Phát triển các vùng biển của Việt Nam (theo Nghị quyết số 26/NQ-CP) (23-03-2020)

Ngày 05 tháng 3 năm 2020, tại Nghị quyết số 26/NQ-CP, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ về Phát triển kinh tế biển, ven biển; Trong đó có Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm Phát triển các vùng biển của Việt Nam.
Phát triển các vùng biển của Việt Nam (theo Nghị quyết số 26/NQ-CP)
Ảnh minh họa

Cụ thể là, tại Nghị quyết số 26/NQ-CP, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch 5 năm đến năm 2025 - Phát triển kinh tế biển, ven biển thông qua việc Phát triển các vùng biển của Việt Nam (nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).

Về Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 26/NQ-CP đã quy định việc Phát triển các vùng biển của Việt Nam như sau:

Tại vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình): Tiếp tục xây dựng khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển; Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới; Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần cảng biển quốc tế, trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ; phát triển chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản ven bờ và xa bờ ở cả Quảng Ninh và Hải Phòng.

Tại vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ (Thanh Hoá - Bình Thuận): Phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp sạch; phát triển các trung tâm du lịch lớn; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá.

Tại vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh): Phát triển cảng biển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành dầu khí; Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Đông Nam Bộ, phát triển chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản ven bờ và xa bờ.

Tại vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Cà Mau - Kiên Giang): Xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo, nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Kế hoạch 5 năm đến năm 2025 - Phát triển các vùng biển của Việt Nam:

Tập trung phát triển du lịch và dịch vụ biển tại vùng có tiềm năng, lợi thế tại một số địa phương ven biển; Xây dựng mô hình phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mô hình hệ sinh thái bền vững cho các biển, hải đảo tại các vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ và Tây Nam Bộ; Xây dựng quy trình sản xuất khép kín dựa trên công nghiệp nuôi trồng, khai thác, chế biến, xử lý các sản phẩm ngành thủy sản kết hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu ở các hải đảo làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế biển và hải đảo bền vững.

Thông tin chi tiết của Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05 tháng 03 năm 2020: Xem tại https://tongcucthuysan.gov.vn/

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác