Kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản và định hướng khai thác thủy sản trên các vùng biển Việt Nam (28-10-2016)

Sáng ngày 27/10/2016, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị “Báo cáo kết quả điều tra nguồn lợi hải sản và định hướng về khai thác hải sản trên các vùng biển Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám đã chủ trì Hội nghị.
Kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản và định hướng khai thác thủy sản trên các vùng biển Việt Nam

Điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy hải sản vùng biển Việt Nam để làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý nghề cá và bảo tồn, phát triển nguồn lợi hải sản là một nội dung quan trọng trong khuôn khổ “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” tại Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 01/03/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng bộ dữ liệu tổng thể, đầy đủ, tin cậy, có hệ thống về hiện trạng đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy hải sản Việt Nam, là cơ sở khoa học, thông tin và dữ liệu biển cho quy hoạch, quản lý và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật biển cho phát triển bền vững ở Việt Nam, hướng tới hội nhập khu vực  và thế giới.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hải sản, trong giai đoạn 2011 - 2015, Viện đã thực hiện các chuyến điều tra, đánh giá các nhóm nguồn lợi hải sản chủ yếu. Đối với nhóm cá nổi lớn, phạm vi điều tra là toàn bộ vùng biển xa bờ miền Trung và Đông Nam Bộ; nhóm cá nổi nhỏ có phạm vi điều tra là toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế ở Vịnh Bắc Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Nhóm hải sản tầng đáy (cá đáy, tôm, cua ghẹ, mực, bạch tuộc) có phạm vi điều tra từ đường đẳng sâu 180m trở vào và nhóm cá sống trong vùng rạn san hô được điều tra tại 19 đảo ở vùng biển Việt Nam.

Kết quả điều tra cho thấy, có tổng số 1.081 loài hải sản trên toàn vùng biển, gồm 881 loài cá; 115 loài giáp xác; 41 loài động vật chân đầu và 44 loài thuộc nhóm khác. Các loài có giá trị kinh tế cao chiếm ưu thế trong sản lượng các chuyến điều tra ở vùng biển Vịnh Bắc bộ bao gồm cá nục sồ, cá sòng Nhật, cá ngân, mực ống, cá bánh đường, cá mối thường và cá mối vạch. Vùng biển Trung Bộ và giữa biển Đông gồm các loại cá nục sồ, cá hố, cá úc, cá bánh đường, cá mối thường, cá mối vạch, cá ngừ vằn, cá vền, cá ngừ chù, cá ngừ ồ, cá ngừ chấm, cá ngừ bò, cá thu ngàng, cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá nục heo và mực đại dương. Vùng biển Đông Nam Bộ có cá mối hoa, cá mối thường, cá mối vạch, cá trác ngắn, cá phèn khoai, cá nục sồ, mực ống, mực nang, cá ngát, cá sạo, cá lượng và cá bạc má. Vùng biển Tây Nam Bộ gồm có cá bạc má, cá ba thú, cá nục sồ, cá cơm, cá đù đầu to, cá phèn khoai, mực nang, mực ống, tôm đất, cá sòng gió và mực lá. Kết quả điều tra cũng cho thấy hầu hết các loài hải sản ở biển Việt Nam sinh sản rải rác quanh năm, tập trung vào mùa sinh sản chính từ tháng 3 – 5 và mùa phụ từ tháng 7 – 8.

Với giới hạn về phạm vi điều tra, cơ quan nghiên cứu đã đánh giá trữ lượng nguồn lợi hải sản ước tính trung bình trên toàn vùng biển được điều tra trong giai đoạn 2011 – 2015 là 4,36 triệu tấn. Trong đó trữ lượng nguồn lợi ở vùng ven bờ chiếm 12%, vùng lộng chiếm 19% và vùng khơi là 69%. Về trữ lượng nhóm hải sản, nhóm cá nổi nhỏ chiếm 61%, có xu hướng giảm không đáng kể. Nhóm cá nổi lớn chiếm 23% và có biến động theo chu kỳ El-nino và La nina. Nhóm hải sản tầng đáy chiếm 15% và có xu hướng giảm sút khá lớn. Trữ lượng ở vùng biển Vịnh Bắc bộ ước tính trung bình chiếm 17%; vùng biển Trung Bộ chiếm 20%; vùng biển Đông Nam bộ chiếm 26%; Tây Nam Bộ chiếm 13% và vùng giữa biển Đông chiếm 24%.

Các kết quả điều tra nguồn lợi hải sản viển Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2015 là cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên các vùng biển, gắn khai thác với bảo vệ và phát triền nguồn lợi thủy sản. Các cơ quan quản lý có thêm cơ sở khoa học để rà soát điều chỉnh các cơ chế, chính sách khai thác, bảo vệ nguồn lợi hải sản hiệu quả, bền vững và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Kết quả điều tra nguồn lợi hải sản giai đoạn 2011-2015 cón là căn cứu để định hướng phát triển khai thác hải sản trên các vùng biển, đề xuất các giải pháp bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản một cách hợp lý và bền vững, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành thủy sản nói chung và khai thác hải sản nói riêng.

Hà Kiều

Ý kiến bạn đọc

Tin khác