gọi của Tổ chức cộng đồng; số lượng thành viên tham gia; kết quả thực hiện Phương án BV&KT NLTS; kết quả thực hiện Quy chế hoạt động của Tổ chức cộng đồng; các nội dung thay đổi trong kỳ báo cáo; đề xuất, kiến nghị (nếu có).

Nghị định số 26/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/4/2019

Chi tiết tham khảo: https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác