Tháng 10, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (02-11-2021)

Trong tháng 10/2021, sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung vào chăm sóc, thu hoạch lúa trên cả nước; Chăn nuôi gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh; Sản xuất lâm nghiệp có nhiều thuận lợi khi các địa phương gỡ bỏ giãn cách xã hội; Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang dần phục hồi sản xuất, tăng công suất hoạt động; Chuỗi cung ứng sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản dần được hồi phục.
Tháng 10, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong tháng 10 khởi sắc khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi, những tín hiệu tích cực trong tình hình đăng ký doanh nghiệp cho thấy sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trong việc Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả. Số doanh nghiệp thành lập mới tháng 10/2021 tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với tháng trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8% so với tháng trước.

Trong tháng 10, các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng, các Bộ, ngành và địa phương đang nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công. Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tháng 10/2021 ước đạt 41,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với tháng 9/2021. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/10/2021 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch Covid-19 dần được kiểm soát, nhiều địa phương triển khai “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ nên hoạt động thương mại trong nước và vận tải khôi phục trở lại trong tháng 10. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10 giảm 0,4% so với tháng 9 và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng năm 2021, nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 19,2 tỷ USD, tăng 15,1%; nhóm hàng thủy sản đạt 6,89 tỷ USD, giảm 0,8%.

10 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 44,2 tỷ USD, tăng 16,8%. Thị trường EU đạt 31,7 tỷ USD, tăng 8,9%. Thị trường ASEAN đạt 23 tỷ USD, tăng 21,3%. Hàn Quốc đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,2%. Nhật Bản đạt 16,1 tỷ USD, tăng 2,2%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 89,4 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 45,5 tỷ USD, tăng 21,4%. Thị trường ASEAN đạt 33 tỷ USD, tăng 34,8%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 9%. Thị trường EU đạt 13,8 tỷ USD, tăng 15,9%. Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 13,5%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9 xuất siêu 360 triệu USD; 9 tháng nhập siêu 2,55 tỷ USD; tháng 10 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,45 tỷ USD (so với cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,63 tỷ USD); Trong đó: xuất siêu sang EU đạt 17,9 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 45,2 tỷ USD, tăng 63,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 27,6 tỷ USD, tăng 29,1%; nhập siêu từ ASEAN 10 tỷ USD, tăng 80,8%.

Nhiều địa phương nới lỏng giãn cách giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm, đồng thời nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%.

Một số tình hình xã hội: Trong tháng 10, công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm trong bối cảnh đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được triển khai, tính đến ngày 22/10/2021 tổng kinh phí đã triển khai trên toàn quốc là hơn 24 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 25,2 triệu đối tượng. Bên cạnh đó, ngày 07/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1680/QĐ-TTg hỗ trợ 741,2 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân tỉnh Quảng Trị gặp khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, một số tỉnh, thành phố đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Thiên tai xảy ra trong tháng chủ yếu là mưa lớn, lũ, ngập lụt, lốc, sét, mưa đá, thiệt hại ước tính 778 tỷ đồng, giảm 71,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm nay, tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 2,1 nghìn tỷ đồng, giảm 78,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác