Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Nhật Bản (12-04-2022)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), giá tôm biến động đã phản ánh quan hệ cung cầu trong nước; Sự biến động về giá đối với kích cỡ tôm cũng đã phản ánh cung cầu đối với từng cỡ tôm. Tóm lại, giá tôm biến động chủ yếu do quan hệ cung cầu và sự biến động này xảy ra ở thời điểm nào đó là chuyện bình thường. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản.
Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Nhật Bản

Thông thường, giá của hàng hóa được tiêu thụ trên toàn cầu phụ thuộc vào mối quan hệ cung cầu. Cung hiếm chắc chắn giá tăng và ngược lại. Tuy nhiên, mối quan hệ này còn xét thêm yếu tố chi phối là mối quan hệ trong phạm vi nhỏ hơn. Thí dụ trong một nước, ở địa phương này hiếm thì giá tăng nhưng gần đó có thể có nhiều sản phẩm như vậy, giá bên đó sẽ mềm hơn. Hiện nay thế giới phẳng hơn, mọi thông tin có thể truyền đi và tiếp nhận nhanh chóng. Tôm thế giới hàng năm hơn 4 triệu tấn và đang trên đà tăng trưởng. Tôm nuôi chủ yếu từ Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… Tôm biển nhiều ở Nam Mỹ. Các cường quốc tôm là Ecuador và Indonesia có khả năng cung tôm sớm hơn các nước còn lại, do hai quốc gia này nằm ở phía Nam bán cầu, có khí hậu ngược với phần còn lại. Cứ đầu quý 4 chuyển qua mùa xuân, Ecuador và Indonesia có thể thả tôm sớm hơn, trong khi các nước còn lại qua đầu năm thời tiết mới thuận lợi. Hai nước thả nuôi và thu tôm sớm gặp phải bất lợi là tôm thu hoạch nhằm giai đoạn cầu thấp, tiêu thụ chậm.

Cách đây 4 năm, tôm Ecuador và Indonesia được thu hoạch sớm và trúng vụ, phải bán rất rẻ mới giải phóng tồn kho. Việc tôm bán giá rẻ đã tác động không nhỏ tới chuỗi giá trị tôm của các nước còn lại. Bên mua có nhiều lời mời chào trong khi nhu cầu không cao, vì mới qua đầu năm mới, không có lễ hội gì đáng kể. Trả giá nào cũng mua được tôm từ hai nước này. Khi các doanh nghiệp tôm Việt Nam chào đơn hàng năm mới theo thông lệ, bị trả giá hết sức thấp. Từ đó các doanh nghiệp tôm Việt Nam phải giảm giá, dù tôm chưa được thả nuôi nhiều. Giá tôm thương phẩm giảm khoảng 40% khiến các chủ ao không muốn thả nuôi mặc dù ao đã chuẩn bị xong. Hệ lụy tôm giống ứ đọng, khuyến mãi mua một tặng một.

Tại các tỉnh miền Tây Việt Nam, nhiều năm qua, chu kỳ tôm tăng giá diễn ra từ cuối quý 3 năm trước đến cuối quý 1 năm sau. Thời gian còn lại là giá bình thường. Giá thấp điểm nhất là cuối quý 2 và quý 3. Giá tôm biến động phản ánh quan hệ cung cầu trong nước. Quy luật này bị phá vỡ do tác động quan hệ cung cầu thế giới (như ở sự kiện nêu trên). Khi giá tôm thấp là thời điểm tập trung thu hoạch rộ, sản lượng cung ứng vượt quá khả năng chế biến hàng tinh chế, bởi năng suất nhà máy và thị trường tiêu thụ có hạn. Vài năm gần đây, quy trình nuôi tôm có nhiều cải tiến, người nuôi chủ động hơn trong việc kiểm soát môi trường nuôi, có thể điều chỉnh thời gian nuôi kéo dài hơn, nhờ đó hạn chế nhiều việc thu hoạch ồ ạt và gián tiếp hạn chế việc giảm giá tôm thương phẩm, tác động bởi cung cầu.

Đầu năm 2022 tôm thương phẩm giữ ở mức giá cao như thông lệ

Thời tiết ổn định và kinh nghiệm nuôi tốt hơn nên người nuôi đã thả giống sớm hơn năm trước khoảng 3 tuần. Việc thả giống cũng không ồ ạt mà được thực hiện đều đặn, liên tục. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2022 tăng khá tốt, một phần là do nguồn tôm nguyên liệu đầy đủ hơn. Điển hình như Công ty Sao Ta có sản lượng tôm chế biến 2 tháng đầu năm tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo thông lệ quý 1 hàng năm là giai đoạn các doanh nghiệp tôm mua, chế biến mang tính chất cầm cự, chịu thiệt bởi đây là lúc tiêu thụ thấp nhưng lại là giai đoạn mua tôm nguyên liệu giá cao nhất nhằm có nguyên liệu, việc làm cho người lao động và giữ mối quan hệ khách hàng. Với giá mua cao, dù chế biến tinh cũng chỉ cầm hòa, và do rủi ro cũng không thể ký kết nhiều hợp đồng giao hàng lúc này. Khi nguyên liệu có dấu hiệu tăng, giá mua sẽ giảm để trở lại trạng thái cân bằng, chia sẻ hợp lý hơn lợi ích các mắt xích trong chuỗi giá trị.

Biến động xung đột quân sự Đông Âu không tác động trực tiếp lên cung cầu tôm Việt Nam, do tôm của Việt Nam tiêu thụ tập trung ở các thị trường trọng điểm. Xung đột đó có thể tác động ít nhiều lên chuỗi logistic như sẽ gây chậm trễ việc vận chuyển hàng hóa và tác động đáng kể khi giá dầu tăng trên 40% thời gian vừa qua, khiến chi phí thuê container tăng vọt. Thống kê cho thấy, tôm giảm giá tập trung ở cỡ lớn (30 con trở lên). Riêng cỡ trung bình (50 con trở xuống) giá duy trì và tốt hơn cả năm 2021. Sự biến động giá cả cỡ tôm phản ánh cung cầu tôm với từng cỡ. Chuỗi giá trị tôm của Việt Nam có may mắn là mắt xích chế biến có trình độ cao, chế biến sâu, thâm nhập nhiều khúc thị phần tôm cao cấp; từ đó có biên lợi nhuận tốt.

Một minh chứng về giá: Đầu tháng 2/2022, giá tôm của Indonesia khoảng 141.000 đồng (6,05 USD) cho tôm 40 con. Thái Lan là nước có trình độ chế biến tôm hàng đầu như Việt Nam, tại thời điểm đó có giá là 133.500 đồng (5.73 USD) cho tôm cỡ 60 con và 126.500 đồng (5.43 USD) cho tôm cỡ 70 con. Tôm Ecuador giá từ 72.000-79.000 đồng (3.40-3.10 USD) cho tôm cỡ 60-80 con.

Tôm thương phẩm đang có giá bán khá cao nhưng nhiều người nuôi vẫn cho rằng nuôi không có lời. Nuôi tôm quan trọng là tỉ lệ thu hồi đầu con thả nuôi, hệ số thức ăn, giá cả vật tư đầu vào. Người nuôi của Việt Nam thất thế do tỉ lệ ao nuôi thành công còn thấp so với các nước, nhất là giá cả vật tư đầu vào cao hơn do phải thông qua trung gian các nhà đầu tư, chủ yếu là thương lái (bán trả chậm  sau khi thu tôm). Dù sao cũng phải khẳng định, giá tôm biến động chủ yếu do mối quan hệ cung cầu. Sự biến động này xảy ra ở thời điểm nào đó là chuyện bình thường. Hiện nay, tôm thương phẩm có giảm giá, nhưng mức giảm đó không do cạnh tranh lợi ích mà đang trong tiến trình đưa giá tôm về giá trị thực của nó. Giá trị thực do thị trường thế giới định đoạt. Vấn đề là giá cả đó vẫn duy trì lợi nhuận tốt đối với người nuôi có tỉ lệ thu hồi tôm thả trên 80%, là mức trung bình thấp dễ thực hiện.

Tận dụng lợi thế, đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Nhật Bản

Sau khi giảm mạnh trong 2 quý cuối năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận tăng trưởng dương. Tính tới nửa đầu tháng 3/2022, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt trên 113 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong 2 năm gần đây chưa ghi nhận tăng trưởng: Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản năm 2020 đạt hơn 613 triệu USD, giảm 0,9%; Năm 2021, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 578 triệu USD, giảm 6% so với năm 2020. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng dương đạt được trong xuất khẩu tôm sang Nhật Bản những tháng đầu năm 2022 là một tín hiệu khả quan.

Hiện Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ (chiếm khoảng 15% tỷ trọng). Tháng 3 năm nay, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu của 67 doanh nghiệp tôm Việt Nam với các sản phẩm xuất khẩu chính như: tôm phủ bột đông lạnh, tôm tẩm bột xù, tôm thẻ PDTO Nobashi đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm chân trắng còn đuôi hấp đông lạnh, tôm thẻ bóc vỏ bỏ đầu bỏ đuôi hấp đông lạnh, tôm thẻ hấp đông lạnh… Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), tháng 1/2022, nhập khẩu tôm của Nhật Bản đạt gần 176 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Top 3 nguồn cung lớn nhất gồm Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Nhập khẩu từ Việt Nam giảm nhẹ trong khi nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan tăng lần lượt 21% và 46% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2021, nhập khẩu tôm của Nhật Bản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020. Top 5 nguồn cung tôm lớn nhất cho Nhật Bản gồm Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Argentina. Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất trên thị trường Nhật Bản, chiếm 24% thị phần, Indonesia và Ấn Độ cùng chiếm 16% thị phần, Argentina chiếm 7%. Năm 2021, nhập khẩu tôm vào Nhật Bản từ Việt Nam giảm nhẹ 3% trong khi nhập khẩu từ Indonesia và Ấn Độ tăng lần lượt 10% và 18% so với năm 2020. Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh mạnh hơn với tôm Ấn Độ và Indonesia trên thị trường Nhật Bản. Ấn Độ sụt giảm xuất khẩu sang EU nên tập trung xuất sang Nhật Bản. Năm 2021, nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh (sản phẩm nhập khẩu nhiều nhất của Nhật Bản) tăng 10% trong khi nhập khẩu tôm nước lạnh đông lạnh giảm 9% so với năm trước đó.

Nhật Bản có sự ưu tiên nhập khẩu tôm nước ấm nhiều hơn tôm nước lạnh trong những năm gần đây. Chính phủ Nhật Bản đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới và bình thường hóa các hoạt động kinh tế-xã hội. Hiện Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Mỹ, hầu hết châu Âu và nhiều quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bao gồm tôm của Nhật Bản còn rất lớn. Do vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản có nhiều cơ hội tăng trưởng.

Ngọc Thúy (t/h)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác