Bình Thuận: Sơ kết 05 năm thực hiện Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản; Tổng kết mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2012-2017 (01-02-2018)

Nhằm đánh giá kết quả 05 năm thực hiện và định hướng cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020; chiều ngày 30/01/2018, tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã diễn ra Hội nghị “Sơ kết 05 năm thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Tổng kết mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2012-2017”.
Bình Thuận: Sơ kết 05 năm thực hiện Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản; Tổng kết mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2012-2017

Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Hội Nông dân, Hội nghề cá tỉnh và các đơn vị trực thuộc liên quan; Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn ven biển; đại diện các tổ chức cộng đồng ngư dân.

Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 05 năm thực hiện chương trình, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt được kết quả thiết thực trên các mặt, trong đó nổi bật lên một số hoạt động:

- Công tác ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi: Chi cục Thủy sản đã chủ động tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, vận động; qua đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực (Số vụ vi phạm bị phát hiện và xử lý năm 2017 giảm 61 vụ so với năm 2016 và 838 vụ so với năm 2012). Trong cơ cấu tàu khai thác, đã giảm được 836 chiếc có công suất dưới 20 CV và 1.944 chiếc có công suất dưới 90 CV so với năm 2012; số tàu lưới kéo dưới 90 CV giảm được 74 chiếc.

- Trong lĩnh vực bảo tồn biển: Đã thành lập, vận hành Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Cau. Qua đó, đã ngăn chặn kịp thời nhiều vụ khai thác thủy sản trái phép và mua bán vận chuyển san hô, bảo vệ, di dời hàng trăm ổ trứng, phục hồi được bãi đẻ truyền thống của Rùa biển tại KBTB Hòn Cau,…

- Trong công tác phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản: Đã tổ chức thả được 21.212.696 Điệp quạt con và 112,4 tấn sò lông giống; hơn 1.000 cá thể hải sâm cát trong KBTB Hòn Cau; tiếp nhận và thả về biển hơn 16 cá thể rùa biển quý hiếm. Đã triển khai thả được hơn 30 điểm chà rạn nhân rạo nhằm thu hút nguồn lợi đến sinh sống, sinh sản và giúp ngăn chặn nghề lưới kéo.

- Công tác đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Tỉnh đã triển khai, thực hiện được 02 mô hình tại xã Phước Thể (huyện Tuy Phong) và xã Thuận Qúy (huyện Hàm Thuận Nam). Các kết quả về kinh tế, xã hội, môi trường, nguồn lợi thủy sản và công tác quản lý Nhà nước được cải thiện rõ rệt. Các bài học kinh nghiệm từ mô hình này sẽ là cơ sở triển khai sâu rộng công tác đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại tỉnh khi Luật Thủy sản sửa đổi có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn lực về con người, phương tiện, kinh phí để triển khai các hoạt động. Sự quan tâm, tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền  huyện, xã và các tổ chức, cá nhân liên quan khác còn hạn chế. Cơ chế, chính sách, quy định Nhà nước còn nhiều bất cập, chưa sát hợp thực tế, chưa cụ thể gây khó khăn cho quá trình triển khai. Các hình thức xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa mang tính răn đe. Mặc dù người dân đã được tuyên truyền, có hiểu biết nhất định nhưng ý thức chấp hành pháp luật vẫn chưa cao do việc mưu sinh ngày càng khó khăn hơn trước đây.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và có nhiều ý kiến góp ý cho kế hoạch, giải pháp thực hiện trong thời gian đến, nhất là vấn đề nhân rộng mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và thí điểm thực hiện Luật Thủy sản 2017, nhằm triển khai một cách đồng bộ, sâu rộng, hiệu quả hơn công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Lý Bảo Thành – Chi cục Thủy sản Bình Thuận

Ý kiến bạn đọc

Tin khác