Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cho nông-ngư dân (10-03-2020)

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nông-ngư dân; đồng thời, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản, thủy sản, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cho nông-ngư dân
Ảnh minh họa

Cụ thể là, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như: Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thương mại, thị trường nông sản; kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại; chương trình thương hiệu quốc gia về nông, lâm, thủy sản và muối; Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động phân tích, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại và các hoạt động liên quan đến chương trình thương hiệu quốc gia về nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý của Bộ; Rà soát danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về đồng bằng sông Cửu Long: Tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt: Xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long; phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.

Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng Chương trình “Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021- 2030”. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long sẽ tập trung vào 03 nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: thủy sản (cá tra, tôm nước lợ), cây ăn trái và lúa gạo. Đồng thời, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào lĩnh vực sản xuất giống, vật nuôi thương phẩm; ưu tiên phát triển hạ tầng tại các khu nuôi tôm tập trung đặc biệt là hệ thống thủy lợi, điện lưới; đẩy nhanh việc tháo gỡ các rào cản thương mại để mở rộng thị trường, bao gồm thị trường Trung Quốc, Ả Rập Xê út, Hoa Kỳ, EU… Tổ chức kiểm soát chất lượng vật tư thủy sản thông qua kiểm tra chuyên ngành.

Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách cho vay đóng tàu cá. Tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để sớm được EU gỡ thẻ vàng cảnh báo về khai thác thủy sản. Đẩy mạnh và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia chuỗi liên liên kết sản xuất thủy sản thông qua các yếu tố sản xuất như: vốn, giống, thức ăn, khoa học và công nghệ… Tổ chức sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến; Tiếp cận và phát triển thị trường tiêu thụ, trong đó đặc biệt chú ý việc quy hoạch vùng và liên kết vùng.

Đặc biệt, tại buổi đối thoại “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nguồn lợi và hành vi đánh bắt bằng chất nổ nguy hiểm.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác