Cụ thể về xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) tháng 8 năm 2024 ước đạt 5,55 tỷ USD, tăng 12,3% so với tháng 8 năm 2023; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 8 tháng đầu năm 2024 đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Đóng góp cụ thể vào kết quả này gồm có xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đạt 6,23 tỷ USD, tăng 7,6%; nông sản đạt 21,31 tỷ USD, tăng 24%; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 324,2 triệu USD, tăng 0,3%; xuất khẩu lâm sản đạt 10,97 tỷ USD, tăng 19,7%. Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước, trong đó tôm 2,41 tỷ USD, tăng 9,5%; cá tra 1,2 tỷ USD, tăng 8,2%.
Ước giá trị xuất khẩu các mặt hàng NLTS chính của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024 tới các thị trường thuộc khu vực châu Mỹ đạt 9,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; châu Phi đạt 747 triệu USD, tăng 5,5%; châu Á đạt 19 tỷ USD, tăng 15,7%; châu Âu đạt 4,8 tỷ USD, tăng 30,5%; châu Đại Dương đạt 563 triệu USD, tăng 12,8%.
Thị phần xuất khẩu NLTS Việt Nam sang các khu vực trong 8 tháng đầu năm 2024: châu Á chiếm 47,4%; châu Mỹ chiếm 23,3%; châu Âu chiếm 12,1%; châu Phi chiếm 1,9%; châu Đại Dương chiếm 1,4%. Tính chung về thị phần, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 21,4%, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2023; thị trường Trung Quốc chiếm 20,4%, tăng 10,2% và thị trường Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 4,6%.
Riêng xuất khẩu thủy sản tháng 8 năm 2024 ước đạt 900 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2024 đạt 6,23 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là 3 thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam, chiếm 49,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 15 thị trường xuất khẩu thủy sản chính, thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất là Nga, tăng 2,1 lần.
Về nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu NLTS tháng 8 năm 2024 của Việt Nam ước đạt 3,57 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng 8/2023; đưa tổng kim ngạch nhập khẩu NLTS 8 tháng đầu năm 2024 đạt 28,28 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản đạt 17,28 tỷ USD, tăng 4,7%; giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 2,44 tỷ USD, tăng 6,8%; giá trị nhập khẩu thuỷ sản đạt 1,69 tỷ USD, giảm 2,6%; giá trị nhập khẩu lâm sản đạt 1,82 tỷ USD, tăng 24%; giá trị nhập khẩu đầu vào sản xuất đạt 5,02 tỷ USD, tăng 5,2%; giá trị nhập khẩu muối đạt 24,3 triệu USD, giảm 20,6%.
Ước giá trị nhập khẩu các mặt hàng NLTS nhập khẩu chính của Việt Nam từ các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm thị phần 29,4%; châu Mỹ chiếm thị phần 24,8%; châu Âu chiếm thị phần 4,6%; châu Đại Dương chiếm thị phần 3,9% và châu Phi chiếm thị phần 3,9%.
Giá trị nhập khẩu NLTS của Việt Nam từ khu vực châu Á đạt 8,31 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; châu Mỹ đạt 7,01 tỷ USD, tăng 12,7%; châu Âu đạt 1,3 tỷ USD, tăng 13,6%; châu Đại Dương đạt 1,1 tỷ USD, giảm 42,5%; châu Phi đạt 1,09 triệu USD, giảm 16,8%.
Trung Quốc, Braxin và Hoa Kỳ là 3 thị trường cung cấp các mặt hàng NLTS lớn nhất cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024. Giá trị nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 9,6%, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2023; thị trường Braxin chiếm 8,7%, tăng 24,3%; và thị trường Hoa Kỳ chiếm 8,2%, tăng 1,3%.
Một số mặt hàng chính như nhập khẩu thủy sản tháng 8 năm 2024 ước đạt 250 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản 8 tháng đầu năm 2024 đạt 1,69 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, nguồn nhập khẩu thủy sản của Việt Nam chủ yếu từ các thị trường Nauy, chiếm tỷ trọng 12,4%; Inđônêxia là 11,3% và Trung Quốc 10,7%. So với cùng kỳ năm 2023, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam từ 3 thị trường trên đều tăng, mức tăng lần lượt là 10,4%, 37,3% và 26,5%.
Về cán cân thương mại ngành NLTS Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt thặng dư 11,8 tỷ USD, tăng 68,4% so với cùng kỳ năm trước. Lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư. Cụ thể, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 9,15 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023; nhóm nông sản thặng dư 4,03 tỷ USD, tăng 5,8 lần.
Đặc biệt, riêng nhóm thủy sản thặng dư 4,54 tỷ USD, tăng 11,9%, trong đó mặt hàng tôm thặng dư 2,15 tỷ USD, tăng 17,1%.
Chia sẻ về những kết quả của ngành nông nghiệp 8 tháng đầu năm 2024, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, để đạt được quy mô xuất khẩu như vậy, phải nói tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đi đúng hướng theo Chiến lược 150/QĐ-TTg năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo Thứ trưởng, khó khăn phức tạp của thế giới lại chính là thời cơ. Chúng ta đã nắm bắt, vận hành và đi sâu được vào các thị trường, chẳng hạn như Mỹ vẫn là thị trường số 1, chiếm khoảng 21%; Trung Quốc trên 20%. Ngoài ra, Nhật Bản, châu Âu, Philippines, Hàn Quốc… vẫn là những thị trường có nhiều tiềm năng, lợi thế đối với nông sản Việt Nam.
Về thủy sản, dù đã có khởi sắc về thị trường, về giá xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp thủy sản vẫn còn phải đối mặt nhiều thách thức từ nay đến cuối năm. Do vậy, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường; hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam.
Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP 3,5%. Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, gồm: Tập trung giải ngân đầu tư công; tăng cường phòng chống dịch bệnh động vật; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong tất cả lĩnh vực như thủy lợi, phòng chống thiên tai, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, thú y, bảo vệ thực vật... Đây là những giải pháp mang tính căn cốt để thúc đẩy cho toàn ngành nông nghiệp về đích năm 2024 và tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
Thanh Thủy