Cà Mau: Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản để phát triển kinh tế (17-05-2023)

Trong ngày 15/5/2023, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp cùng với Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau và chính quyền địa phương xã Khánh Bình Tây, Khánh Hội tổ chức thả các giống loài thủy sản tại khu vực rạn nhân tạo thuộc vùng biển xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Cà Mau: Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản để phát triển kinh tế

Lĩnh vực khai thác thủy sản trong những năm qua đã đạt những kết quả rất khả quan, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống thu nhập của người dân Cà Mau nói riêng. Tuy nhiên, việc phát triển quá nóng, số lượng tàu thuyền tăng lên nhanh chóng trong một thời gian ngắn đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản của địa phương. Do đó, hàng năm Chi cục Thủy sản Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản, tránh tình trạng đánh bắt tận diệt dẫn đến cạn kiệt nguồn thủy sản ven biển, tổ chức thả tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Nằm trong hoạt động dự án thả giống bổ sung một số loài thủy sản bản địa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản thuộc Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong ngày 15/5/2023, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau phối hợp cùng với Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau và chính quyền địa phương xã Khánh Bình Tây, Khánh Hội tổ chức thả các giống loài thủy sản tại khu vực rạn nhân tạo thuộc vùng biển xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.Theo đó, có 5.000 con cá hồng bạc, 5.000 con cá hồng mỹ, 5.000 con cá chim vây vàng, 5.000 con cá mú, 30.000 con cá chẽm, 100.000 con cua biển cùng 5.000.000 con tôm sú được thả về với môi trường thiên nhiên.Đây là khu vực thích nghi cho các loài thủy sản sinh sống và phát triển, từng bước khôi phục lại nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Tại buổi thả cá, ông Nguyễn Quốc Trọng, chủ một tàu cá ở ấp Kinh Hòn Bắc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Chính quyền địa phương ở đây rất quan tâm đến việc tái tạo nguồn lợi thủy sản, chính quyền cũng thường xuyên phối hợp với ngành chức năng mở lớp tập huấn cho chúng tôi về vấn đề này. Tại các lớp tập huấn, chúng tôi được các chuyên gia về thủy sản giải thích về tầm quan trọng của nguồn lợi thủy sản đối với môi trường ngoài thiên nhiên hết sức cần thiết và cần được bảo vệ”.

Tại buổi lễ, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Nghề đánh bắt, khai thác thủy sản tại Cà Mau phát triển khá mạnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế biển địa phương phát triển. Đã qua, Cà Mau thường xuyên mở các cuộc hội thảo, tập huấn, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho ngư dân, cũng như cho đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn tại các huyện, xã trên địa bàn tỉnh về phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững”.

Việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được Chi cục Thủy sản duy trì và thực hiện thường xuyên hàng năm nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản, tránh tình trạng đánh bắt tận diệt dẫn đến cạn kiệt nguồn thủy sản ven biển; từng bước tái tạo nguồn thủy sản có nguy cơ bị đe dọa, tuyệt chủng..

“Vùng biển Cà Mau có diện tích thăm dò khai thác rộng khoảng 71.000 km2, được đánh giá là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại. Trong đó, nhiều loại tôm cá có giá trị và sản lượng lớn như tôm, mực, ghẹ, cá thu, cá chim, cá mú, cá bớp… Vùng mặt nước ven biển có khả năng nuôi các loại thủy sản như nghêu, sò huyết, hàu, tôm nước mặn…có giá trị kinh tế cao. Sản lượng khai thác, đánh bắt thuỷ sản trên 230 ngàn tấn/năm”. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp cho biết thêm.

Minh Tấn (Chi cục Thủy sản Cà Mau)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác