Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn phê duyệt kế hoạch và thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, tuân thủ các khuyến cáo tại các bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, III và các hướng dẫn kỹ thuật kèm theo; tăng cường công tác kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi trồng thủy sản đặc biệt là các khu vực nuôi bè, vèo trên sông.
Chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên vật liệu, bố trí nguồn nhân lực và tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão, lũ; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi nhằm hỗ trợ, phục vụ người dân lấy nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Thả giống với mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật. Dừng thả giống khi điều kiện thời tiết không cho phép.
Cử cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở nuôi thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, các biện pháp phòng chống và khắc phục thiệt hại do nắng nóng, mưa bão, hạn hán, xâm nhập mặn và biến động bất thường của thời tiết gây ra để ổn định sản xuất. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để kịp thời truyền tải thông tin về dự báo thời tiết, diễn biến thủy triều, nguồn nước, kết quả quan trắc môi trường… tới người nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Chuyển đổi sản xuất để thích ứng với hạn, mặn
Tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp và kéo dài dẫn đến thiếu nước, cháy rừng, sụt lún, sạt lở đất... gây ra nhiều thiệt hại. Trong khó khăn đó đã có nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long chủ động chuyển đổi sản xuất bằng các giải pháp thích ứng phù hợp, chung sống thuận thiên để phát triển bền vững.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hạn mặn năm 2024 sẽ diễn ra gay gắt và kéo dài, gây thiếu nước ngọt một số vùng ven biển (đa phần là các khu vực không có nước ngầm và chưa được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp nước). Đối với sản xuất nông nghiệp thì hạn mặn tuy có gây ảnh hưởng nhưng mức độ thiệt hại rất thấp so với đợt hạn mặn năm 2016 và 2020; do ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong vùng đã chủ động chuyển đổi sản xuất phù hợp, thích ứng, thuận với tự nhiên.
Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” đã yêu cầu cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm “thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo”, gắn với các tiểu vùng sinh thái; trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực. Sau hơn 6 năm thực hiện đã làm thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp toàn vùng theo hướng thuận thiên, dựa vào thế mạnh của tự nhiên. Đã có những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa tầng, đa giá trị, thuận thiên gần đây xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng như mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa hay mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải.
Các nhà chuyên môn cho rằng, Nghị quyết 120 xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên (chứ không chỉ riêng nước ngọt), là tinh thần mới giúp các địa phương chủ động chuyển dịch các mô hình canh tác phù hợp, khai thác tốt nguồn tài nguyên của các hệ sinh thái ngọt, lợ, mặn; từ đó tránh việc can thiệp vào tự nhiên nhiều như trước.
Để nông nghiệp phát triển bền vững, thuận thiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với hạn mặn thì việc chuyển đổi sản xuất phù hợp là rất quan trọng; đồng thời cũng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Do đó, quy tụ nông dân vào các HTX sẽ thuận lợi trong việc chuyển đổi, cũng như ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất; gắn liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp tiêu thụ để ổn định đầu ra nông – thủy sản. Đây là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hội nhập và phát triển thuận thiên.
Tăng cường ứng phó hạn, mặn kéo dài
Dù giữa tháng 5, nhưng nồng độ mặn vẫn còn khá cao. Theo dự báo của ngành chức năng, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn tiếp tục kéo dài trong tháng này nên cần tăng cường triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó.
Theo dự báo, trong tháng 5 sẽ còn có 2 đợt nắng nóng gay gắt và khả năng nồng độ mặn trên sông, kênh rạch tại các địa phương vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục tăng cao. Trước tình hình này, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã có văn bản yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thường xuyên phối hợp, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, độ mặn tại các cửa sông chính để kịp thời kiểm soát mặn xâm nhập từ biển Đông và biển Tây vào địa bàn tỉnh.
Ngoài thực hiện tốt công tác dự báo tình hình xâm nhập mặn vào từng thời điểm cụ thể, các đơn vị và cán bộ chuyên môn còn tăng cường công tác quan trắc độ mặn nhằm phát hiện sớm nồng độ mặn và địa bàn bị xâm nhập để thông tin kịp thời cho chính quyền các cấp kịp thời xử lý và người dân biết chủ động phòng tránh. Trong đó, công tác quan trắc đảm bảo thông suốt và liên tục từ tỉnh đến địa phương trên cơ sở đánh giá, dự báo để có sự chủ động ứng phó hiệu quả.
Thời gian qua, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy lợi, Văn phòng Thường trực của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kịp thời cập nhật và thông tin nồng độ mặn đến người dân và các cấp chính quyền cơ sở sớm nhất, kịp thời nhất để người dân chủ động ứng phó trên tinh thần là hạn chế tối đa thiệt hại do xâm nhập mặn. Qua kinh nghiệm đợt mặn năm 2015-2016, cũng như đợt mặn năm 2018-2019 đã diễn ra trên địa bàn của tỉnh thì UBND tỉnh cũng đề nghị người dân thường xuyên nghe thông tin từ cơ quan thông tấn báo chí, trên cơ sở phân tích dự báo của cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang để chủ động ứng phó với tình hình xâm nhập mặn.
Hiện tại, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh được quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả theo tình hình thực tế của từng địa phương trong công tác phòng chống hạn mặn. Để chủ động trong công tác phòng chống hạn, mặn trong những năm tiếp theo, tỉnh Hậu Giang cần phải đầu tư, nâng cấp hệ thống đê chưa hoàn chỉnh, các công trình thủy lợi trữ ngọt. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Nhờ công tác phối hợp tốt với tinh thần chủ động giữa các ngành chức năng các cấp cùng với bà con nông dân, đến nay Hậu Giang chưa có diện tích cây trồng, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.
Ngọc Thúy - FICen