Tuyên Quang: Tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (29-05-2020)

Trước tình trạng sử dụng xung điện, ngư cụ có kích cỡ mắt lưới không đúng quy định để khai thác thủy sản vẫn còn xảy ra ở một số nơi, nhất là vào mùa sinh sản của cá, từ đó đã làm suy giảm nguồn lợi thủy sản. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang đã có Công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số nội dung nhằm tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuyên Quang: Tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
Ảnh minh họa

Nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trên cơ sở khai thác có hiệu quả, phát huy tiềm năng về diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị thủy sản, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn tại địa phương, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nuôi, năm 2019, tỉnh Tuyên Quang đã Phê duyệt Đề án phát triển thủy sản tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019-2025.

Theo đó, tỉnh Tuyên Quang đã đặt ra các mục tiêu cho giai đoạn 2019-2025 là phát triển lĩnh vực thủy sản theo hướng nuôi thâm canh các loài cao sản ở ao, hồ; mở rộng diện tích nuôi thâm canh các loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, gắn với nhu cầu thị trường, như cá: Chiên, Lăng, Anh Vũ,…phấn đấu diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đến năm 2025 đạt trên 12.200 ha.

Bên cạnh đó, sẽ tập trung sản xuất các loại giống cá đặc sản; đẩy mạnh nuôi thương phẩm cá đặc sản tại những nơi có điều kiện tự nhiên phù hợp. Mở rộng các kênh tiêu thụ thủy sản tại các chợ chợ đầu mối, nhà hàng, siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch ở trong, ngoài tỉnh và các thành phố lớn; hướng tới xuất khẩu loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá Rô Phi...; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gắn với chỉ dẫn địa lý cá đặc sản của tỉnh để tạo thành sản phẩm hàng hóa hoàn chỉnh có sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập của người nuôi trồng thủy sản.

Mặt khác, cần bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Nâng cao trình độ sản xuất, thu nhập và đời sống của người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Tuy nhiên, tình trạng sử dụng xung điện, ngư cụ có kích cỡ mắt lưới không đúng quy định để khai thác thủy sản vẫn còn xảy ra ở một số nơi, nhất là vào mùa sinh sản của cá, từ đó đã làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài cá bản địa quý hiếm và nguồn lợi thủy sản trên sông và hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Để chấm dứt tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang đã có Công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số nội dung nhằm tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số nội dung như sau:

Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ cấm khai thác thủy sản theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (đặc biệt là trong thời gian mùa vụ cá sinh sản), các khu vực cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn trong năm theo quy định tại Phục lục II của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ và Phụ lục II, Phụ lục III của Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. 

Tổ chức vận động người dân khai thác thủy sản trên sông, hồ thủy điện thuộc địa bàn quản lý ký cam kết về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở các vùng nước sông, hồ thủy điện thuộc địa bàn quản lý theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. 

Tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản trên sông, hồ thủy điện, nhất là tại các khu vực bãi cá đẻ, bãi giống tự nhiên trong mùa sinh sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản, đặc biệt là các hành vi như: Sử dụng các biện pháp khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, sử dụng ngư cụ cấm, nghề cấm, khai thác các loài trong danh mục cấm (thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ và các quy định có liên quan).

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, ưu tiên lựa chọn đối tượng thả là các loài cá bản địa, các loại cá có giá trị kinh tế cao vào các vùng nước hồ thủy điện nhằm phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản có nguy cơ bị cạn kiệt và thực hiện nội dung bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Văn bản số 632/SNN-TS ngày 19/4/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT về thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2020.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác