Sử dụng thiết bị thông tin liên lạc trong hoạt động khai thác thủy sản (09-11-2016)

Sóng di động, bộ đàm sóng cực ngắn, các thiết bị phát sóng vô tuyến điện, hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh... là hàng loạt các thiết bị thông tin liên lạc đồng hành cùng ngư dân trong những ngày lênh đênh đánh bắt dài ngày trên biển. Việc sử dụng thiết vị thông tin liên lạc giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác và hỗ trợ đắc lực trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Sử dụng thiết bị thông tin liên lạc trong hoạt động khai thác thủy sản
Ảnh minh họa

Sự cần thiết của thiết bị thông tin

Việc trang bị các thiết bị thông tin liên lạc để sẵn sàng thông tin kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra là một vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động đánh bắt cá ngoài khơi của ngư dân. Tuy nhiên, hiện trạng trang, thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá của ngư dân Việt Nam lại rất thiếu thốn, đặc biệt với những tàu cá loại nhỏ và vừa, hoạt động cá thể. Bên cạnh đó, do nhận thức của ngư dân sợ ảnh hưởng tới việc cạnh tranh ngư trường nên thường giấu tọa độ đánh bắt, không sử dụng các thiết bị định vị vệ tinh được trang bị. Điều này gây nhiều khó khăn khi gặp những tình huống khẩn cấp.

Việc trang bị một số thiết bị thông tin cho các tàu đánh bắt xa bờ, gần bờ là việc vô cùng cần thiết, giúp ngư dân theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền, kịp thời thoát khỏi vùng nguy hiểm khi có bão, áp thấp nhiệt đới, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tàu thuyền. Đồng thời góp phần đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, đặc biệt trong và sau thiên tai cho tàu thuyền của ngư dân đánh bắt cá xa bờ; hỗ trợ các cơ quan chức năng liên quan chỉ đạo, điều hành, cảnh báo và ứng phó với thiên tai, tuyên truyền phổ biến kiến thức tới ngư dân.

Nói về lợi ích khi sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc trên biển, ngư dân tỉnh Bình Định cho rằng, thông qua các hệ thống thông tin liên lạc, bà con ngư dân có thể thường xuyên cập nhật các thông tin tại đất liền hoặc trên biển với nhau. Đồng thời, khi gặp nạn trên biển, nhờ có các phương tiện thông tin liên lạc mà các tàu có thể ứng cứu, trợ giúp lẫn nhau.

Không chỉ giúp ngư dân kết nối thông tin liên lạc, việc triển khai lắp đặt các thiết bị thông tin công nghệ cao còn trợ giúp được ngư dân trong hoạt động đánh bắt. Chẳng hạn như thiết bị vệ tinh Movimar hiện đang được ngư dân Quảng Ngãi tin dùng, vì nhờ có thiết bị này mà nhiều chủ tàu đã nắm bắt được rất nhiều thông tin hữu ích như: Định hướng cho tàu thuyền trở về bờ hoặc vào nơi tránh bão an toàn gần nhất; xác định chính xác ngư trường có nhiều hải sản; tin dự báo thời tiết biển, cảnh báo bão...

Hỗ trợ đắc lực trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn

Hiện nay, các thiết bị ICOM là thiết bị thông tin khá phổ biến trên thị trường và được các tàu thuyền đánh bắt hải sản sử dụng rộng rãi.

Thiết bị ICOM có hình thức gọn nhẹ, điều chỉnh và sử dụng khá dễ dàng so với thiết bị thông tin cùng loại khác. Ngoài chức năng thông tin liên lạc thông thường, thiết bị ICOM còn có chức năng phát báo động cấp cứu qua gọi chọn số DSC (Digital Selective Calling). Thiết bị ICOM có rất nhiều loại, tuy nhiên trong chuyên mục tuyên truyền Công ước SAR 79, xin giới thiệu về thiết bị ICOM 710, 718 trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Thông tin trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn là thông tin hai chiều.

Khi tàu hoạt động trên biển chẳng may gặp phải sự cố không mong muốn như hỏng máy thả trôi, cháy nổ, có người bị ốm hoặc bị tai nạn, gặp thời tiết xấu, bà con sẽ nhanh chóng gọi tới hệ thống đài thông tin duyên hải để yêu cầu trợ giúp trên tần số 7903 KHZ hoặc kênh 16 VHF hoặc tần số làm việc của bất kỳ đài thông tin duyên hải nào bằng thiết bị ICOM 710 hoặc ICOM 718 được trang bị trên tàu. Để thực hiện một cuộc gọi khẩn cấp từ thiết bị này tới hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam để trợ giúp bà con thực hiện như sau:

Chọn tần số 7903 KHZ theo kênh đặt sẵn, sau đó cầm MICRO bóp tổ hợp và sẵn sàng thực hiện cuộc gọi. Gọi 3 lần tất cả các đài thông tin duyên hải hoặc gọi 3 lần đích danh một đài thông tin duyên hải nào đó và xưng danh tàu mình. Khi nhận được phản hồi từ đài thông tin duyên hải, bà con hãy cung cấp những thông tin quan trọng liên quan đến tình trạng sự cố của tàu mình như: Tên tàu, vị trí tàu bị nạn, thời gian bị sự cố, tính chất sự cố, số người trên tàu và yêu cầu trợ giúp. Ngoài ra, bà con cũng cần cung cấp thêm những thông tin khác theo yêu cầu của đài thông tin duyên hải.

Ngay sau khi nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ tàu, đài thông tin duyên hải sẽ nhanh chóng gửi thông tin này tới cơ quan chức năng, đồng thời phát quảng bá tới các tàu thuyền hoạt động quanh khu vực lân cận để yêu cầu trợ giúp cho tàu gặp nạn. Trong quá trình xử lý, khắc phục sự cố, bà con ngư dân cần giữ liên lạc thường xuyên với đài thông tin duyên hải trên tần số 7903 KHZ và báo cho đài thông tin duyên hải mọi thông tin cập nhật về diễn biến tình trạng khắc phục sự cố của tàu.

Đẩy mạnh sử dụng thông tin liên lạc trên biển

Không chỉ người dân chủ động mua sắm trang thiết bị thông tin liên lạc phục vụ cho việc đánh bắt thủy sản trên biển, các cấp, ngành, địa phương tại các tỉnh ven biển hiện nay cũng đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ ngư dân  đảm bảo thông tin liên lạc.

Bằng việc hỗ trợ thiết bị trạm bờ cho các nghiệp đoàn nghề cá, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đã đồng hành, trợ lực cho ngư dân trong kết nối thông tin liên lạc, khi mỗi thiết bị trạm bờ có thể thu sóng vô tuyến trong bán kính từ 2.000 - 3.000km. Ngoài việc kết nối thông tin liên lạc, các thiết bị trên còn có tính năng định vị toàn cầu, xác định tọa độ, vị trí tàu thuyền trên biển; kết nối với Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam, gọi cấp cứu, nghe dự báo thời tiết và chương trình thông tin duyên hải.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi còn đặc biệt chú trọng đến công tác hướng dẫn ngư dân đăng ký cấp phép tần số vô tuyến điện cho phương tiện nghề cá. Bởi việc đăng ký cấp phép sử dụng tần số theo hướng dẫn, đúng mục đích sẽ giúp tránh gây nhiễu thông tin, làm ảnh hưởng đến thông tin an toàn cứu nạn và cứu hộ. Tại nhiều địa phương, lượng tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên hoàn thành thủ tục đăng ký cấp phép tần số đạt tỷ lệ khá cao. Như khu vực TP.Quảng Ngãi, trong 2 năm trở lại đây đã hoàn thành việc cấp phép tần số cho 1.164/1.466 tàu có thiết bị liên lạc tầm xa HF.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, từ năm 2011 đến nay, Tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho ngư dân các địa phương ven biển trong tỉnh lắp đặt 2.470 máy tầm xa HF trên tàu cá. Từ năm 2013 đến nay, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ ngư dân 305 bộ thiết bị kết nối vệ tinh Movimar để lắp đặt trên tàu cá.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi cũng chú trọng đầu tư cải hoán, đóng mới, nâng công suất tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ và lắp đặt các thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động khai thác thủy sản. Hiện hầu hết các tàu cá khai thác thủy sản xa bờ đều được trang bị máy bộ đàm liên lạc tầm xa ICOM cùng một số trang thiết bị hiện đại phục vụ thông tin liên lạc trên biển với đất liền. Nhờ vậy, việc liên lạc giữa ngư dân với ngư dân trên biển, ngư dân với gia đình và ngư dân với các trạm bờ trên đất liền rất thuận lợi.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác