Cụ thể là, từ năm 2014, Vụ Nuôi trồng thủy sản có nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh các quy hoạch (nuôi tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể, rô phi, nuôi biển) để nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch thủy sản. Từ năm 2015, tiến hành xây dựng các quy hoạch (nuôi tôm hùm, trồng rong biển), phối hợp với các Viện nghiên cứu thủy sản xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình quản lý, vận hành hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh. Và từ nay đến năm 2020, Vụ có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra (theo Nghị định 36/2014/NĐ-CP), phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi (đối với tôm, cá tra, nhuyễn thể). Tất cả các hoạt động này đều nhằm mục đích triển khai tốt nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất thủy sản.
Về phía Cục KT&BVNLTS, trong hai năm 2014-2015, phải tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch (cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, phát triển tàu cá); đồng thời, xây dựng quy hoạch cơ sở đóng sửa tàu thuyền phục vụ hiện đại hóa tàu cá. Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng cơ chế, chính sách về thu, quản lý, sử dụng Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản Việt Nam. Đối với nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất thủy sản, Cục sẽ tiếp tục thực hiện khai thác hải sản theo mô hình tổ đội sản xuất khai thác hải sản xa bờ, trình Đề án thí điểm tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với cá ngừ và triển khai thực hiện Đề án thí điểm này, đồng thời Triển khai thực hiện Đề án dự báo ngư trường. Đặc biệt là, ngay trong quý III năm 2014, Cục phải phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN&PTNT) trình Đề án và tổ chức đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Sau đó, hàng năm, tổ chức thực hiện Đề án và tổ chức đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở đào tạo chuyên ngành khai thác thủy sản và quản lý nghề cá, đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân các xã ven biển Việt Nam.
Trong giai đoạn tới, Vụ KHCN&HTQT phối hợp với Vụ KHCN&MT (Bộ NN&PTNT) xây dựng, hoàn thiện và trình ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ quản lý chất lượng hàng hóa, vật tư chuyên ngành thủy sản. Đối với vấn đề thúc đẩy thương mại thủy sản, hàng năm, Vụ có nhiệm vụ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thủy sản. Phối hợp với Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối tổ chức phát triển thương hiệu, chỉ dẫn đại lý, xây dựng mô hình chợ phân phối bán buôn thủy sản, nghiên cứu quy định của các thị trường nhập khẩu thủy sản (theo Quyết định số 1016/QĐ-BNN-CB ngày 13/5/2014). Và hàng năm, phối hợp với Vụ Kế hoạch và Vụ HTQT (Bộ) tổ chức xúc tiến đầu tư ngoài nước vào lĩnh vực thủy sản.
Ngoài ra, phải tổ chức nghiên cứu công nghệ phục vụ phát triển sản xuất thủy sản (theo Quyết định số 986/QĐ-BNN-KHCN ngày 09/5/2014). Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên về nghiên cứu công nghệ (hiện đại hóa tàu cá; giảm tổn thất sau thu hoạch; phòng ngừa, phát hiện và xử lý dịch bệnh trên tôm, cá tra, nhuyễn thể; nâng cao chất lượng con giống; áp dụng nuôi trồng thủy sản tiết kiệm nước). Bên cạnh đó, phối hợp với Vụ HTQT (Bộ) tổ chức đàm phán, ký kết hiệp định hợp tác nghề cá trên biển với các nước trong khu vực; hợp tác đánh cá với các nước và vùng lãnh thổ. Xây dựng Đề án thu hút vốn hỗ trợ phát triển, vay ưu đãi và hỗ trợ quốc tế đối với ngành thủy sản giai đoạn 2015-2020.
Tiếp tục điều chỉnh cơ cấu đầu tư công và thực hiện các Chương trình, Đề án trọng điểm. Trong năm 2015, rà soát, sắp xếp, điều chỉnh, lựa chọn danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2015-2020. Và hàng năm, thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư theo phân công phân cấp; tiếp tục thực hiện đầu tư đối với các Chương trình, Đề án trọng điểm.
Ngọc Thúy - FICen