Cơ hội mới cho ốc hương nhờ thức ăn công nghiệp (08-11-2023)

Nuôi ốc hương bằng thức ăn công nghiệp giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lây từ thức ăn tươi sang ốc hương, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu tới thị trường khó tính.
Cơ hội mới cho ốc hương nhờ thức ăn công nghiệp
Ốc hương nuôi tại Vịnh Hạ Long

Nuôi tự phát manh mún

Ốc hương (Babylonia areolata) là đặc sản được nhiều người ưa chuộng, có giá trị dinh dưỡng cao. Trong những năm gần đây, nghề nuôi ốc hương ở nước ta phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, chiếm tỷ lệ lớn trong nuôi trồng thủy sản. Ốc hương thương phẩm hiện nay có giá bán rất cao, khoảng 300.000 đồng/kg. Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển nghề nuôi ốc hương rất lớn do nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cao, thậm chí cung không đủ cầu. Đến nay, nghề nuôi ốc hương đã phát triển rộng khắp các tỉnh trong cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang,…

Mặc dù nuôi ốc hương đang trở thành một nghề mới được quan tâm, song hầu hết người dân vẫn nuôi ốc hương theo kiểu tự phát, phụ thuộc vào tự nhiên và chưa kiểm soát được quá trình nuôi. Sử dụng thức ăn công nghiệp cho ốc hương còn hạn chế, thức ăn chủ yếu là tôm cá, nhuyễn thể dạng tươi hoặc đông lạnh. Điều này khiến chi phí đầu vào cao, không ổn định, không chủ động được nguồn cung, hệ số sử dụng thức ăn cao, khó cân đối về dinh dưỡng và gây ô nhiễm môi trường nuôi, không kiểm soát được dịch bệnh khiến năng suất và hiệu quả thấp.

Hoàn thiện thức ăn công nghiệp

Xuất phát từ đề tài “Sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Viện III) thực hiện đã xây dựng thành công quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và sản xuất được thức ăn nuôi ốc hương từ enzyme và một số loại nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam. Đến nay, Viện III đã hoàn thành quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương và bán ra thị trường. Nhiều hộ nông dân đã tiên phong sử dụng thức ăn mới này và đạt hiệu quả kinh tế cao trong nuôi thương phẩm.

Tiến sĩ Mai Duy Minh – Trưởng phòng Công nghệ chế biến thủy sản (Viện III) chia sẻ: “mới đây một hộ nuôi ở tỉnh Bình Định đã thu hoạch được 2,5 tấn ốc hương nuôi ở đìa, doanh thu hơn 500 triệu đồng, trừ mọi chi phí (trong đó tổng số tiền mua thức ăn công nghiệp cho ốc hương 160 triệu đồng) còn lãi hơn 150 triệu đồng. Hiện nay, nhiều hộ khác ở các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa nuôi ốc hương đã mua hàng tấn thức ăn công nghiệp. Điều đó cho thấy, thức ăn công nghiệp cho ốc hương đã được thị trường chấp nhận, người dân nuôi đạt hiệu quả kinh tế.”

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống Hải sản miền Trung (Viện III) cho biết, “Với hiệu quả mang lại, trong những năm qua nghề nuôi ốc hương tại các tỉnh miền Trung phát triển nhanh chóng, nếu như năm 2000 diện tích nuôi mới chỉ 1,7 ha thì nay đã lên đến hàng ngàn ha.”

Sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi ốc hương giải quyết được rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, thức ăn công nghiệp không mang mầm bệnh, đảm bảo đủ về chất lượng dinh dưỡng. Thức ăn công nghiệp dạng viên khô, kích cỡ phù hợp giúp ốc hương ăn hết, tăng FCR, giảm thiểu chất thải. Thứ hai, quá trình nuôi bằng thức ăn công nghiệp cần ít nhân công hơn, giảm chi phí. Thứ ba, sử dụng thức ăn công nghiệp giúp ốc phát triển đồng đều vì thức ăn được rải đều khắp mặt đáy hồ/bể, ốc nuôi không phải cạnh tranh, di chuyển tìm thức ăn.

Hướng tới công nghệ cao

Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ thủy sản Khánh Hòa (thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đã nuôi ốc hương thương phẩm trong hệ thống tuần hoàn (RAS) với diện tích nuôi 1.000 m2, sau 5 tháng cỡ ốc thu hoạch 148g/con (6,76 con/kg), năng suất 12 kg/m2, sản lượng 12 tấn/vụ. Sản phẩm thịt ốc hương nuôi trong hệ thống tuần hoàn đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không chứa kháng sinh, hóa chất và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra các thị trường khó tính trên thế giới. Mô hình nuôi ốc hương trong hệ thống tuần hoàn giúp giảm thiểu rủi ro cho người nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận đạt >250 triệu/vụ (5 tháng), lợi nhuận/chi phí đạt 11,6-13,8%, lợi nhuận/doanh thu đạt 10,4-12,1%, lợi nhuận/vốn đầu tư đạt 14,4-17,1%.

Hiện nay, sản phẩm ốc hương chủ yếu chỉ cho thị trường nội địa và bán cho thương lái xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dưới dạng tươi sống, không đòi hỏi truy xuất nguồn gốc. Nhưng với ốc hương được nuôi công nghệ cao, sử dụng thức ăn công nghiệp có hồ sơ quy trình sản xuất, công bố hàm lượng dinh dưỡng... được các cơ quan quản lý cấp phép, chứng nhận chất lượng sẽ xuất khẩu được sang thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… tăng giá trị cho ốc hương.

Với thành quả đạt được, công nghệ nuôi ốc hương sử dụng thức ăn công nghiệp là bước đột phá mới trong nghề nuôi ốc hương ở nước ta, giúp đa dạng hóa các hình thức nuôi. Tùy theo nguồn vốn và khả năng quản lý mà người nuôi có thể lựa chọn các hình thức nuôi phù hợp, đặc biệt nuôi thâm canh với công nghệ Biofloc (quá trình tự Nitrat hóa trong ao nuôi không cần thay nước) hay công nghệ RAS là công nghệ nuôi đang được quan tâm hiện nay.

Thức ăn công nghiệp khiến mô hình nuôi ốc hương quảng canh manh mún dịch chuyển dần sang nuôi quy mô hàng hóa công nghệ cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sử dụng thức ăn tươi sống, giảm áp lực cho nguồn lợi cá tạp tươi khai thác, đánh bắt ngoài tự nhiên, giảm giá thành, tăng hiệu quả sản xuất, tạo đà phát triển vững chắc cho nghề nuôi ốc hương ở nước ta.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác