Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu gần 240,3 nghìn con tôm thẻ chân trắng bố mẹ (bằng 95,1% so với năm 2020) và 532 con tôm sú bố mẹ (bằng 100%% so với năm 2020). Trong nước sản xuất được 21 nghìn con tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 20 nghìn con tôm sú bố mẹ (bằng 100%% so với năm 2020). Hiện cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, sản lượng tôm giống ước đạt 144,5 tỷ con (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020).
Diện tích thả nuôi tôm nước lợ ước đạt 740 nghìn ha (bằng 100,5% so với năm 2020); trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 630 nghìn ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 110 nghìn ha. Sản lượng tôm nuôi 11 tháng đầu năm đạt 902,7 nghìn tấn (tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020); trong đó, tôm sú 255,2 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 597,5 nghìn tấn. Ước sản lượng tôm nuôi năm 2021 đạt 970 nghìn tấn (bằng 104,3% so với năm 2020) ); trong đó, tôm sú 277,5 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 642,5 nghìn tấn.
Kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tháng đầu năm 2021 đạt 3,2 tỷ USD (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020). Ước kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm đạt 3,8 tỷ USD (tăng 2,7% so với năm 2020).
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhận định: Mặc dù ngành hàng tôm đã đạt được nhiều kết quả như trên, nhưng trên thực tế trong tháng cuối cùng của năm 2021 vẫn còn bộn bề nhiều việc cần xử lý.
Triển khai nhiệm vụ đúng hạn
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh vấn đề hạn định. Ông nhấn mạnh, toàn ngành Thủy sản nói riêng và ngành Nông nghiệp nói chung cần nỗ lực triển khai nhiệm vụ đúng hạn. Để hoàn thành kế hoạch 01 năm thì ngay từ ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu, quý đầu đã phải bắt tay thực hiện, với kế hoạch 10 năm thì phải ngay từ năm đầu tiên, nếu không triển khai ngay thì chắc chắn không thể hoàn thành. Bên cạnh đó, việc hợp tác giữa các đơn vị cũng rất quan trọng, vì các hoạt động thủy sản đều liên đới với nhau, ví dụ như không làm tốt nhiệm vụ bảo tồn thì không có nguồn lợi thủy sản cho khai thác.
Trong những năm qua, đại dịch Covid-19 đã khiến tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng. Đối với ngành Nông nghiệp thì ngoài Covid-19, ngành còn phải đối đầu với các vấn đề khó khăn khác, như: biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi, lũ trồng lũ, bão trồng bão… Nhưng nhờ năng lực phản ứng nhanh và hiệu quả nên năm 2020 toàn ngành đã phục hồi nhanh ngoài sức tưởng tượng.
Hội tụ, kết tinh, tỏa sáng
Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nhờ Nghị quyết 128 và Nghị quyết 126, ngành Thủy sản đã đạt được kết quả tương đối ngoạn mục, riêng lĩnh vực xuất khẩu tôm có thể đạt 3,8 tỷ trở lên; thị trường khai mở, giá tôm cao, cung-cầu tôm đang đáp ứng được tiêu chí “thị trường chi phối” (nhà cung cấp tập trung bán những gì mà thị trường cần). Về 02 Nghị quyết mà Thứ trưởng đã đề cao, đó là: Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về việc Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, sau khi triển khai Nghị quyết 128, hoạt động sản xuất tại các nhà máy chế biến cơ bản đã được khôi phục. Nhờ đó, hoạt động thả nuôi đã được đẩy mạnh, góp phần thực hiện kế hoạch của ngành.
Ứng dụng công nghệ cao để đạt hiệu quả cao
Tại Hội nghị, doanh nghiệp đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đạt được sản lượng lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường thủy sản thế giới.
Để nâng cao lợi thế cạnh tranh của tôm Việt Nam với các đối thủ như Ấn Độ, Ê-cua-đo, Thái Lan, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mong muốn nhận được nhiều hơn các thông tin, dữ liệu hàng tháng để nắm được tình hình nước bạn, có thông tin, yên tâm sản xuất. Việc số hóa bản đồ (tạo lập các bản đồ điện tử) cũng là một mong mỏi được doanh nghiệp bày tỏ tại Hội nghị.
Nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các kết quả nghiên cứu khoa học của các Viện Nghiên cứu đều phải nhân rộng, phổ biến cho nhiều người được biết, để tận dụng thành quả khoa học, cũng như tránh lãng phí nguồn lực tài chính đã dành cho hoạt động nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Thủy sản tổ chức triển khai hiệu quả Luật Thủy sản 2017 để luật phải đi vào cuộc sống; Đồng thời, phải giáo dục tuyên truyền pháp luật, lan tỏa bằng nhiều kênh (phát thanh, truyền hình), tập huấn tập trung... với nhiều hình thức.
Các nội dung khác có liên quan đến ngành hàng tôm (như: Năng lực sản xuất tôm giống, hoạt động quan trắc môi trường, việc sử dụng chế phẩm sinh học, Chính phủ số, nông dân số, thủy sản số...) đều đã được Thứ trưởng đề cập và nêu lên những đánh giá xác đáng. Theo Thứ trưởng, việc lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất đã làm hỏng nguồn tài nguyên đất và nước (chứ không chỉ phá hoại chất lượng thủy sản nuôi trồng. Vì vậy, ngành Thủy sản phải xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm tra, kiểm soát, hậu kiểm... để bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sống cho thế hệ sau, đảm bảo phát triển ngành hàng bền vững.
Liên kết hợp tác hiệu quả
Thứ trưởng yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần chủ động thông tin xúc tiến thị trường vì đây là khâu rất quan trọng. Mặt khác, liên quan đến hoạt động xúc tiến, Cục cũng cần phải phối hợp chặt chẽ với bộ phận thông tin, truyền thông, vì cùng một mặt hàng nhưng với những cách quảng bá khác nhau, lợi nhuận thu được sẽ khác nhau.
Nhìn chung, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường thông tin, truyền thông, nhân rộng các mô hình liên kết hợp tác hiệu quả, huy động tất cả các cánh quân để triển khai hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo chuỗi tôm vận hành liên hoàn, đảm bảo phục vụ dịp Noel, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm nay.
Ngọc Thúy - FICen