Hội nghị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai chống khai thác IUU (28-02-2020)

Sáng 28/02/2020, tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định, Bộ Nông nghiệp phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức “Hội nghị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai chống khai thác IUU”. Hội nghị đã tập trung thảo luận các nội dung và đưa giải pháp nhằm chống khai thác IUU.
Hội nghị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai chống khai thác IUU

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo của các Bộ, Ban ngành từ Trung ương đến địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công An, Bộ Công Thương, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và các tỉnh thành/phố ven biển và đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT của 28 tỉnh/thành phố ven biển các cơ quan của các Viện, Trường, đơn vị nghiên cứu, cùng báo đài đến đưa tin về hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, Hồ Quốc Dũng và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phùng Đức Tiến đã đồng chủ trì Hội nghị.

Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Châu Âu (EU) với lý do Việt Nam chưa kiểm soát được đội tàu dẫn đến tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài gia tăng và chưa kiểm soát được tính hợp pháp sản phẩm hải sản từ khai thác xuất khẩu sang thị trường EU.

Đồng thời, EC đưa ra 09 nhóm khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 06 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018) về chống khai thác IUU. Cụ thể, EC đã khuyến nghị: Sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và khu vực áp dụng cho việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản; Đảm bảo thực hiện, thực thi có hiệu quả pháp luật quốc gia được sửa đổi, bổ sung tại Luật Thủy sản; Tăng cường việc thực hiện có hiệu quả các quy tắc quốc tế và các biện pháp quản lý thông qua một chế độ xử phạt đầy đủ được thực thi và theo dõi; Khắc phục những thiếu sót đã được xác định trong thanh tra, kiểm soát và giám sát  tàu cá đáp ứng được các quy định quốc tế và khu vực và yêu cầu của EC về chứng nhận khai thác; Tăng cường quản lý và cải tiến hệ thống đăng ký và cấp phép khai thác; Cân bằng năng lực khai thác và chính sách phát triển tàu cá; Tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và thực hiện tất cả các bước cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế; để ngăn chặn các sản phẩm thủy sản đánh bắt bất hợp pháp được buôn bán và nhập khẩu vào Việt Nam; Tăng hợp tác với các quốc gia khác phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế; Đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ thu thập và báo cáo số liệu cho các tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

Ngay sau khi EC cảnh báo “Thẻ vàng”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, đề ra các giải pháp để thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Sau thời gian triển khai thực hiện, vào tháng 5/2018, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thuỷ sản của EC sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.

Bên cạnh đánh giá nỗ lực của Việt Nam, phía EC tiếp tục đưa ra 04 nhóm khuyến nghị đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục để chống khai thác IUU gồm: Hoàn thiện khung khổ pháp lý; Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; Thực thi pháp luật; Truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác.

Qua đợt kiểm tra đánh giá của Đoàn thanh tra EC vào cuối năm 2019, Đoàn đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC, khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra vào tháng 5 năm 2018 và đang đi đúng hướng; đặc biệt là đã hoàn thiện được một khuôn khổ pháp lý mới, khá toàn diện và phù hợp với quy định quốc tế, bước đầu triển khai thực hiện có nhiều tiến bộ hơn so với năm 2018; đánh giá cao sự thiện chí, hợp tác, minh bạch, trung thực của phía Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên trong suốt thời gian làm việc với Đoàn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm, tiếp tục diễn biến phức tạp (trong năm 2019 xảy ra 138 vụ/220 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, trong đó các lực lượng chức năng đã xác định có 93 vụ/144 tàu cá bị bắt giữ, xử lý do vi phạm vùng biển của các nước trong khu vực gồm Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Bru-nây, Phi-líp-pin, Cam-pu-chia, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu), trong khi đó việc áp dụng quy định xử phạt hành chính mới trong lĩnh vực thủy sản đối với các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài còn hạn chế, việc áp dụng hình thức xử lý đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chưa thống nhất giữa các địa phương; đây là một trong những tồn tại chính mà phía EC chưa thể gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” cho Việt Nam hoặc thậm chí bị nâng lên cảnh báo “Thẻ đỏ” trong đợt thanh tra lần tiếp theo (định kỳ 06/lần) nếu tình hình chưa có sự cải thiện.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cương, khẳng định, việc kéo dài thời gian bị cảnh báo “Thẻ vàng” hoặc bị nâng lên cảnh báo “Thẻ đỏ”, gây tổn thất lớn đối với nền kinh tế, tác động đến tình hình chính trị - xã hội; đặc biệt là ảnh hưởng đến vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam trên trên trường quốc tế khi Việt Nam đang là: (i) Chủ tịch ASEAN năm 2020; (ii) Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an liên hợp quốc trong năm 2020.

Vì vậy,  Bộ trưởng đề nghị các Bộ, Ban, Ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung nguồn lực triển khai thực hiện một số công việc cấp bách, trọng tâm sau:

Thứ nhất, tập trung áp dụng mọi biện pháp kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Thứ hai, cố gắng hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho toàn bộ các tàu cá có chiều dài 15m trở lên trước 01/4/2020, trên cơ sở chính sách hỗ trợ nguồn lực kinh phí của các tỉnh, chính sách xã hội hóa công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Cơ quan quản lý nhà nước phải thống nhất tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ quan có thẩm quyền cung cấp đáp ứng đủ tiêu chuẩn, trách nhiệm về chất lượng của thiết bị giám sát hành trình. Thống nhất về công nghệ, thiết bị lắp đặt để dễ dàng áp dụng quản trị đồng bộ và xuyên suốt.

Thứ ba, liên quan đến công tác quản lý cảng cá cần thống kê, kê khai rõ ràng, chính xác và minh bạch về truy xuất được nguồn gốc và sản lượng tại cảng đối với tàu cá khai thác của Việt Nam và tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam để bốc dỡ cá.

Thứ tư, các tỉnh tập trung rà soát lại các nhóm khuyến nghị để thực thi có hiệu quả những vấn đề còn tồn tại mà phía Đoàn kiểm tra của EC đã nêu ra trong đợt kiểm tra lần thứ 2 để khắc phục.

Thứ năm, chuẩn bị tốt kế hoạch và kịch bản chi tiết để tiếp đón Đoàn Thanh tra EC sang kiểm tra trong thời gian tới.

Thứ sáu, giao Vụ Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản tiếp tục tổng hợp, rà soát, cập nhật kịp thời các kiến nghị về đầu tư thiết chế hạ tầng nghề cá và khu neo đậu tránh trú bão của các địa phương bổ sung vào kế hoạch đầu tư trung hạn để huy động nguồn lực đầu tư.

Thứ bảy, đề nghị Ủy ban nhân dân 28 tỉnh/thành phố ven biển đánh giá, hoàn thiện cơ cấu nghề khai thác hải sản trên cơ sở giảm số tàu khai thác, giảm sản lượng khai thác nhưng tăng cường chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Chú trọng đến phát triển nuôi biển với đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao đáp ứng phù hợp với quy hoạch phù hợp và nghiên cứu nuôi đối tượng hải sản khác tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Thứ tám, chuyển đổi ngành nghề lao động, chuyển đổi sinh kế cho ngư dân để đảm bảo phát triển hài hòa bền vững, hiệu quả trong thời gian tới.

          Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác